Vụ 'bác sĩ Khoa' có dấu hiệu trục lợi
Cơ quan chức năng cho rằng, nhóm người dàn dựng chuyện "bác sĩ Khoa" rút ống thở của mẹ, nhường cho sản phụ là có dấu hiệu trục lợi - kêu gọi tiền ủng hộ.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM đang phối hợp cơ quan quan chức năng làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu tội phạm trong sự việc này.
Tại buổi họp báo ngày 10/8, ông Nguyễn Đức Thọ (Chánh thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM) cho biết, hai chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin sai sự thật này đã bị xử phạt, còn nguồn phát tán thông tin do một nhóm khác, được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật.
"Nhóm này có hệ thống và sống thực trên mạng. Sở đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP HCM", ông Thọ nói.
Thông tin được đăng tải trên tài khoản Facebook Trần Khoa, đêm 7/8. Ảnh: Chụp màn hình. |
Tối 7/8, tài khoản Facebook Phong Lam và Nguyễn Thy gắn thẻ Trần Khoa (nhận là bác sĩ, ảnh đại diện là tiến sĩ nha khoa làm việc tại Singapore) đăng thông tin bác sĩ Khoa đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ song thai mắc Covid-19 nặng.
Theo đó, cha mẹ của bác sĩ Khoa làm trong ngành y tế, đã về hưu nhưng hỗ trợ chống dịch không may mắc Covid-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi người này công tác để điều trị. Khi cha mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Ngoài ra, Facebook của chủ một quỹ từ thiện còn đăng nội dung thể hiện "đã liên lạc với bác sĩ Khoa và quyết định ủng hộ máy thở xâm lấn" cho bệnh viện nơi anh này làm việc.
Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" được nhiều người chia sẻ, thu hút nhiều bình luận tiếc thương, cảm phục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó xác định nội dung trên là không có thật. Tất cả tài khoản Facebook Phong Lam, Nguyễn Thy và Trần Khoa lập tức đóng.
Trước đó, cả 3 tài khoản này tự nhận là thành viên nhóm "nhà 82" hay "thiện nguyện 82", thường tổ chức các chương trình thiện nguyện, ủng hộ bệnh nhân ung thư. Nhiều người cho biết từng tin tưởng nhóm này, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên Nguyen Thi Minh Thy, ở TP Thủ Đức, để ủng hộ.
Theo ông Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, TP HCM), vụ việc về "bác sĩ Khoa" có nhiều dấu hiện gian dối như: sử dụng hình ảnh của một bác sĩ ở Singaprore để giả mạo chân dung của một bác sĩ tại Việt Nam; đăng câu chuyện không có thật, rồi đóng tài khoản Facebook, cắt liên lạc khi bị phát hiện...
"Những người tạo dựng câu chuyện thương tâm, đánh vào lòng trắc ẩn của cộng đồng là thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu ý đồ xấu của mình", ông Tài nêu quan điểm.
Nếu cơ quan chức năng chứng minh được mục đích của nhóm này là nhằm trục lợi tiền hỗ trợ của nhà hảo tâm và thực tế đã nhận được số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, thì hành vi đó đã thỏa mãn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, hành vi cố ý tung tin giả lên mạng gây hoang mang dư luận còn có dấu hiệu phạm tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1 Điều 288 BLSH. Nếu hành vi của nhóm này cấu thành cả hai tội danh thì áp dụng nguyên tắc thu hút tội danh, cơ quan điều tra sẽ xử lý về tội nặng hơn.
Theo vnexpress