Vụ án trò lừa thầy hàng chục tỷ đồng tại đà lạt vẫn chưa có hồi kết

Thứ ba, 09/03/2021 09:10

Bị vợ chồng người học trò cũ lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, khi vụ án được đưa ra xét xử, người bị hại cho rằng Tòa cấp sơ thẩm không xem xét hết vai trò chủ mưu, cầm đầu của đối tượng chính trong vụ án nên kháng cáo. Sau đó, Tòa Phúc thẩm của TAND Cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo… Ngày 8-2-2021, người bị hại  nhận được Kết luận điều tra vụ án hình sự số 11, ban hành ngày 27-1-2021 nhưng vẫn chưa đồng ý với nội dung trong kết luận này.

 Bị cáo Lộc.

Lật lại hồ sơ vụ lừa đảo “khủng”

Theo hồ sơ vụ án, giữa ông Nguyễn Vinh Quang (1955, nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt) là thầy giáo của Nguyễn Thị Thủy Lộc (1979, trú P10, TP Đà Lạt). Lợi dụng danh nghĩa học trò cũ, Lộc cùng chồng là Nguyễn Thế Việt (1977) làm quen, tạo mối quan hệ thân mật với bà Lê Thị Xuân Lan (vợ ông Quang) rồi đặt vấn đề vay tiền của bà Lan. Từ ngày 5-12-2012 đến 18-12-2013, Lộc cùng chồng vay bà Lan tổng cộng 93,8 tỷ đồng (làm tròn), với 36 giấy mượn tiền do Lộc thực hiện. 

Lộc thuê Đàm Thị Bé (30 tuổi, tiếp viên quán karaoke) đóng giả nhân viên Ngân hàng Vietcombank để giao dịch với bà Lan qua các lần chuyển, nhận tiền. Lộc còn thuê Nguyễn Thị Bích Loan (28 tuổi, tiếp viên quán karaoke) đóng vai cán bộ tín dụng của một ngân hàng khác để giao dịch với bà Lan. Lộc chỉ đạo Bé và Loan giả chữ ký nhân viên ngân hàng xác nhận Lộc nợ bà Lan tổng số tiền là 93,8 tỷ đồng. Số tiền này đã được đáo hạn tại ngân hàng. Mỗi khi bà Lan chuyển tiền vào tài khoản cho Lộc – Việt thì 2 cán bộ ngân hàng “dỏm” là Bé và Loan xác nhận qua tin nhắn “ngân hàng đã nhận được tiền”, nhằm để bà Lan yên tâm; khi nào bà Lan cần thì Lộc sẽ chuyển trả. 

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 8-2017, Lộc bị tuyên án tù chung thân, Bé lãnh án 16 năm tù, Loan là 14 năm tù. Vợ chồng ông Quang – bà Lan kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét hết vai trò của chồng Lộc là ông Việt với vị trí, vai trò là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Sau đó, Tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo, các giấy tờ do ký khống và số tiền 93,8 tỷ đồng.

Ai là người tổ chức hoạt động phạm tội

Ngày 8-2-2021, bà Lan nhận được Kết luận điều tra vụ án hình sự số 11, ban hành ngày 27-1-2021 nhưng bà cho biết, chưa đồng ý với nội dung trong kết luận này. Cụ thể, về số tiền bà Lan bị thiệt hại, bị cáo Lộc ký xác nhận 36 giấy mượn nợ của vợ chồng bà Lan, với tổng số tiền là 93,8 tỷ đồng.

Tại kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm trước đây đều xác nhận việc bà Lan cho mượn 93,8 tỷ đồng là đúng, đồng thời xác định Lộc với sự giúp sức của Bé và Loan, đã chiếm đoạt số tiền 28 tỷ đồng (làm tròn) là do việc cấn trừ sai. Thế nhưng tại kết luận điều tra mới đây, việc cấn trừ tiền được áp dụng chưa thỏa đáng. 

Cụ thể, đối với số tiền 20 tỷ đồng bị cấn trừ, kết luận điều tra xác định, do trước khi Bé và Loan xuất hiện thì vợ chồng bà Lan đã cho Lộc mượn với mục đích đáo hạn ngân hàng. Khoản tiền này không nằm trong số tiền 93,8 tỷ đồng (gồm 36 giấy nhận nợ) mà phía bị hại cung cấp cho cơ quan điều tra. Nếu cấn trừ thì đây là khoản tiền bị hại cho Lộc vay trước đó, nên phải là việc Lộc còn nợ nạn nhân để cộng thêm vào 93,8 tỷ đồng, chứ không phải nạn nhân nợ Lộc để trừ ra.

Tại các biên bản ghi lời khai, đối chất cũng như tại phiên tòa, bà Lan khai 32 giấy nhận nợ (tổng cộng là 38,6 tỷ đồng) do bà viết cho Lộc là giấy… khống, được viết theo yêu cầu của Lộc trong cùng một ngày (ngày 20-12-2014) tại quán cà-phê Cát Đằng trên đường Sư Vạn Hạnh (TPHCM). 

Về vai trò của Việt và giấy mượn tiền 38,6 tỷ đồng thu giữ trong két sắt tại nhà ông này ở TP.Đà Lạt, bà Lan khẳng định, ông Việt là người chủ mưu. Bà Lan ký sẵn trên 4 tờ giấy mà chưa ghi nội dung, rồi đưa cho vợ chồng Việt – Lộc. Tất cả những lần đến nhà nạn nhân nhận tiền vay thì vợ chồng Việt – Lộc đều đi cùng. Tại buổi làm việc với cơ quan điều tra ngày 25-9-2020, Lộc bảo lưu quan điểm: “Trong tất cả giấy nợ viết cho bà Lan là do ông Việt giao dịch với bà Lan, yêu cầu tôi viết giấy nợ cho ông Việt. Bà Lan đưa tiền cho ông Việt, lúc có cả tôi đi cùng, lúc đưa cho riêng ông Việt”. Ngoài ra, Bé khai nhận: “Bé đã đưa tiền cho ông Việt 4 đến 5 lần. Tổng số tiền 1 tỷ đồng”.

Trong suốt quá trình tiến hành lấy lời khai và đối chất trước đây, giữa vợ chồng bà Lan với ông Việt đã đối chất 12 buổi. Thế nhưng trong hồ sơ vụ án, chỉ có 2 biên bản đối chất (ngày 24 và 25-3-2016), còn lại các biên bản đối chất vào các ngày 23-3-2016, 27-3-2016, 19-6-2016…, với nội dung làm rõ được vị trí, vai trò của ông Việt, nhưng lại không có trong hồ sơ vụ án (?!).

L.Đ