Vụ bắt giam nhiều lãnh đạo Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Hé lộ nhiều nguyên nhân sai phạm
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Cty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan. Theo nhiều người, việc khởi tố trên là điều tất yếu, bởi từ khi triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng dự án trên, công trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót khiến dư luận bức xúc.
Nhiều đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bong tróc, buộc phải thảm mặt đường và bị can Nguyễn Tiến Thành |
* Ngoài bị can Nguyễn Tiến Thành, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố 3 bị can khác, gồm: Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7, BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, Phó Tổng giám đốc Cty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7. Các đối tượng trên đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật. |
Từng bị tố cáo nhiều sai phạm
Trong 4 bị can bị khởi tố lần này, bị can Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được coi là “nổi trội” nhất. Bởi trước khi sự việc “đổ bể”, từ năm 2017, ông Thành đã gây “ồn ào” khi có những đơn từ tố cáo đích danh người này. Trước việc tố cáo trên, Thanh tra Bộ GTVT đã yêu cầu VEC vào cuộc xác minh. Sau đó ngày 17-7-2018, ông Trần Văn Tám- Tổng Giám đốc VEC đã ký văn bản kết luận về 6 nội dung tố cáo ông Nguyễn Tiến Thành. Trong đó, thanh tra VEC đã kết luận có nhiều nội dung đúng, có cơ sở. Đơn cử như, nội dung không xử lý loại bỏ vật liệu đắp K95 không bảo đảm chất lượng tại gói thầu số 5 từ Km41-Km42 và các nhánh, trạm dịch vụ thuộc nút giao Hà Lam, VEC cho rằng nội dung giải trình của ông Thành và tư vấn giám sát không thống nhất. Có sự quản lý không chặt chẽ về chất lượng và thiếu thông tin quản lý dự án.
Sau khi đưa dự án trên vào khai thác sử dụng từ ngày 2-8-2017, khoảng 2 tháng sau xuất hiện nứt dọc bê-tông nhựa trên đoạn tường chắn MSE-gói 5 JICA, ông Nguyễn Tiến Thành chỉ đạo nhà thầu lúc đó đưa máy ra đục phá tạo rãnh biên bên phải tuyến cũng như cắt, vá víu bê-tông nhựa, đồng thời giấu kín thông tin này...; đoàn thanh tra kết luận hiện tượng mặt đường nứt hỏng và ông Thành chỉ đạo sửa chữa như đơn tố cáo là đúng. Trách nhiệm của ông Thành ở đây là không chỉ đạo thi công rãnh dọc thoát nước mặt và hệ thống thoát nước ngầm kiểu Pháp dưới rãnh dọc, đồng thời với quá trình thi công tường chắn MSE hoặc ngay sau khi dự án đưa vào thông xe kỹ thuật, mà phải đến ngày 20-11-2017 mưa lớn mới phải xử lý hiện trường. Kết luận cũng cho rằng ông Thành không báo cáo kịp thời các biện pháp khắc phục về VEC để tổng Cty biết và có phương án chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, ông Thành còn một số sai phạm khác như, thiếu trách nhiệm trong quản lý dự án để nhà thầu vi phạm các quy định quản lý chất lượng công trình đối với gói thầu A1, A2, A3, 4, 5; cho phép nhà thầu đắp đá khi chưa duyệt bản vẽ thi công, đồng thời phát sinh khối lượng đắp đá lớn (trên 20 tỷ đồng) mà không báo cáo VEC; duyệt đường gom giá trị lớn (trên 20 tỷ đồng) không thông qua các phòng tham mưu của ban, cố ý thực hiện sai quy trình xử lý hồ sơ theo quy định của BQLDA; chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu, cán bộ BQL dự án nghiệm thu khống số liệu đường lộ đá tại Km90 gói thầu A2.
Đối với nội dung tố cáo ông Thành “thao túng quyền lực, câu kết kiện cáo, hành vi tham nhũng, nhận tiền và chỉ đạo kỹ sư vật liệu của tư vấn giám sát, chỉ đạo phụ trách gói thầu thu tiền “phần trăm” từ các đơn vị thi công”, VEC cho rằng việc này “không có căn cứ và cơ sở tin cậy”. Vì vậy, trong kết luận cuối cùng, VEC chỉ yêu cầu ông Thành kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với BQL dự án, những vi phạm nói trên không chỉ trách nhiệm riêng của ông Thành mà có trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, tập thể Ban, các cá nhân phụ trách các phòng và phụ trách các gói thầu có liên quan, Tổng Giám đốc VEC yêu cầu Ban và đơn vị có liên quan cần kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Từ trái qua, các bị can: Hà Văn Bình, Phạm Đình Phú và Nguyễn Thành An. |
Sai phạm hàng trăm tỷ đồng
Trước đó tháng 9-2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã có báo cáo kiểm toán về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại dự án này. Báo cáo KTNN đã xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn lập dự án (TEDI), chủ đầu tư là VEC và Bộ GTVT đã để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế ở một số hạng mục. Cụ thể, lập thẩm định và phê duyệt đề cương khảo sát thiếu nội dung khoan địa chất tại vị trí tường chắn có cốt (MSE) theo quy định dẫn đến trong quá trình lập bảo vệ thi công do địa chất thay đổi so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải bổ sung lớp đá gia cố móng tường MSE đoạn Km34+240-Km35+040 với chi phí tăng lên hơn 3,7 tỷ đồng; tại gói thầu số 3B công tác khảo sát thăm dò địa chất chưa phát hiện đất yếu đoạn Km18+100 đến Km18+836, trong quá trình lập thiết kế bản vẽ thi công phải khảo sát bổ sung và xử lý nền đất yếu phải bổ sung chi phí hơn 18 tỷ đồng; tại gói thầu A3 thiết kế biện pháp thi công vòng vây cọc ván thép cho một số mố trụ cầu trên cạn không phù hợp với kết quả khảo sát địa chất đã làm tăng giá trị dự toán hơn 13 tỷ đồng...
Ngoài ra, công tác quản lý hợp đồng thầu phụ chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo theo quy định của hồ sơ mời thầu. Cụ thể, gói thầu số 1, nhà thầu chính là Liên danh Cienco5 - Cienco1 giao lại cho các nhà thầu phụ thực hiện thiết kế bảo vệ thi công; thi công một số hạng mục xây lắp với đơn giá từ 93 - 93,5% đơn giá trúng thầu (thấp hơn 1,5 - 2%) là chưa đúng theo quy định hồ sơ mời thầu và quy định của hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
KTNN cũng xác định, công tác quản lý chi phí đầu tư còn bộc lộ rõ sai sót được phát hiện qua kiểm toán với giá trị hơn 375 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng là hơn 57 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 294 tỷ đồng và sai khác hơn 23 tỷ đồng. Đối với chủ đầu tư là VEC, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 410 tỷ đồng, gồm giảm thanh toán hơn 352 tỷ đồng; xử lý khác hơn 23 tỷ đồng và giảm trừ thuế GTGT tương ứng hơn 35 tỷ đồng... Cùng thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ những sai phạm liên quan.
Chính những sai phạm trên làm cho tuyến Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (kinh phí đầu tư 34.500 tỷ đồng) không đảm bảo chất lượng như kỳ vọng, liên tục gặp “sự cố” phải tu sửa nhiều lần khiến dư luận bức xúc.
TRẦN TÂN