Vụ “Bắt giữ người trái pháp luật” ở Q. Thanh Khê: Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thứ tư, 29/03/2017 13:35

Bị cáo kêu oan

(Cadn.com.vn) - Ngay từ khi vụ việc xảy ra và bị bắt tạm giam về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, Nguyễn Hoàng Tuấn (1983, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) một mực kêu oan cho rằng mình không có hành vi phạm tội. Sau nhiều lần hoãn để triệu tập người bị hại và những người liên quan, ngày 28-3, TAND Q. Thanh Khê mở phiên tòa theo luật định, tuy nhiên người bị hại và người liên quan vẫn tiếp tục vắng mặt…

Theo cáo trạng, khoảng 11 giờ ngày 25-4-2016 tại quán cà-phê số 168-Lý Tự Trọng (Đà Nẵng), do không thỏa thuận được việc trả nợ, Tuấn có hành vi bắt anh Huỳnh Ngọc Nam (trú tổ 43B, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) lên xe ô-tô đưa đến trước số 2-Ngô Quyền (Đà Nẵng) để gặp Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (vợ của Nam) yêu cầu trả nợ. Sau đó Tuấn đưa anh Nam về nhà Tuấn tại địa chỉ K25/26- Hà Huy Tập (P. Xuân Hà) rồi tiếp tục giữ anh Nam đến sáng 26-4-2016 để yêu cầu trả nợ.

Đứng trước tòa, một lần nữa bị cáo Tuấn khẳng định không có việc bắt giữ anh Nam. Cáo trạng nêu bị cáo thúc ép vợ chồng anh Nam trả nợ là hoàn toàn sai. Trong khi đó, việc anh Nam đưa tin nhắn của vợ với nội dung vợ đòi ly dị cho bị cáo xem để xin được ngủ lại nhà mình thì không được đề cập trong nội dung cáo trạng. Tối 25-4-2016, CAP Xuân Hà đến nhà bị cáo nói chuyện với Nam rất lâu và CA cũng nói với bị cáo không hề có chuyện bắt giữ người ở đây rồi ra về. Khi anh Nam ở lại trong gia đình bị cáo, anh Nam sinh hoạt bình thường, đi mua thuốc, đi uống cà-phê trước ngõ được người dân ở đây làm chứng… thì không thể nói bị cáo uy hiếp, bắt giữ được. Cũng theo lời bị cáo, trước đó do quen biết với vợ chồng Nam, khi vợ Nam đề nghị mượn tiền cho Nam làm ăn, bị cáo đã đồng ý cho mượn 160 triệu đồng. Khi biết Nam dùng số tiền trên để đánh bạc nên bị cáo mới chở Nam qua nơi làm việc của vợ Nam để nói rõ sự việc. Cũng từ mối quan hệ giữ bị cáo với bạn mình là anh Nguyễn Ngọc Lâm (trú Q. Sơn Trà) nên Nam đã vay mượn tiền anh Lâm. Sợ Nam chậm trả tiền cho Lâm sẽ mất uy tín nên bị cáo có nói với vợ chồng Nam cứ lo phần anh Lâm, còn phần bị cáo 1-2 năm sau trả cũng được (về nội dung này tại lời khai của vợ chồng bị hại có thể hiện trong hồ sơ vụ án) và theo bị cáo như vậy không có lý do gì để cho rằng bị cáo thúc ép, bắt giữ người để đòi nợ.

Bị cáo cũng cho rằng quá trình trước đó, chính anh Nam cũng đã có đơn trình bày gửi các cơ quan tố tụng, khẳng định mình không hề bị bắt giữ vậy nhưng không hiểu lý do gì sau này lại thay đổi lời khai, đồng thời cũng “tránh” luôn không ra tòa như triệu tập. Nói về clip quay cảnh Nam nói rằng không hề có việc bắt giữ mình, bị cáo cho biết đó là sau khi CAP vào làm việc, bị cáo yêu cầu Nam về nhưng Nam vẫn khẩn cầu xin được ở lại nên bị cáo mới đề nghị Nam xác nhận vào clip. Liên quan đến Nam, bị cáo đề nghị HĐXX làm rõ hành vi trước đó đã bán xe cho bị cáo những khi mượn để đi đã mang xe này đi bán vì hành vi này có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, từ khi vụ án bắt đầu cho đến ngày hôm nay đứng trước vành móng ngựa, bị cáo chưa được đối chất với Nam (bị hại) cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Tuấn trong phiên tòa ngày 28-3.

Nhiều lời khai mâu thuẫn chưa được làm rõ

Tham gia bào chữa cho bị cáo Tuấn có 3 luật sư (LS). Quá trình LS hỏi, bị cáo khai rằng sáng 25-4-2016, chính Nam là người chủ động điện thoại mình đi cà-phê và Nam cũng là người đến quán cà-phê trước. Tại quán cà-phê có rất đông người và giữa các bên không hề có ai nói tiếng to. Trước đó giữa Nam và bị cáo cũng không hề có bất cứ mâu thuẫn gì. Bị cáo cũng khồng hề yêu cầu Nam phải trả tiền cho mình. Việc bị cáo mua xe của Nam, mặc dù Nam còn nợ tiền của Tuấn nhưng Tuấn vẫn trả 30 triệu đồng sòng phẳng. Quá trình Nam về cùng bị cáo ở nhà, Nam vẫn sinh hoạt bình thường vì trước đó Nam cũng đã nhiều lần đến ở lại nhà. Khi CAP vào làm việc vì có tố cáo Tuấn bắt giữ Nam, Nam chính là người ra nói chuyện với CAP và mọi chuyện vẫn bình thường. Chính vì những lý do này, một lần nữa bị cáo khẳng định mình không có tội.

Phiên tòa lần này, bị hại và những người liên quan tiếp tục vắng mặt; chỉ có 4 nhân chứng đến dự tòa là những người xác nhận việc thấy trong thời gian Nam ở lại nhà Tuấn vẫn sinh hoạt bình thường, đi ra đường mua thuốc lá, uống cà-phê… Bị cáo Tuấn cho rằng việc vắng những người liên quan, đặc biệt bị hại vắng mặt ngay từ những phiên tòa trước đây và cả phiên tòa hôm nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của bị cáo. Không có đối chất, không thể dựa vào lời khai một phía để áp tội cho bị cáo… Và, đặc biệt Tuấn luôn khẳng định mình không phạm tội như cáo trạng VKS truy tố đồng thời đề nghị HĐXX cho bị cáo được đối chất với bị hại và những người liên quan.

Qua phần xét hỏi công khai, thấy rằng trong hồ sơ vụ án thể hiện rất nhiều lời khai mâu thuẫn của bị hại với bị cáo; của bị hại với nhân chứng; thậm chí lời khai của bị hại cũng mâu thuẫn với  nhau nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng Q. Thanh Khê không cho đối chất giữa những bị cáo với bị hại; bị hại với nhân chứng hoặc người liên quan. Ngoài ra, cơ quan tố tụng chưa làm rõ có hay không đồng phạm trong vụ án này; chưa làm rõ clip quay Nam nói không bị giam giữ; điều tra làm rõ lãi suất cho vay của Tuấn và việc Nam đã bán xe nhưng sau khi mượn lại mang đi bán… Những nội dung này chưa rõ nhưng HĐXX không thể làm rõ tại tòa. Đặc biệt, việc đối chất theo yêu cầu của bị cáo cũng không thể thực hiện được vì ngay đến HĐXX đến thời điểm này vẫn chưa một lần “diện kiến” bị hại. Chính vì vậy, sau khi xem xét vụ việc và để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo HĐXX đã chấp nhận đề nghị được đối chất của bị cáo. Và, để làm rõ những nội dung nêu trên, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung…

Trang Trần