Vụ bệnh nhân tử vong sau mổ chân ở BV Đà Nẵng: Do bị thuyên tắc mạch phổi cấp
(Cadn.com.vn) - Trưa 18-3, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, BV Đà Nẵng tổ chức họp báo cung cấp thông tin về trường hợp bệnh nhân (BN) Trần Thị Là (1969, trú xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị tử vong vào 4 giờ sáng cùng ngày sau ca mổ xương chân do bị tai nạn. Theo kết luận, dù đã được các y bác sĩ chăm sóc, điều trị nhưng BN Là bị thuyên tắc mạch phổi cấp, phân biệt với sốc phản vệ sau truyền máu nên đã tử vong.
Trước đó, chiều 6-3, BN Trần Thị Là bị té ngã ở nhà và sau đó được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu. Sau khi vào viện, BN Là vẫn tỉnh, tiếp xúc tốt. Các bác sĩ chẩn đoán BN bị gãy phức tạp đầu dưới xương đùi P. Tiếp đến, BN Là được nẹp bột đùi cẳng bàn chân P rồi chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương điều trị tiếp. Đến 15 giờ ngày 15-3, BN được chuyển đến phòng mổ và tiến hành phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân Là tỉnh, tự thở đều nhưng mất máu nhiều nên được truyền máu. Sau đó, do bệnh ngày càng diễn biến nặng thêm, dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, BN Là đã tử vong vào 4 giờ 30 ngày 18-3.
Lãnh đạo BV Đà Nẵng trả lời báo chí về trường hợp BN Trần Thị Là tử vong. |
Người nhà BN quá đau buồn, cho rằng bệnh viện tắc trách dẫn tới cái chết của bà Là. Anh Đặng Thức - con trai bà Là cho biết, chiều 6-3, do bất cẩn, bà Là bị vấp ngã ngay trước hiên nhà và được gia đình đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu. Sau khi chẩn đoán bị gãy chân, bà Là được đưa đến nằm ở Khoa ngoại chấn thương để điều trị. Đến chiều 15-3, bà Là mới được đưa đi phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Khoảng 18 giờ cùng ngày, bà Là phẫu thuật xong và đưa sang chăm sóc tại Khoa hồi sức ngoại khoa. Anh Thức bức xúc: “Lúc đó mẹ tôi vẫn tỉnh táo, còn nói chuyện với người nhà bình thường. Tuy nhiên, một lúc sau sức khỏe bà có vẻ yếu và các bác sĩ tại đây cho chuyền máu. Đến rạng sáng 16-3, toàn thân mẹ tôi bị tím tái, lên cơn co giật và không nhận biết được xung quanh”.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đà Nẵng: các y bác sĩ liên quan đến túc trực và chăm sóc điều trị BN chu đáo, không có sai sót trong phục vụ người bệnh. Trong quá trình điều trị không gây khó dễ cho người bệnh và không có tiêu cực. Qua kiểm soát toàn bộ các khâu thì các y, bác sĩ đã tuân thủ hết các quy trình chuyên môn, tiếp xúc và giải thích với gia đình đúng mực nên chúng tôi đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Về chuyên môn, tập thể Ban giám đốc và các bộ phận những ngày qua đã cố gắng hết sức và có trách nhiệm. Hội đồng khoa học trung thực, khách quan, nên khẳng định việc bà Là bị tử vong không phải do quy trình, mà là biến chứng y khoa.
Bệnh nhân vào viện chiều chủ nhật (6-3-2016). Được làm đầy đủ các xét nghiệm, duyệt mổ chương trình theo quy định bệnh viện vào sáng thứ sáu và lên lịch mổ vào đầu tuần kế tiếp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được thăm khám, chẩn đoán, điều trị, theo dõi chặt chẽ, xử trí kịp thời, đảm bảo các quy trình chuyên môn.
Cũng theo bác sĩ Thạnh, sau khi xem xét lại hồ sơ cũng như đánh giá lại toàn bộ quy trình tiếp nhận BN cho đến chỉ định phẫu thuật và chăm sóc, Hội đồng khoa học của BV Đà Nẵng kết luận, BN Là bị thuyên tắc mạch phổi cấp, phân biệt với sốc phản vệ sau truyền máu. Bệnh kèm gãy liên lồi cầu xương đùi (P) đã phẫu thuật ngày thứ ba. Được biết, thuyên tắc phổi chủ yếu xuất phát từ huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Ngoài ra, có thể xuất phát từ các tĩnh mạch chậu, thận, chi trên hoặc từ tim phải. Hầu hết huyết khối thành lập tại chỗ máu chảy chậm như các van tĩnh mạch hoặc nơi hợp lưu tĩnh mạch.
Cung cấp thêm về nguyên nhân tử vong của BN, BS Lê Đức Nhân - Phó giám đốc BV Đà Nẵng lý giải: Thuyên tắc phổi là trong quá trình mạch máu cung cấp máu nuôi phổi bị tắc nghẽn do một cái gì đó như mảng xơ vữa, cục mỡ hoặc khối máu đông. Đối với những BN bị gãy xương dài thì nguy cơ thuyên tắc phổi do mỡ là từ 1-3%, tỉ lệ tử vong là 30%.
Là người trực tiếp được mời hội chẩn ca mổ, BS Nhân khẳng định, BN được mổ đúng giờ, mổ xong bình thường, trong cuộc mổ không có biến chứng gì. Biến cố là sau khi BN mổ. “Khi BN ngừng thở, qua kiểm tra chúng tôi thấy không phải do mổ. Chụp phim phổi thì thấy trắng cả phổi, nên tìm ra nguyên nhân là do thuyên tắc phổi. Theo y văn, nguyên nhân này dẫn đến việc tử vong nhanh”, BS Nhân nói.
Một số ít trường hợp thuyên tắc phổi không phải do huyết khối mà do thuyên tắc mỡ (Fat embolism), do dị vật (Foreign-material pulmonary embolism: thường trong thủ thuật can thiệp gây gãy catheters, gãy guide wires-dây dẫn, tụt coil...), ung thư (Tumour embolism), khí (Air embolism), dịch ối (Amniotic fluid embolism), nhiễm trùng huyết (Septic embolism)... Thuyên tắc phổi là bệnh thường gặp và gây tử vong với tỉ lệ tử vong khoảng 30% nếu không điều trị. Tử suất có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.
Sau khi có kết luận chính thức, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cùng lãnh đạo BV Đà Nẵng đã giải thích cho người nhà BN được hiểu rõ hơn. BS Ngô Thị Kim Yến chia buồn với gia đình BN và cam kết sẽ cho đánh giá, kiểm tra lại trường hợp này thêm một lần nữa. Nếu có sai phạm, tắc trách, Sở sẽ đề nghị xử lý nghiêm.
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói: Chúng tôi khẳng định BV đã tiến hành ca này theo đúng quy trình và đảm bảo chuyên môn. Phía ngành chúng tôi xin hứa sẽ kiểm tra kỹ các quy trình, nếu có gì chưa đúng thì sẽ có trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay qua các quá trình kiểm định thì thấy rất chính xác và đồng ý với kết luận của BV.
T.Dũng