Vụ "bỏ rơi" sự an toàn của hàng trăm học sinh ở TX Điện Bàn: Chính quyền có dấu hiệu tiếp tay cho sai phạm
Ngày 28-5, Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh về tình trạng hàng trăm học sinh tại Trường Tiểu học Phan Bôi (cơ sở 2) và Trường Mầm non Điện Phương (đều thuộc TX Điện Bàn, Quảng Nam) bị “kẹt”trong môi trường ô nhiễm, thiếu an toàn do cơ sở kinh doanh cát trái phép và một xưởng gỗ "khủng" gây ra. Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, PV càng bất ngờ hơn khi nhận thấy chính quyền địa phương dường như “không biết gì” và có dấu hiệu tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm.
Hợp đồng cho thuê đất số 15 và phụ lục hợp đồng tiếp tục cho thuê đất ký ngày 1-3-2019. |
Bản hợp đồng “treo đầu dê bán thịt chó”
Về bãi tập kết, kinh doanh cát sát vách cơ sở 2 Trường Tiểu học Phan Bôi, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND P. Điện An khẳng định bãi tập kết, kinh doanh cát này hoàn toàn trái phép. Theo ông Phước, bãi tập kết cát này hình thành từ đầu năm 2020 và do ông Lê Văn Hạnh (trú khối phố Ngọc Tam) kinh doanh, tuy nhiên theo người dân địa phương, bãi cát của ông Hạnh tồn tại từ trước đó rất lâu .
Khi chúng tôi đề cập đến trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với bãi tập kết, kinh doanh cát nói trên thì ông Phước né tránh trả lời hoặc cho rằng “về công tác quản lý, địa phương cũng chưa rõ lắm”. Song, điều làm PV bất ngờ nhất là khu đất mà ông Hạnh đang tập kết, kinh doanh cát trái phép được UBND xã Điện An (nay là P. Điện An) ký hợp đồng cho thuê từ năm 2014.
Cụ thể, tại Hợp đồng kinh tế số 15/2014/HĐKT ký ngày 1-3-2014 giữa UBND xã Điện An (lúc đó ông Phước đang là Chủ tịch xã) với ông Lê Văn Hạnh thể hiện: UBND xã Điện An cho ông Hạnh thuê 865m2 đất để kinh doanh… nhà hàng (?), thời hạn thuê 5 năm, giá thuê 2 năm đầu là 10 triệu đồng/năm, 3 năm tiếp theo là 15 triệu đồng/năm.
Đến ngày 1-3-2019, khi hợp đồng thuê đất hết hạn, UBND P. Điện An, trực tiếp là ông Chủ tịch Nguyễn Văn Phước ký Phụ lục Hợp đồng số 01/2019 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Hợp đồng số 15/2014. Theo đó, UBND P. Điện An tiếp tục cho ông Hạnh thuê diện tích đất nói trên thêm 5 năm với mức 10 triệu đồng/năm và nội dung kinh doanh vẫn là dịch vụ nhà hàng, ăn uống.
Điều bất thường là, dù ông Hạnh không còn tổ chức kinh doanh nhà hàng từ lâu và biến diện tích đất được thuê thành bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép nhưng UBND P. Điện An vẫn “nhắm mắt” tái ký hợp đồng cho ông Hạnh thuê đất… kinh doanh nhà hàng. Điều này chứng tỏ, chính quyền P. Điện An thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của ông Hạnh, từ đó đã tiếp tay cho ông này kinh doanh kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Còn xét về góc độ pháp lý, việc UBND cấp xã/phường ký hợp đồng cho các cá nhân/tổ chức thuê mặt bằng (thuê đất) vào mục đích kinh doanh là không đúng thẩm quyền và sai quy định. Căn cứ Luật Đất đai năm 2013, việc UBND xã Điện An (nay là P. Điện An) ký hợp đồng cho ông Hạnh thuê mặt bằng để kinh doanh nhà hàng (biến tướng thành bãi tập kết, kinh doanh cát) là trái quy định của pháp luật. Bởi, theo Khoản 3, Điều 59 Luật Đất đai quy định, UBND cấp xã/phường chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã và chỉ được phép cho thuê (thông qua hình thức đấu giá) vào mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (khoản 3, Điều 132 Luật Đất đai).
Mặc dù ký hợp đồng thuê đất kinh doanh nhà hàng, nhưng ông Hạnh lại mở bãi cát trái phép. |
Xã quản lý nhưng “không mảnh giấy lận lưng”
Tương tự, không gian học tập của hàng trăm trẻ nhỏ tại Trường Mầm non Điện Phương (xã Điện Phương, TX Điện Bàn) cũng bị “kẹt” trong ô nhiễm tiếng ồn, bụi mùn cưa từ xưởng gỗ “khủng” của Công ty TNHH Hường Anh ngay sát vách. Không chỉ là nỗi bất an thường nhật của cô trò Trường Mầm non Điện Phương mà nhiều năm qua, hoạt động của xưởng gỗ Công ty TNHH Hường Anh còn là nỗi bức xúc của người dân địa phương. Tại những lần tiếp xúc cử tri, người dân liên tục kiến nghị di dời xưởng mộc nhưng mong mỏi này vẫn chưa được lãnh đạo địa phương giải quyết.
Đỉnh điểm là vào năm 2017, sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại xưởng gỗ nói trên, lúc đó ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương, khẳng định: Chính quyền xã bắt buộc phía doanh nghiệp phải bảo đảm vệ sinh môi trường thì mới được hoạt động, còn về lâu dài, xưởng gỗ phải di dời đến khu vực khác tránh xa trường mẫu giáo. Tuy nhiên, 3 năm trôi qua, xưởng mộc vẫn hoạt động chình ình giữa khu dân cư, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía người dân.
Ngày 28-5, trả lời PV, ông Thu lại một lần nữa khẳng định, xưởng gỗ hoạt động gây ô nhiễm môi trường là chính xác và chủ trương vẫn phải di dời xưởng gỗ của Cty Hường Anh ra khỏi khu dân cư.“Cái khó là doanh nghiệp chưa tìm được địa điểm di dời. Xã sẽ báo cáo huyện để giải quyết”, ông Thu nói. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ pháp lý của xưởng gỗ nói trên theo quy định UBND cấp xã phải quản lý thì ông Thu cho rằng, xã không hề có hồ sơ gì, tất cả đều do thị xã quản lý… (?)
Như vậy, qua những gì chúng tôi tìm hiểu, làm việc với chính quyền 2 địa phương có liên quan cho thấy thực trạng mất an toàn trong môi trường học tập của hàng trăm trẻ nhỏ là điều đã và đang xảy ra. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước của địa phương có dấu hiệu buông lỏng và tiếp tay nên những sai phạm nói trên vẫn tồn tại và tiếp diễn.
QUANG PHÚC
>> Chính quyền địa phương "bỏ rơi" sự an toàn của hàng trăm học sinh?