Vụ cháy xưởng gỗ của Cty Tiến Triển: Chủ cơ sở phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 2 gia đình lân cận

Thứ hai, 26/02/2018 21:18

Theo hồ sơ vụ án: Khoảng 0 giờ 25 ngày 22-3-2016, tại xưởng gỗ của Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Tiến Triển (CTTT- địa chỉ thôn Đại An, xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, Quảng Nam) xảy ra vụ cháy. Do xưởng gỗ nằm giữa 2 ngôi nhà của ông Trần Đức và Trần Bình và chứa các vật liệu dễ cháy nên đã thiêu tụi toàn bộ máy móc, nguyên liệu, ngọn lửa còn cháy lan sang hai nhà bên cạnh, gây hư hỏng. Theo Hội đồng định giá H. Đại Lộc, vụ cháy đã gây thiệt hại cho gia đình ông Trần Bình 16.305.000 đồng và gia đình ông Trần Đức 70.990.000 đồng. Sau khi vụ cháy xảy ra, CAH Đại Lộc tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định đây là vụ hỏa hoạn do người khác cố ý gây ra nên tiến hành khởi tố vụ án "Hủy hoại tài sản", tổ chức điều tra. Tuy nhiên, do không xác định được đối tượng gây án, ngày 19-5-2017, CQĐT đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Là nạn nhân, ông Trần Bình và ông Trần Đức đã khởi kiện yêu cầu TAND H. Đại Lộc buộc ông Trần Minh Tiến- Giám đốc CTTT có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra.

Đại diện gia đình ông Trần Bình, Trần Đức trình bày sự việc.

Tại phiên tòa ngày 5-9-2017 của TAND H. Đại Lộc, hai nguyên đơn Trần Đức, Trần Bình, trình bày: Mặc dù CQĐT không xác định được đối tượng gây án nhưng xưởng gỗ của CTTT được xây dựng tạm bợ trong khu dân cư (giữa xưởng gỗ và 2 nhà lân cận không có tường ngăn-nv), không có phương án phòng cháy cũng như các trang thiết bị phục vụ việc chữa cháy và sử dụng lực lượng bảo vệ không được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn nhỏ vẫn không thể dập tắt ngọn lửa và để cháy lan, gây thiệt hại cho hai gia đình 87.295.000 đồng. Ngoài ra, khi vụ cháy xảy ra, bản thân ông Minh có thái độ đối xử không đúng mực, không thăm hỏi động viên những người bị hại... Trong quá trình hòa giải và tại phiên tòa, bà Trà Thị Lam Giang-đại diện ông Trần Minh Tiến, trình bày: Năm 2013, vợ chồng bà Giang có thuê 200m2 đất xây dựng xưởng gỗ gia công hàng mộc nằm giữa 2 nhà của ông Bình và ông Đức. Đêm 22-3-2016, xưởng gỗ xảy ra hỏa hoạn làm cháy lan sang nhà ông Đức và ông Bình và làm thiệt hại tài sản trị giá 87.295.000 đồng. Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn, ông Bình và ông Đức không có thái độ ôn hòa và vụ cháy đã làm thiệt hại toàn bộ tài sản của CTTT, được CQĐT xác định đây là vụ án hình sự nên CTTT không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn. Với những chứng cứ được xem xét tại phiên tòa công khai, HĐXX tuyên buộc CTTT có trách nhiệm bồi thường cho gia đình hai ông Trần Đức, Trần Bình số tiền 87.295.000 đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29-1-2018 của TAND tỉnh Quảng Nam, nhận định: CTTT không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do cơ quan CAH Đại Lộc và trong hồ sơ vụ án do tòa án thu thập không đủ cơ sở để chứng minh lỗi, hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của CTTT với thiệt hại gây ra cho ông Trần Đức, Trần Bình... nên  tuyên hủy toàn bộ bản án  của cấp sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết lại từ đầu.

Theo chúng tôi, những lý do cấp phúc thẩm đưa ra để tuyên hủy bản án sơ thẩm chưa mang tính thuyết phục. Cụ thể, tại 2 bản tự khai ngày 10-8 và 11-8-2017 của vợ chồng ông Trần Minh Triển- Trà Thị Lam Giang thừa nhận thiệt hại của nhà ông Bình, ông Đức là do lửa cháy từ xưởng gỗ lây lan sang. Ngoài ra, xưởng gỗ là cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ nhưng CTTT không có phương án phòng chống cháy, không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy. Cụ thể, không có các phương tiện chữa cháy, như: cát, nguồn nước, bình chữa cháy... Đồng thời, trong quá trình hoạt động, xưởng gỗ của CTTT không có các giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật và đã bị UBND xã Đại Lãnh yêu cầu di dời xưởng gỗ đến Cụm Công nghiệp Đại Lãnh... Do đó, dù CQĐT chưa xác định được đối tượng gây ra vụ cháy nhưng những hành vi trái pháp luật trước đó của CTTT là nguyên nhân chủ quan dẫn đến hậu quả không thể ngăn chặn ngọn lửa khi vụ cháy xảy ra.

Với những luận cứ nêu trên, cho thấy CTTT đã có một phần lỗi nhất định trong việc ngăn chặn vụ hỏa hoạn và hạn chế một phần thiệt hại gây ra cho 2 gia đình ông Bình, ông Đức. Vì vậy, dù không phải là tác nhân chính gây ra vụ cháy nhưng CTTT phải chịu một phần trách nhiệm đối với hậu quả đã xảy ra và phải có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại.

M.T