Vụ "Đại gia nước mắm xứ Quảng" tranh chấp với Vietcombank Quảng Nam: Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam vào cuộc
Vụ tranh chấp giữa bà Thái Thị Hương (trú số 49- Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) và ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Nam đã diễn ra gần 10 năm nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Bà Hương vốn nổi tiếng một thời vì là một trong những người đầu tiên tại Quảng Nam- Đà Nẵng mở xưởng sản xuất nước mắm quy mô lớn. Việc một "đại gia nước mắm xứ Quảng" như bà Hương liên tục kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền đã diễn ra suốt một thời gian dài làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương và chậm trễ việc thu hồi vốn của ngân hàng. Trước thực tế đó, trên cơ sở đơn kiến nghị của bà Hương và luật sư đại diện Bùi Bá Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị và đương sự dưới sự chủ trì của ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Ông Phan Việt Cường chủ trì buổi làm việc. |
Theo đơn kiến nghị của ông Huỳnh Tây (con trai bà Hương) trình bày: Năm 2003 gia đình bà Thái Thị Hương có làm hợp đồng thế chấp ngôi nhà số 49-Phan Châu Trinh (TP Tam Kỳ) cho Vietcombank để lấy vốn buôn bán và đã trả hết nợ vay. Năm 2005, gia đình phát hiện bà Hương có biểu hiện trí nhớ kém. Ông Huỳnh Tây (con trai bà Hương) đã đứng ra thành lập Cty TNHH MTV Việt Tiến đồng thời mượn một diện tích đất trong khu đất của DNTN Việt Tiến do bà Hương làm giám đốc để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên sau đó, Chi cục Thi hành án Quảng Nam đã kê biên tài sản của DNTN Việt Tiến vì lâm nợ 13 tỷ đồng. Lúc này ông Tây đi xác minh thì biết được rằng ngoài hợp đồng vay năm 2003, bà Hương còn ký với ngân hàng trên nhiều hợp đồng vay khác. Tuy nhiên, hiện bà Hương không nhớ mình có ký hay không còn ông Tây cho rằng sự việc có khuất tất, Vietcombank muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Vụ việc này dùng dằng từ năm 2009 đến nay và đã trải qua nhiều cấp tòa xử lý nhưng vẫn chưa ngã ngũ.
Phát biểu chủ trì buổi làm việc, ông Phan Việt Cường khẳng định: "Đoàn ĐBQH không có chức năng giải quyết kiện tụng tranh chấp nhưng chúng tôi giám sát chức năng hoạt động của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong vụ việc này. Vụ việc đã diễn ra nhiều năm nhưng không giải quyết được là vì đương sự bóp méo vấn đề, không đi vào trọng tâm. Tôi đề nghị không lấy cái sai sót nhỏ để làm phức tạp vấn đề. Nhà nước luôn bảo vệ doanh nghiệp để cùng nhau phát triển nhưng dựa trên cơ sở sự trung thực, uy tín".
Ông Bùi Bá Dũng (luật sư của bà Hương) cho rằng, mấu chốt của vụ việc là các chứng từ chứng minh bà Hương đã rút tiền, rút bao nhiêu từ phía ngân hàng nhưng trải qua 2 năm yêu cầu ngân hàng vẫn không chịu phản hồi. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Quang Việt- Giám đốc Vietcombank cho biết, các hợp đồng ký kết đều có chứng từ cụ thể, có chữ ký bà Hương. Muốn đối chiếu thì ngân hàng sẽ đối chiếu chứ ngân hàng không thể cung cấp. Ông Việt còn cho biết thêm, phía ngân hàng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội trả nợ nhưng vẫn không đi đến kết quả. Trước đây, doanh nghiệp của bà Hương làm ăn rất hiệu quả nhưng kể từ khi chuyển vào KCN Trường Xuân thì bắt đầu xuống dốc dẫn đến nợ nần. "Trong quá trình làm việc với tòa chúng tôi đã cung cấp đầy đủ giấy tờ, chứng cứ có liên quan. Chúng tôi hướng dẫn bà Hương làm giấy giảm lãi để có thể trả nhanh số nợ nhưng doanh nghiệp này nhất định dựa vào những vấn đề không liên quan để cho rằng ngân hàng có âm mưu chiếm đoạt tài sản gia đình", ông Việt cho biết.
Bà Thái Thị Hương trình bày trước ĐBQH tỉnh Quảng Nam. |
Trước lập luận của hai đương sự, Chánh án Trương Trọng Tiến khẳng định: "Nghĩa vụ chứng minh mình bị xâm phạm dân sự là của doanh nghiệp, không thể nói mình nghi ngờ rồi bắt người khác phải chứng minh. Bản án của tòa đã có hiệu lực, phía ngân hàng không có nghĩa vụ phải cung cấp tài liệu chứng cứ nữa vì đây không phải là giai đoạn giải quyết vụ án. Về cơ bản, vụ án xoay quanh việc bà Hương có vay thì phải trả. Cho dù gia đình hiện nay nghi ngờ bà Hương trí nhớ không minh mẫn nhưng không thể chứng minh được điều này, lúc ký giấy vay bà có minh mẫn hay không thì chỉ là sự nghi ngờ vô căn cứ. Không thể căn cứ những tình tiết bên lề để mong làm thay đổi bản chất vụ việc".
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Việt Cường cho biết bản án đã có hiệu lực pháp luật đề nghị các bên liên quan tôn trọng thực hiện đúng, không cản trở người thi hành công vụ. Ông Cường đề nghị phía gia đình bà Thái Thị Hương nhanh chóng làm giấy giảm lãi để có thể đẩy nhanh tiến độ trả nợ vay.
Hà Dung