Vụ để mất hơn 1.200ha rừng ở Chư Prông, Gia Lai: Kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra
Dù được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ia Puch (H. Chư Prông, Gia Lai) đã để mất hơn 1.200 ha rừng. Bên cạnh đó, dù phát hiện sai phạm nhưng việc xử lý không dứt điểm khiến tình trạng lấn chiếm, phá rừng làm rẫy diễn ra phức tạp.
Một diện tích rừng thuộc lâm phần BQL RPH Ia Puch bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. |
Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có kết luận về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại BQLRPH Ia Puch. Theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, BQL này được giao quản lý hơn 16.700 ha đất tự nhiên trên địa bàn H. Chư Prông, trong đó có hơn 13.500 ha là đất có rừng. Khu vực rừng được giao đơn vị này quản lý đa phần là rừng khộp và nằm dọc theo tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai với Campuchia
Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng bộc lộ những yếu kém khiến tình trạng mất rừng diễn ra phức tạp. Cụ thể, qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí là hành lang 100m chừa lại dọc theo QL14C và theo thống kê của đơn vị này thì có 110 hộ gia đình lấn chiếm đất làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha dọc theo quốc lộ. Đáng nói là sự việc đã được phát hiện từ năm 2011 và BQL đã lập biên bản vi phạm, báo cáo các trường hợp này với UBND xã Ia Puch, UBND H. Chư Prông và Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng như dùng các biện pháp ngăn chặn việc xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. Thế nhưng, đến thời điểm thanh kiểm tra, chính quyền địa phương cũng như BQL vẫn chưa xử lý dứt điểm, các hộ lấn chiếm vẫn đang sinh sống tại các vị trí vi phạm. Thậm chí, còn tiếp tục cơi nới, mở rộng diện tích lấn chiếm trên đất lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, căn cứ kết quả kiểm tra các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Binh đoàn 15 cùng các kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do BQLRPH Ia Puch quản lý đã phát hiện một lượng lớn rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm. Tại đây, ngoài các vị trí rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm để trồng cao su của Cty Bình Dương đang được cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai thụ lý điều tra thì còn có hơn 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp. Đặc biệt còn có gần 360ha rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm tính từ năm 2008 đến nay là hơn 1.228 ha rừng nằm rải rác trên 20 tiểu khu. Trong đó, Tiểu khu 923 bị lấn chiếm, chặt phá nhiều nhất với gần 170ha.
Điều lo ngại hơn, mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm như cả nghìn héc-ta trên nhưng BQLRPH Ia Puch chỉ lập biên bản vi phạm có 62,29 ha, đã kiến nghị UBND xã Ia Puch, UBND H. Chư Prông, Hạt Kiểm lâm H. Chư Prông xử lý hình sự 7 vụ với 18 đối tượng, các đối tượng còn lại đơn vị này tiến hành nhắc nhở, buộc trồng lại, phạt vi phạm hành chính, làm cam kết... Diện tích còn lại đơn vị đã không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không có thống kê, báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền.
Lạ hơn, một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê năm 2014, đơn vị vẫn đưa vào là diện tích rừng trồng đơn vị đang quản lý làm diện tích rừng trồng của đơn vị lên đến gần 2.400ha rừng. Con số "hoành tráng" là vậy nhưng thực tế BQLRPH Ia Puch chỉ trồng có hơn 222 ha rừng.
Thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ ra rằng, trách nhiệm các sai phạm trên trực tiếp thuộc về lãnh đạo BQL RPH Ia Puch qua các thời kỳ cùng UBND H. Chư Prông, UBND các xã nơi có rừng đã để xảy ra tình trạng người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng có một phần trách nhiệm trong việc này.
Trước những sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ vụ việc để mất hơn 1.200 ha rừng và các cá nhân, DN có hành vi phá rừng, chiếm đất rừng trồng cây công nghiệp, cây cao su... sang cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai để xử lý theo pháp luật. Thanh tra cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn BQLRPH Ia Puch phối hợp cùng Sở Tài chính phân bổ kinh phí để đầu tư phương tiện, trang thiết bị như xe máy, công cụ hỗ trợ... để đảm bảo công tác bảo vệ rừng theo đúng quy định.
Minh Tân