Vụ “Giăng dây vây cao tốc”: Thống nhất đền bù cho nông dân 800 ngàn đồng/sào ruộng

Thứ ba, 15/12/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin vụ việc khoảng 50 người dân thôn An Trung (xã Duy Trung, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) đóng cọc, giăng dây để cản trở thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua xã Duy Trung) vào ngày 12-12. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã xác định việc thi công cao tốc làm ảnh hưởng trực tiếp gần 6 héc-ta ruộng của 38 hộ dân trong vụ đông xuân. Chiều 14-12, lãnh đạo H. Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Trung cùng đại diện đơn vị thi công đã đối thoại với những hộ nông dân bị ảnh hưởng, thống nhất mức đền bù thiệt hại cho người dân.

Có mặt tại khu vực thi công, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng ghi nhận tình trạng xói lở do mưa làm đất đỏ tràn xuống ruộng nên toàn bộ cánh đồng khu vực này đều bị bỏ hoang. Người dân cho biết, do đường cao tốc đắp cao nên nguồn nước tưới cho đồng ruộng bị chặn lại, vừa thiếu nước lại vừa bị ngập đất cao lanh nên không thể gieo sạ. Ông Nguyễn Như Đến (đại diện cho người dân tổ Kinh Nam, thôn An Trung) cho biết: “Người dân chúng tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng từ năm ngoái đã phải bỏ hoang đất. Đến năm nay, tình hình trở nên gay gắt quá nên chúng tôi bắt buộc phải cản trở thi công. Chúng tôi mong muốn các ban ngành chức năng xem xét cụ thể mà có hướng giải quyết thích hợp...”. Còn ông Lê Tám phân trần: “Đây là vụ mùa chính trong năm, thông thường 1 sào ruộng ở đây đều đạt năng suất từ 200-250kg lúa khô. Nhưng nay, đất cao lanh đổ tràn ra ruộng như vậy thì không thể canh tác được gì cả. Không chỉ riêng vụ này, về lâu dài, đơn vị thi công phải có hướng khơi thông cống, hoàn trả lại đất đai để chúng tôi canh tác”.

Tại buổi đối thoại, ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên, xác định: “Đơn vị thi công đắp đường và đất tràn ra ruộng, có nơi bị bồi lấp đất cao lanh từ 10-20cm, không thể canh tác được. Người dân mong muốn được đền bù thiệt hại là hoàn toàn chính đáng”. Theo ông Năm, việc đền bù cho người dân là hoàn toàn hợp lý tuy nhiên cũng phải tính dựa trên thực tế. Sau khi tính toán trừ các chi phí theo quy trình ông Năm cho biết số tiền đền bù 800 ngàn đồng/ sào ruộng là hợp lý.



Đất cao lanh chảy tràn xuống mép ruộng khiến người dân không thể canh tác.

Về phía đơn vị thi công, đại diện Công ty xây dựng Tuấn Lộc, ông Đỗ Tấn Nam, cho biết: “Ngay khi người dân có ý kiến về việc đất cao lanh tràn xuống ruộng, đơn vị đã có cam kết với địa phương đến ngày 20-12-2015 sẽ khắc phục và chúng tôi vẫn đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, yêu cầu chúng tôi đền bù cho cả cánh đồng là không hợp lý, Cty đề nghị hỗ trợ diện tích bị ảnh hưởng trực tiếp 800 ngàn đồng/sào, còn đối với những hộ bị ảnh hưởng gián tiếp thì sẽ hỗ trợ từ 30-50%”.

Theo ông Ngô Bốn, Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, cho biết: Nếu như không hỗ trợ đồng đều như nhau sẽ càng gây bất bình cho người dân, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung. Đến cuối ngày, đơn vị thi công thống nhất sẽ bồi thường cho tất cả khu vực bị ảnh hưởng cùng mức 800 ngàn đồng/sào trong vụ Đông Xuân. Về lâu dài, đơn vị thi công sẽ tiếp tục khắc phục hoàn trả lại mặt bằng, khơi thông cống rãnh để người dân có thể tiếp tục trồng trọt trong những vụ sau.

Đồng Dao