Vụ khai thác cát nghĩa địa Động Chai: Chính quyền địa phương làm việc tắc trách?

Thứ năm, 15/01/2015 10:35

(Cadn.com.vn) - Sáng 14-1, Thanh tra tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai tiến hành buổi đối thoại lấy ý kiến người dân về việc khai thác cát tại nghĩa địa Động Chai (H. Núi Thành). Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến thể hiện sự bức xúc của người dân với chính quyền địa phương mà cụ thể là cấp xã, huyện. Tuy nhiên, một số vị lãnh đạo có liên quan lại “vô tình” vắng mặt.

Địa phương làm ẩu

Tại buổi đối thoại, tập thể các hộ dân có kiến nghị khẳng định họ luôn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên họ vô cùng phẫn nộ trước việc địa phương để doanh nghiệp trục lợi trên chính mồ mả tổ tiên khi chưa có thông báo rõ ràng. Được biết, việc khai thác cát trắng tại nghĩa địa Động Chai được Cty TNHH Phú Long thực hiện để cung cấp nguyên liệu cho Cty CP Kính nổi Chu Lai. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (thôn Diêm Phổ) ý kiến: “Việc khai thác cát đã diễn ra từ năm 2012, khi đó mồ mả cha ông tôi vẫn còn đó. Chưa có bất kỳ một cuộc họp nào thông báo sẽ đền bù di dời mồ mả mà đã cho Cty TNHH Phú Long vào lấy cát? Nếu dự án đã làm đầy đủ các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật thì tại sao đến cuối tháng 6-2014 mới khởi công xây dựng nghĩa trang?”.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Bà Hà còn cho biết thêm, ngày 23-11-2012, ông Nguyễn Văn Mau (Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành) đã đơn phương ký hàng loạt quyết định yêu cầu các hộ dân nhận tiền bồi thường trong thời hạn 10 ngày và bàn giao mặt bằng trong thời gian 20 ngày nếu không sẽ gửi toàn bộ số tiền vào kho bạc. Như vậy, khi chưa có chủ trương xây dựng nghĩa trang mới mà chính quyền xã, huyện đã đồng ý cho doanh nghiệp vào khai thác cát, thì hàng trăm mồ mả khi ấy biết di dời đi đâu?

Trong Báo cáo số 37/BC-UBND do ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam ký gửi lên Huyện ủy và UBND H. Núi Thành có nhiều chi tiết chưa đúng. Chẳng hạn như ông nói: “Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt vùng nguyên liệu cát trắng tại xã Tam Anh Nam để sử dụng làm nguyên liệu cho Nhà máy Kính nổi Chu Lai”. Sự thực đây là quyết định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2020. Khoáng sản mỗi địa phương có sự khác nhau, vì vậy lấy quyết định này để khai thác cát khi chưa đền bù mồ mả là bất hợp lý.

Người dân đặt nhiều nghi vấn tại sao Quyết định số 2106/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 28-6-2012 cho phép Cty CP Kính nổi Chu Lai được khai thác cát trắng với diện tích 6,8ha mà không đả động gì đến hàng trăm ngôi mộ đang tồn tại ở đây. Như vậy, nghĩa địa Động Chai với hàng trăm ngôi mộ đã có từ lâu đời mà chính quyền địa phương không hay biết? Và trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trắng này như thế nào? thuộc về ai? để đến khi khai thác cát phạm tới hàng trăm ngôi mộ mới vội vàng đi xây dựng nghĩa trang mới?

Chưa có hướng giải quyết thỏa đáng

Theo giải thích thì việc khai thác cát trắng là để tạo mặt bằng sạch nhằm xây dựng khu công nghiệp Cơ khí đa dụng và ô-tô Chu Lai. Theo như báo cáo của ông Lê Văn Hùng thì toàn bộ phía tây đường sắt của xã đều nằm trong quy hoạch. Như vậy, nó phải bao trùm khu dân cư, nhà cửa, ruộng vườn của người dân, trong đó có nghĩa địa Động Chai. Tuy nhiên, những người dân ở đây chưa ai biết khu công nghiệp này là gì, ai là chủ đầu tư, bao giờ xây dựng và đền bù như thế nào? Dự án còn nằm trên giấy nhưng đã vội vàng khai thác cát như vậy thì đây có phải là lý do để hợp thức hóa việc lấy cát cho Cty CP Kính nổi Chu Lai?

Về vấn đề xây dựng nghĩa trang mới và di dời mồ mả, điều mà người dân mong muốn trước tiên là phải giải quyết thấu tình đạt lý, phù hợp với tâm linh và truyền thống người dân. Ông Nguyễn Đức Bình, cho biết: “Sau gần 2 năm người dân chúng tôi ý kiến khắp các nơi mà không mang lại hiệu quả thì đến tháng 6-2014 dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân mới của xã Tam Anh Nam được quy hoạch tại đồi Cầy Da với diện tích 27ha, tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Thế nhưng dự án đó chưa thấy đâu thì tháng 7-2014 chính quyền lại một lần nữa ép dân chúng tôi đến nhận tiền bồi thường. Nếu quả thật có nghĩa trang này thì phải xây dựng xong rồi mới di dời chứ ai đời lấy cát, phạm đến mồ mả xong rồi mới xây dựng?”.

Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường Khu Kinh tế mở Chu Lai cho rằng, sẽ làm nghĩa trang nhưng... chưa có tiền? “Kinh phí xây dựng nghĩa trang này sẽ lấy một phần từ ngân sách Nhà nước cộng với nguồn tận thu cát nên sau này lấy cát xong mới hoàn trả lại. Theo dự kiến, dự án này đến năm 2016 mới hoàn thành và chúng tôi sẽ làm từng bước” - ông Hoàng cho biết.

Tại buổi đối thoại, bên cạnh giải đáp thắc mắc về áp giá đền bù, giải quyết các vấn đề môi trường thì những thắc mắc của người dân có liên quan đến những quyết định của ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam và ông Nguyễn Văn Mau - Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành đều không được giải đáp vì 2 vị này... vắng mặt. Ông Trần Minh Thái - Phó Chánh thanh tra tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi đối thoại cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến và sẽ trình UBND tỉnh Quảng Nam có hướng giải quyết. Mong rằng các ngành chức năng sớm có phương án giải quyết thấu tình đạt lý để người dân an tâm sinh sống.

H.D