Vũ khí hạt nhân và công cụ mặc cả

Thứ tư, 02/08/2017 14:28

Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên hôm 30-7 đánh dấu loạt các hành động thách thức cộng đồng quốc tế và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump của Bình Nhưỡng. Để tìm ra cách trả lời cho vấn đề này, đòi hỏi chính quyền ông Trump phải hiểu tại sao Bình Nhưỡng hành động như vậy. Nhưng đây chắc chắn không phải là vấn đề dễ dàng.

Trước hết, Triều Tiên có “lý do kỹ thuật” để thử nghiệm tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hạt nhân của họ. Từ lâu, Bình Nhưỡng đã tuyên bố phải sở hữu những vũ khí quyền lực này để ngăn chặn hành động thù địch mà Mỹ, Nhật và Hàn đang nhắm vào họ. Nhưng các vụ thử trước đây ít thành công hơn và khả năng vẫn chưa đáng tin cậy. Vì vậy, họ phải kiểm tra lại. Chắc chắn, Triều Tiên hiểu rằng, họ sẽ vấp phải làn sóng phản đối chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Nhưng có lẽ, họ không quan tâm.

Thứ hai, ngay cả khi Triều Tiên xây dựng được khả năng hạt nhân đáng gờm, họ đã sẵn sàng tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân của mình. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ nhưng cũng đã làm rõ những gì cộng đồng quốc tế có thể cung cấp nếu Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa. Là bên yếu thế nhất trong trò chơi này, Triều Tiên sử dụng các vụ thử tên lửa và hạt nhân để có được ưu thế trong những cuộc đàm phán để có thể đạt các điều khoản thuận lợi nhất và đưa Washington vào thế phòng vệ.

Có thể tin rằng, các cuộc thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2006 đã khiến chính quyền Tổng thống G.W.Bush lúc đó phải giảm các yêu cầu và nhượng bộ. Vì vậy, Bình Nhưỡng sẽ tự hỏi, tại sao họ không tiếp tục làm như vậy?

Thứ ba, Triều Tiên đang trong giai đoạn ổn định chính trị và củng cố vị thế của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un trong bối cảnh Tổng thống Trump dường như đang “tính toán một điều gì đó” về Bình Nhưỡng. Và ông Kim Jong-Un cần quân đội để ủng hộ việc này và điều quân đội quan tâm nhất là chứng minh sức mạnh tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Vì vậy, có những lý do hội tụ và gia tăng để Triều Tiên liên tục thử tên lửa dù những động thái này vấp phải những hậu quả ngoại giao. Bình Nhưỡng hứng chịu những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, trong đó có cả sự ủng hộ của Trung Quốc – đồng minh thân cận duy nhất của Bình Nhưỡng. Có lẽ, Bình Nhưỡng tin rằng, họ có thể vượt qua mọi phản ứng quốc tế hay có lẽ họ cũng không quan tâm điều đó.

THANH VĂN