“Vũ khí” răn đe
Ngày 29-5, tờ People’s Daily, Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo Mỹ về khả năng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng đất hiếm để đáp trả trong cuộc chiến thương mại ác liệt giữa hai nước. Trong bài xã luận với giọng điệu cực kỳ gay gắt, báo trên đã nêu câu hỏi “Liệu đất hiếm có trở thành vũ khí phản công của Trung Quốc để đáp trả sức ép của Mỹ mà không vì lý do nào cả không? Câu trả lời không còn là điều bí mật”.
Thật vậy! Đất hiếm hiện nay được xem là “quân át chủ bài” của Trung Quốc trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ. Đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố được tìm thấy trong vỏ Trái đất và là nguyên liệu thiết yếu trong chế tạo sản phẩm công nghệ cao. Việc Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu lên đến 25% đối với quặng và các sản phẩm khai thác quặng từ ngày 1-6 có thể xem là một chiêu bài trong chiến lược này. Trước mắt, nó có thể đánh một đòn mạnh vào Mountain Pass Materials của Mỹ, Cty điều hành mỏ kim loại đất hiếm ở California cũng như làm nảy sinh những khó khăn nghiêm trọng đối với Blue Line Mining, có trụ sở tại Texas, Cty có kế hoạch tạo ra doanh nghiệp quy mô lớn duy nhất để sản xuất kim loại đất hiếm ở Mỹ.
Trung Quốc là nước sở hữu 80-90% thị trường kim loại đất hiếm trên thế giới. Và đó là lý do khiến Mỹ thật sự lo ngại trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế của mình để giảm xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ. Là một trong những lựa chọn thay thế cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc, phía Mỹ đang xem xét khả năng sản xuất độc lập các nguyên tố đất hiếm từ quặng. Nhưng đây không phải là bài toán dễ dàng. Thật sự, nếu người Mỹ có thể tìm thấy một sự thay thế cho việc mua kim loại hiếm ở Trung Quốc, họ đã làm điều đó từ lâu.
Gia tăng căng thẳng song phương nảy sinh lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng vị thế số một trong việc cung cấp đất hiếm để tạo lợi thế trong cuộc chiến tranh thương mại của nước này với Mỹ. Nhưng khả năng Bắc Kinh dừng hoàn toàn việc xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm cho Mỹ là rất khó xảy ra. Vì đây thật sự là kịch bản rất tồi tệ. Ngoài ra, nếu Trung Quốc sử dụng quân bài đó ngay bây giờ, trong tương lai, họ sẽ không còn công cụ để đáp trả.
THANH VĂN