Vụ khu nghỉ dưỡng có phép "tàng hình": Trách nhiệm thuộc về ai?
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn được xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) trong suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì việc xây dựng không phép này mới bị vỡ lở. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao một sự việc công khai như vậy mà chính quyền địa phương không hay biết, chỉ khi "sự đã rồi" thì mới cho đình chỉ xây dựng?
Việc xây dựng khu nghỉ dưỡng rất công khai, địa phương không biết là chuyện rất khó tin. |
Hoạt động công khai
Khu nghỉ dưỡng trên rộng 2,9ha nằm trong vùng lõi rừng phòng hộ Trà Lý, trên tuyến đường đi vào khu di tích Hòn Tàu gồm các hạng mục hồ cá, nhà gỗ, sàn bê-tông, hồ sen, vườn tiểu cảnh đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh trước khi bị phát hiện là không có giấy phép xây dựng. Khu nghỉ dưỡng này được ông Đinh Văn Thơ (một nhà thiết kế áo dài) làm chủ. Theo lời người quản lý của ông Thơ cho biết, hiện khu nghỉ dưỡng này là "tư gia" và đang trong quá trình xin phép. Tuy nhiên theo dư luận tại xã Duy Sơn, khu nghỉ dưỡng này lâu nay hoạt động rất công khai, xe chở công nhân và vật liệu vào ra liên tục nên không thể có chuyện qua mắt chính quyền để "làm trước cấp phép sau" như vậy được.
Một người dân tại đây cho biết: "Khi báo chí đưa tin khu nghỉ dưỡng này không có phép người dân chúng tôi rất bất ngờ bởi việc xây dựng lâu nay hết sức công khai, quá trình xây dựng luôn có hàng chục người dân ở đây làm việc nên không thể nói xã, huyện không biết được. Từ tháng 10- 2018, người của công ty đến nhà những hộ có cây cảnh đẹp hoặc có đồ cổ trong nhà như cối xay bột, kệ tủ, chén bát cổ để mua lại tập kết vào khu nghỉ dưỡng để trang trí. Thậm chí những cây chuối, cây bông trang, cây hoa giấy họ cũng thu mua của dân để trang trí khuôn viên".
Theo lời người dân địa phương cho biết, từ nhiều tháng trước Tết mỗi ngày xe chở công nhân, kiến trúc sư từ Đà Nẵng vào khu vực này làm việc rất đều đặn. "Ban đầu thấy họ đào đất, san ủi mặt bằng quy mô lớn quá người dân chúng tôi cứ tưởng dự án du lịch của tỉnh về triển khai nhằm phát triển đời sống người dân tại đây. Nhưng sau đó chẳng thấy họp hành thông báo gì cả. Khi được tuyển vào làm việc đánh bóng đồ gỗ, làm vườn chúng tôi cũng chỉ làm theo lời chỉ đạo của người quản lý, làm tới đâu hay tới đó chứ chúng tôi cũng không biết sắp tới sẽ xây dựng cái gì, ra sao", một người dân kể.
Không riêng người dân phản ánh, hoạt động công khai của một khu nghỉ dưỡng đẹp tại Trà Lý cũng lan truyền trên cộng đồng mạng tại Quảng Nam. Những hình ảnh chụp khu nghỉ dưỡng này tràn lan trên mạng facebook. Thậm chí, trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua nhiều người còn đến tham quan vì tưởng đây là khu du lịch sinh thái nằm trong dự án của tỉnh. Trước tình trạng nhiều người đến tham quan như vậy, đội ngũ quản lý của khu nghỉ dưỡng này để biển "Gia tư riêng, vui lòng không tham quan" để hạn chế người ra vào.
Buông lỏng quản lý?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất xây dựng khu nghỉ dưỡng này vốn là của 3 hộ dân xã Duy Sơn và 3 hộ này đã chuyển nhượng lại cho anh Ngô Phi Nhị (Bí thư Đoàn xã). Lúc này anh Nhị có xin phép được cải tạo khu vực này với mô hình trồng cây kết hợp chăn nuôi và xã cũng đồng ý với ý tưởng đó. Tuy nhiên, không biết lý do gì khu vực này sau đó lại được ông Thơ tiếp quản. Ông Thơ là người "rót vốn" cho anh Nhị tiến hành cải tạo thành du lịch sinh thái. Ban đầu việc cải tạo cũng khá "nhẹ nhàng" gồm trồng cây, đào ao nuôi cá... tuy nhiên đến cuối năm 2018 thì bắt đầu có việc xây dựng bê-tông cốt thép. Việc đổ bê-tông cốt thép được diễn ra trong thời điểm Tết Nguyên đán nên không ai chú ý. Theo ông Ngô Phi Thâm- Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, quy định của rừng phòng hộ là chỉ tận dụng đất, cây cối dưới tán rừng để sản xuất bình thường chứ không tác động lớn làm ảnh hưởng đến chức năng rừng phòng hộ. Theo điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (ban hành ngày 16-11-2018) thì những chủ rừng phòng hộ như anh Nhị muốn cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái phải thực hiện các quy trình thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định, chờ khi nào cấp có thẩm quyền cho phép mới thực hiện. Ông Thâm cũng cho biết địa phương đã kiểm điểm, nhắc nhở vi phạm đối với anh Nhị.
Như vậy, có thể thấy rằng UBND xã Duy Sơn hoàn toàn biết việc chuyển đổi đất đai giữa các hộ dân và anh Nhị với nhau, đồng thời cũng nắm được việc cải tạo của anh Nhị tại khu vực này. Tuy nhiên, lý do vì sao đến khi những công trình bê-tông cốt thép được xây dựng xong thì địa phương mới vào cuộc? Và nếu anh Nhị đứng ra phối hợp cải tạo trong khi chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng lại là ông Đinh Văn Thơ thì ai mới là người phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm quy định đất rừng phòng hộ? Có hay không sự buông lỏng quản lý của địa phương?
Thực tế, thời gian qua trên cả nước không hiếm những vụ việc rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" để phục vụ mục đích cá nhân. Những vụ vi phạm như vậy ngoài nhắc nhở, đình chỉ thi công thì hầu như chưa thấy nhắc đến sai phạm có nguyên nhân từ đâu, ai phải chịu trách nhiệm khi "việc đã rồi". Cũng trong buổi kiểm tra thực tế vào ngày 4-3, ông Lê Trung Cường- Phó chủ tịch UBND H. Duy Xuyên cho biết sẽ vận động chủ sở hữu tháo dỡ những phần vi phạm của công trình này. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm lúc này là trách nhiệm thực sự thuộc về ai thì chưa thấy ngành chức năng của huyện này đề cập tới.
P.V