Vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở Bangladesh: IS nhận trách nhiệm, Dhaka bác bỏ
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã ban bố 2 ngày quốc tang, bắt đầu từ ngày 3-7, để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào một quán cà-phê ở thủ đô Dhaka khiến 20 người thiệt mạng. Nhóm cực đoan Hồi giáo IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công này, song giới chức Bangladesh bác bỏ.
An ninh được thắt chặt trên đường phố thủ đô Dhaka sau vụ tấn công. Ảnh: CNN |
Ngày 3-7, các tòa nhà chính phủ, các văn phòng công sở và các cơ quan đại diện nước ngoài ở Bangladesh đều treo cờ rũ, tưởng niệm những nạn nhân trong vụ khủng bố, bắt cóc con tin đẫm máu đầu tiên trong lịch sử nước này. Các lễ cầu nguyện được tổ chức trên khắp thủ đô Dhaka.
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 2-7, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã ban bố 2 ngày quốc tang (3 và 4-7), bày tỏ sự tiếc thương đối với các nạn nhân. Thủ tướng Hasina lên án vụ việc này và cho rằng những kẻ tấn công đang làm cho giới trẻ lầm lạc dưới danh nghĩa tôn giáo. “Những “chiến binh tấn công” đã viện vào khủng bố sau khi không giành được trái tim của người dân”, bà nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này cũng hối thúc người dân đoàn kết chống lại “những kẻ khủng bố có số lượng hạn chế”.
Vào tối 1-7 (giờ địa phương), các tay súng xông vào quán cà-phê Holey Artisan ở thủ đô Dhaka, bắt cóc con tin là những người đang ăn uống ở đây, dẫn đến một cuộc đấu súng ác liệt với cảnh sát. Một nhân chứng tên Shumon Reza cho biết, ông thấy có 6- 8 tay súng ở trong quán. “Tất cả chúng tôi (người ở trong quán) đều cố gắng chạy trốn. Một số trèo lên mái nhà. Ngay sau đó, những kẻ tấn công bắt đầu ném chất nổ. Chúng tôi nghĩ không an toàn nữa và nhảy từ mái nhà xuống”, ông Reza nói.
Giới chức nước này cho biết, ít nhất 2 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng. 20 con tin được tìm thấy chết trong quán cà-phê sau khi quân đội Bangladesh quyết định xông vào để kết thúc cuộc bao vây kéo dài gần 11 giờ đồng hồ. Hầu hết những nạn nhân thiệt mạng là người nước ngoài, trong đó có 9 người Italia, 7 người Nhật Bản, 1 người Ấn Độ, và 1 người Mỹ. 2 nạn nhân còn lại là người Bangladesh. 6 kẻ khủng bố bị tiêu diệt trong khi 1 tên bị bắt sống.
Vụ tấn công lần này là hành động khủng bố nguy hiểm nhất và táo bạo nhất tại Bangladesh - một quốc gia nghèo đói nhưng ngày càng bất ổn do bạo lực leo thang. Vụ việc xảy ra ở quận Gulshan, một trong những khu phố giàu có nhất của Dhaka và một vùng đất ngoại giao an toàn khiến người dân rất sốc và lo sợ. “Đây là kiểu tấn công đầu tiên tại Bangladesh... Những gì chúng đã làm ở đây là hành động rất ghê tởm”, Thủ tướng Hasina nhấn mạnh.
Ban đầu, một quan chức Mỹ nói với CNN rằng, có nhiều khả năng một nhánh của Al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ đứng sau cuộc tấn công này vì nhóm này đã chứng minh sự ảnh hưởng ngày càng tăng ở Dhaka qua các cuộc tấn công trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sau khi hình ảnh bên trong quán cà-phê và hình ảnh con tin bị sát hại đăng trên một trang mạng liên kết với IS, giới chức Mỹ cho biết đang tập trung ưu tiên vào khả năng IS là thủ phạm. Dù CNN không thể xác minh tính xác thực của các bức ảnh, những hình ảnh từ các bức ảnh này rất giống với hình ảnh bên trong quán cà-phê.
IS cũng đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này. Nhưng giới chức Bangladesh bác bỏ khả năng IS hay Al-Qaeda liên quan đến vụ việc này mà cho rằng, thủ phạm là nhóm phiến quân trong nước. “Thủ phạm là các thành viên của Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh (một tổ chức bị cấm tại nước này trong hơn một thập kỷ qua)”, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho biết hôm 3-7. Phó Thanh tra Cảnh sát Shahidur Rahman còn cho biết, các tay súng đều đến từ những gia đình giàu có và có học thức.
Trên thực tế, tất cả những kẻ tấn công đều là công dân Bangladesh, trong số này có 5 kẻ bị cảnh sát cố gắng bắt giữ trước đó.
Khả Anh