Vụ máy bay mất tích bí ẩn: Malaysia bác nguy cơ khủng bố
(Cadn.com.vn) - Giả thuyết khủng bố suy yếu sau khi giới chức Malaysia xác định, một trong số hai người sử dụng hộ chiếu giả chỉ muốn tìm tị nạn tại Đức.
Malaysia ngày 11-3 chính thức bác bỏ thông tin, máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 bị khủng bố tấn công.
Reuters dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur cho biết, chính quyền sở tại cho rằng, máy bay không thể bị không tặc rồi nổ tan tành trên không như giới báo chí vẫn dự đoán.
Nói về vụ 2 hộ chiếu giả, vốn dẫn đến những đồn đoán về khả năng máy bay bị khủng bố, giới chức Malaysia cho biết, một trong hai người dùng là công dân Iran tên Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi. Tuy nhiên, người này được cho không phải là thành viên của một tổ chức khủng bố mà chỉ muốn tìm kiếm tị nạn tại Đức. Malaysia cho biết, các nhà điều tra không loại trừ bất kỳ khả năng nào trong đó có không tặc, phá hoại hoặc động cơ cá nhân... song khẳng định, cảnh sát “không có thông tin gì hoặc báo cáo tình báo về bất kỳ vai trò nào của những kẻ khủng bố”.
Giới chức Malaysia công bố hình ảnh một trong hai người sử dụng hộ chiếu giả lên máy bay bị mất tích. Ảnh: AP |
Đây là tuyên bố mang tính chắc chắn đầu tiên về thông tin liên quan đến số phận bí ẩn của chuyến bay MH370, làm nguội đi những giả thuyết về khả năng bị tấn công khủng bố. Trước đó, khi giới chức Malaysia vẫn kiên quyết không loại bỏ nghi vấn về hành động khủng bố, các nguồn tin điều tra cho thấy, 2 người dùng hộ chiếu giả chỉ mua các vé giá rẻ nhất theo gợi ý của một Cty lữ hành Thái Lan. Phát hiện này gợi ra khả năng, 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp không chủ động chọn chuyến bay MH370.
Bản thân cảnh sát Thái Lan cũng đặt ra giả thiết 2 người sử dụng hộ chiếu đánh cắp không liên quan tới khủng bố, mà các bằng chứng cho thấy, cả hai chỉ tìm kiếm tị nạn. “Chúng tôi không loại trừ khả năng, song các bằng chứng hiện có không đủ để kết luận những người này liên quan tới khủng bố. Chỉ xét riêng việc đặt vé, nếu là khủng bố, họ sẽ chọn sẵn chặng bay cũng như chiếc máy bay họ muốn lên", Cảnh sát trưởng Pattaya nhận định. Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) cũng cho biết họ không tin máy bay Malaysia bị khủng bố.
Trong khi đó, Malaysia mở rộng phạm vi tìm kiếm sang bán đảo phía Tây thuộc eo biển Malacca và cả trên đất liền. Kuala Lumpur cũng mở rộng điều tra xem liệu có bất kỳ hành khách hoặc thành viên phi hành đoàn nào trên máy bay gặp vấn đề tâm lý để có thể có những giải thích hợp lý hơn về sự biến mất này. “Có lẽ ai đó trên chuyến bay đã mua số tiền bảo hiểm rất lớn và muốn để lại tiền cho gia đình hoặc ai đó nợ nần chồng chất, các bạn biết đấy, chúng tôi đang tìm kiếm ở tất cả các khả năng”, Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar tuyên bố tại một cuộc họp báo.
Theo thông tin mới nhất, trong số 227 hành khách trên máy bay (và 12 thành viên phi hành đoàn), có đến 164 người Trung Quốc. Còn lại có 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Australia, 5 người Ấn Độ, 4 người Pháp và 3 người Mỹ. Bắc Kinh hiện đã triển khai 10 vệ tinh có thể chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao, hình ảnh rõ nét để hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Các vệ tinh này cũng sẽ trợ giúp công tác giám sát thời tiết, liên lạc và tìm kiếm tại khu vực máy bay biến mất.
Ngày 11-3, các đội tàu cứu hộ trên biển Đông vẫn lùng sục tìm kiếm khu vực rộng lớn nhưng vẫn chưa phát hiện mảnh vỡ hoặc các vật thể tình nghi ở dưới cũng như trên mặt biển.
Khả Anh