Vụ máy bay mất tích: Tiếp tục tìm kiếm

Thứ năm, 27/03/2014 10:49

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những hy vọng rất mong manh, các hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đã được nối lại trong ngày 26-3.

Một không khí tuyệt vọng đang bao phủ khi công cuộc tìm kiếm đa quốc gia được nối lại tại vùng Nam Ấn Độ Dương xa xôi và khắc nghiệt trong ngày 26-3 sau khi tạm dừng vì thời tiết xấu.

Rõ ràng, công cuộc tìm kiếm vẫn phải tiếp tục trước sức ép quá lớn từ người thân của các hành khách trên máy bay và quyết tâm giải mã một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất thế giới này.

Máy bay AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Australia đang tìm kiếm
trên vùng Nam Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters

TÌM KIẾM...

ABC dẫn lời Adam Conroy, chuyên gia thời tiết Cục Khí tượng Australia cho biết, thời tiết đang dần cải thiện tại khu vực tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm.

Hiện, 12 máy bay và một số tàu của 6 nước: Australia, Mỹ, New Zealand, Trung, Nhật, Hàn một lần nữa lùng sục vùng biển rộng lớn ở phía Tây Nam khu vực Perth của Australia. Theo kế hoạch, 1 tàu tiếp tế và 3 tàu khác của Trung Quốc cũng đến khu vực này trong khi tàu phá băng Tuyết Long đã đến khu vực mà các chuyên gia Bắc Kinh phát hiện có các vật thể nghi của máy bay mất tích. Ấn Độ cũng đề nghị tham gia chiến dịch tìm kiếm vốn đang nằm dưới sự dẫn dắt của Australia.

“Vùng tai nạn không gần nơi nào ngoài Australia”, Thủ tướng Tony Abbott thừa nhận, trước khi tuyên bố dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân, đặc biệt là hành khách người Australia, tại Quốc hội. Trong buổi gặp gỡ gia đình các nạn nhân người Australia, ông Abbott cũng cam kết chính phủ sẽ làm tất cả để trục vớt những vật thể nghi ngờ. Theo ông Abbott, việc làm này có thể giúp gia đình các nạn nhân thanh thản khi biết được điều gì xảy ra với máy bay xấu số.

Trong khi đó, các thiết bị được dùng để tìm kiếm hộp đen cũng đã đến Australia vào ngày 26-3, chứng tỏ nỗ lực tìm kiếm tuyệt vời mặc dù giới phân tích cho rằng, việc tìm hộp đen này như “mò kim đáy biển”.

.... VÀ ĐIỀU TRA ĐA QUỐC GIA

MH370 và cuộc chiến pháp lý đắt đỏ

Cty luật Ribbeck Law Chartered International của Mỹ ngày 26-3 tuyên bố đã xúc tiến các thủ tục pháp lý “nhiều triệu USD” chống lại Hãng hàng không Malaysia Airlines và Tập đoàn Boeing liên quan vụ máy bay mất tích này. Động thái này đánh dấu bước khởi động của một trong những cuộc chiến pháp lý đắt đỏ nhất trong lịch sử liên quan đến máy bay bị mất tích.

Việc tìm được đống đổ nát của máy bay có thể mở ra những manh mối giải thích vì sao máy bay lại đổi hướng và gặp nạn tại nơi cách quá xa hành trình bay. Các nhà điều tra cũng không loại trừ vấn đề kỹ thuật nhưng lý thuyết về không tặc hoặc phi công tự sát được lưu ý nhiều hơn.

Chuyến bay MH370 biến mất khỏi màn hình radar dân sự chưa đầy 1 giờ sau khi cất cánh vào ngày 8-3 và các nhà điều tra tin rằng, một người nào đó có thể tắt hệ thống liên lạc. Mặc dù hệ thống báo cáo và thông tin liên lạc bị ngắt, nhưng điều khó hiểu là máy bay tiếp tục trao đổi hàng giờ qua tín hiệu điện tử “ping” với một vệ tinh thương mại của Cty Inmarsat, Anh.

Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết: “Có bằng chứng về một phần trao đổi giữa máy bay và trạm kiểm soát không lưu dưới mặt đất lúc 7 giờ 19 (giờ Việt Nam). Hiện chưa hiểu nội dung lần truyền phát tín hiệu này và cần tiếp tục tìm hiểu”. Phân tích sơ bộ về tín hiệu “ping” của vệ tinh chỉ có thể xác định vị trí cuối cùng của chiếc máy bay này vào 1 trong 2 vòng cung rộng lớn trải dài từ biển Caspian đến Nam Ấn Độ Dương.

Một phần radar quân sự cho thấy, máy bay quay ngược về phía Tây, bay qua không phận bán đảo Malay và có khả năng tránh radar dân sự -  hành động rõ ràng dưới bàn tay của phi công lành nghề. Nghi ngờ nhằm vào phi công càng nhân lên khi Tân Hoa Xã dẫn lời ông A. Ranganathan - chuyên gia hàng không Ấn Độ - nhận định, thảm kịch MH370 có điểm tương tự với 2 thảm kịch hàng không khác tại Indonesia và Ai Cập, trong đó các phi công tự sát bằng cách lao xuống sông và biển.

Ông Ranganathan đặt ra giả thiết: phi công MH370 sát hại mọi người trên máy bay bằng cách giảm áp suất đột ngột, khiến họ bị “chết não” chỉ trong 15 giây, trong khi buồng lái có nguồn cung cấp oxy vô tận. Không ai có thể cản trở anh ta chuyển hướng máy bay, tương tự như tình huống máy bay UA93 của Hãng hàng không United Airlines của Mỹ gặp phải trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Rõ ràng, việc có quá nhiều giả thuyết khiến cuộc điều tra sẽ rất tốn kém và khó khăn. Malaysia tuyên bố sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, nhưng hy vọng các nước, đặc biệt là Australia sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng có thể, bí ẩn về chuyến bay MH370 này sẽ không bao giờ được hé mở.

Khả Anh