Vụ máy bay mất tích: Đâu là "sự thật"?

Thứ tư, 26/03/2014 10:58

(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ Trung Quốc - Malaysia càng xấu đi theo diễn biến của vụ máy bay mất tích bí ẩn khi Bắc Kinh dường như tỏ ý nghi ngờ trước kết luận của Kuala Lumpur rằng, chiếc Boeing số hiệu MH 370 đã rơi ở miền Nam Ấn Độ Dương và không còn người sống sót.

Bắc Kinh ngày 25-3 yêu cầu Kuala Lumpur cung cấp dữ liệu vệ tinh vốn dẫn đến kết luận đau lòng về máy bay mất tích trong khi thời tiết xấu khiến công cuộc tìm kiếm tạm dừng trong ngày 25-3.

Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại đến Kuala Lumpur - với tư cách phái viên - để tham vấn chính phủ Malaysia về vụ máy bay mất tích trong bối cảnh Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố, vụ máy bay mất tích đã bước sang giai đoạn điều tra. Các nhà điều tra sẽ xem xét các khả năng khác nhau như hệ thống cơ khí hoặc điện bị hư hỏng, máy bay bị cướp...

Gia đình các nạn nhân người Trung Quốc trên máy bay mất tích gào khóc
trước Tòa nhà Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh, đòi công bố sự thật. Ảnh: Reuters.

NGƯỜI NHÀ NẠN NHÂN ĐÒI  “SỰ THẬT”

Đêm 24-3, phía Malaysia tung ra cơn bão đau buồn và giận dữ trong gia đình của 239 người trên máy bay mất tích, trong đó 2/3 là người Trung Quốc. Trong tuyên bố thể hiện sự đau buồn tột cùng, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, dựa vào các phân tích mới đối với dữ liệu vệ tinh, máy bay mất tích đã lao xuống Nam Ấn Độ Dương và không còn ai sống sót.

Tuyên bố tưởng chừng giúp giải tỏa những bí ẩn đằng sau vụ mất tích này lại mở ra những tranh cãi và chỉ trích gay gắt vì Kuala Lumpur đưa ra kết luận  “khó chấp nhận” trên khi chưa xác định được bất kỳ mảnh vỡ nào. Malaysia vốn bị chỉ trích vì che giấu và công bố những thông tin mâu thuẫn về số phận máy bay mất tích khiến công cuộc tìm kiếm bị sai lệch. Và tuyên bố kết luận lần này càng như “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong người những thân nhân của các hành khách xấu số.

Ngày 25-3, tại Bắc Kinh, những người thân các hành khách rất phẫn nộ, chỉ trích giới chức Malaysia là “những kẻ sát nhân”. Khoảng 300 gia đình và bạn bè các hành khách kéo đến trước Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh, kêu gào đòi sự thật. Một người phụ nữ trưng dòng biểu ngữ: “Chúng tôi cần người thân. Chúng tôi cần sự thật”. Nhiều người khác ném chai lọ vào bên trong Đại sứ quán và hô vang “Những kẻ nói dối”. Cảnh sát Bắc Kinh buộc phải vào cuộc, yêu cầu đám đông duy trì trật tự và tránh đối đầu. Hiện một lượng lớn các nhân viên cảnh sát đang phong tỏa hoạt động giao thông tại phái bộ ngoại giao này.

Malaysia Airlines ngay sau đó ra tuyên bố “mong thứ lỗi” và sẽ bồi thường cho các gia đình của các hành khách. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, một quan chức của Malaysia Airlines từ chối suy đoán diễn biến cuộc điều tra đang diễn ra đồng thời nhấn mạnh, trọng tâm hiện nay là các gia đình của nạn nhân. “Đây là ngày buồn và bi kịch cho tất cả chúng ta”, quan chức trên nói với các phóng viên. Để làm yên lòng dư luận, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, chính quyền Kuala Lumpur không có ý định che giấu thông tin đối với người thân của các hành khách trên chuyến bay mất tích.

SAI LẦM CỦA MALAYSIA

Giới chuyên gia cho rằng, phía Malaysia phạm sai lầm rất lớn khi kết luận vụ việc mà chưa xác định rõ các mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích.

Không những Trung Quốc mà cả Mỹ cũng tỏ ý nghi ngờ kết luận này. Nhà Trắng tuyên bố chưa có “bằng chứng độc lập” cho thấy máy bay mất tích rơi xuống Nam Ấn Độ Dương. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Tôi không có bằng chứng độc lập về vấn đề này. Tôi không có lý do để tin rằng, việc máy bay bị rơi xuống Nam Ấn Độ Dương là đúng”. Washington hiện đang hợp tác “rất chặt chẽ” với Kuala Lumpur để điều tra vụ việc trong khi quân đội Mỹ cho biết đã gửi thiết bị định vị hộp đen và một robot tìm kiếm dưới đáy biển tới Ấn Độ Dương, giúp tìm máy bay của Malaysia.

Theo Reuters, vào hôm nay (26-3), các nước có thể bắt đầu lại cuộc tìm kiếm nếu điều kiện thời tiết cho phép. Nhưng sau đó, đội tìm kiếm phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn bởi Nam Ấn Độ Dương là một trong những khu vực xa xôi nhất thế giới với vùng biển đầy biến động và sâu thăm thẳm – nhiều nơi sâu đến 7.000m. “Chúng tôi không tìm kiếm một cây kim trong đống cỏ. Chúng tôi vẫn đang cố gắng xác định nơi có các đống cỏ khô”, Thứ trưởng Quốc phòng Australia, Air Binskin, nói với các phóng viên tại một căn cứ quân sự ở Perth.

Trả lời báo giới, Thủ tướng Australia, quốc gia dẫn đầu công cuộc tìm kiếm, cũng xác nhận “đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và Canberra sẽ đề nghị tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ và hợp tác”. Ở Malaysia, trong tuyên bố trước Quốc hội, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng cảnh báo, việc tìm kiếm sẽ tốn rất nhiều thời gian. “Chúng tôi sẽ phải đối mặt với những thách thức bất ngờ và bất thường”, ông Razak nói.

Việc tìm kiếm các đống đổ nát nghi của máy bay mất tích có thể mất nhiều năm. Còn nhớ, các nhà điều tra phải mất 2 năm mới tìm thấy hộp đen máy bay Air France bị rơi ở Đại Tây Dương trên chuyến bay từ Rio de Janeiro đến Paris vào năm 2009. Nhiều người nói vui rằng, tất cả chỉ chờ “may mắn mỉm cười”.

Khả Anh