Vụ máy bay quân sự Su-30MK2 gặp nạn: Một trong hai phi công đã được cứu và đưa về đất liền an toàn

Thứ năm, 16/06/2016 11:44

* Tiếp tục tìm kiếm phi công còn lại

(Cadn.com.vn) - Đúng 13 giờ 30 ngày 15-6, chiếc tàu cứu nạn BP34-98-01 của BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã đưa Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường- một trong 2 phi công gặp nạn trên máy bay Su-30MK2 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) rơi ngày 14-6 cập cảng Hải đội 2 Cửa Hội (Nghệ An). Phi công Cường được đưa vào bờ trong tình trạng sức khỏe khá ổn định chỉ bị sây sát nhẹ ở cổ và tay và bị đau ở vùng lưng. Ngay sau đó, phi công Cường được đưa về Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ tại TX Cửa Lò rồi đến Bệnh viện Quân khu IV để kiểm tra sức khỏe tổng thể. Phi công Cường sẽ được nghỉ ngơi trước khi trở về nhà.

Tại Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ, phi công Cường và ngư dân Phạm Văn Lệ cùng một số ngư dân trên tàu cá HT-20219 TS đã cùng làm việc với các lực lượng chức năng, bàn phương án cứu hộ phi công- Thượng tá Trần Quang Khải. Đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu IV, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng quà, động viên khen thưởng ngư dân Phạm Văn Lệ vì có thành tích xuất sắc trong phát hiện, cứu sống phi công Cường khi anh đang lênh đênh giữa biển. Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã thưởng “nóng” 5 triệu đồng từ UBND tỉnh Nghệ An cho ngư dân Lệ vì hành động cứu trợ kịp thời, hiệu quả của ông Lệ và các ngư dân.

Phi công Nguyễn Hữu Cường (dấu X) được đưa lên bờ trong vòng tay đồng đội.

Trước đó, khoảng 5 giờ ngày 15-6, tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (trú Lộc Hà, Hà Tĩnh) chủ tàu cá HT-20219TS trong lúc đang đánh bắt cá tại vùng biển giáp ranh Nghệ An, Thanh Hóa  đã tìm thấy và đưa phi công Cường lên tàu.  Ông Lệ cho biết: “Tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc khi phát hiện và được giúp đỡ phi công Nguyễn Hữu Cường khi anh gặp nạn. Tôi mong phi công Trần Quang Khải cũng sống sót kỳ diệu và trở về với quê hương, đồng đội, người thân an toàn như phi công Cường”. Theo ông Lệ, khi phát hiện có người kêu cứu, thuyền của ông di chuyển theo hướng âm thanh kêu cứu. Khoảng 10 phút sau thì phát hiện ánh sáng trên mặt biển phát ra từ chiếc áo phao cứu sinh. Lúc tiến gần thì ông Lệ nhận thấy phi công Cường tay đưa lên cao ra hiệu nên ông Lệ cho thuyền thúng chèo ra cứu người. Sau khi ủ ấm và ăn uống, các ngư dân đưa điện thoại để phi công Cường gọi về báo với đơn vị, gia đình.

Cũng theo ông Lệ, vị trí anh Cường được cứu cách Cửa Sót 56 hải lý nên việc bơi vào bờ là không thể. Vì vậy nếu không được cứu kịp thời thì anh Cường sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi được đưa lên bờ, phi công Cường (dấu X) được đưa về bệnh viện quân đội
để kiểm tra sức khỏe và tham gia tìm kiếm đồng chí Trần Quang Khải.

Được biết, lúc chiếc Su – 30MK2 gặp nạn, cả phi công Cường và Trần Quang Khải đều đã bung dù và rơi trên biển. Thiếu tá Cường rơi xuống nước, cách Thượng tá Khải khoảng 6km. Khi rơi xuống biển, Thiếu tá Cường vẫn nhìn thấy Thượng tá Khải. Hiện lực lượng tìm kiếm đang tiếp tục khoanh vùng vệt dầu loang, tìm kiếm tung tích chiếc máy bay gặp nạn cũng như phi công Khải. Theo đó, phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng. Lực lượng chức năng cũng huy động phương tiện gồm máy bay, tàu hải quân, tàu cứu nạn và nhiều tàu cá của ngư dân tích cực tìm kiếm.

Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị 5 địa phương ven biển Nghệ An gồm TX Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai, mỗi địa phương cử 10 tàu cá đồng loạt ra biển tìm kiếm. Ngoài ra, lực lượng của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Nghệ An đang huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ CHQS tỉnh, biên phòng và 50 tàu cá của ngư dân. Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh.

Trong cuộc họp ở sở chỉ huy đặt tại Nghệ An ngày 15-6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng yêu cầu duy trì một máy bay liên tục bay tìm kiếm phi công Khải, chỉ đến khi có lệnh mới được dừng lại.

D.H-X.S