Vụ máy bay Ryanair: Belarus bị tố nói dối trong vụ ép máy bay chuyển hướng
Công ty về bảo mật email Proton Technologies (Thụy Sĩ) hôm 27-5 cho biết, mối đe dọa đánh bom mà Belarus lấy làm lý do để buộc một máy bay chở khách của hãng Ryanair (Ireland) chuyển hướng và hạ cánh xuống Belarus được gửi đi sau khi máy bay đã chuyển hướng rồi hạ cánh xuống sân bay Minsk.
Máy bay hãng Ryanair chở nhà hoạt động Roman Protasevich (phải) bị ép chuyển hướng đến Minsk trước hạ cánh tại Lithuania. Ảnh: Reuters |
Phát hiện những bất thường
Giới chức Belarus cho biết họ đã yêu cầu chiếc máy bay của Ryanair đang trên đường từ Hy Lạp tới Lithuania phải hạ cánh xuống sân bay của thủ đô Belarus hôm 23-5 do có đe dọa đánh bom từ nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas. Sau khi hạ cánh, lực lượng chức năng Belarus đã kiểm tra sơ bộ cả trong và ngoài máy bay cũng như khoang hành lý, sau đó kiểm tra kỹ trong 2 giờ rưỡi đồng hồ. Các chuyên gia chất nổ đã không phát hiện vật thể khả nghi nào. Nhà chức trách Belarus cho biết trong quá trình kiểm tra máy bay đã phát hiện trong danh sách hành khách có người đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta Romat Protasevich mà chính quyền nước này năm ngoái cáo buộc phạm một loạt tội danh, trong đó có tổ chức các cuộc bạo động quy mô lớn. Cơ quan bảo vệ pháp luật Belarus đã bắt giữ người này.
Phía Hamas sau đó đã phủ nhận biết thông tin hoặc có liên quan đến bất kỳ mối đe dọa đánh bom nào trong khi các nhà lãnh đạo Châu Âu cáo buộc Belarus có hành vi "cướp máy bay được chính phủ hậu thuẫn".
Hôm 27-5, nhóm nghiên cứu Dossier Center có trụ sở tại London đã công bố một tập tin mà họ cho rằng đó chính là email chứa lời đe dọa của Hamas. Email này được gửi đi 24 phút sau khi nhà chức trách Belarus cảnh báo phi hành đoàn của máy bay Ryanair về mối đe dọa đánh bom. Proton từ chối bình luận về nội dung chi tiết của tin nhắn nhưng xác nhận nó được gửi đi sau khi máy bay đã chuyển hướng. Phía Proton cho biết: "Chúng tôi không thấy có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy tuyên bố của Belarus là đúng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà chức trách Châu Âu trong cuộc điều tra của họ sau khi nhận được đề nghị pháp lý".
Hành động trên của Belarus đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Châu Âu. Trong đó, các quốc gia Châu Âu cho rằng Belarus cố tình ép máy bay Ryanair hạ cánh để bắt giữ nhà báo phe đối lập, đồng thời Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt với Minsk về vấn đề này.
ICAO, FBI vào cuộc điều tra
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của LHQ (ICAO) ngày 27-5 đã nhất trí mở cuộc điều tra việc Belarus buộc một máy bay chở khách của hãng Ryanair chuyển hướng và hạ cánh xuống Belarus. Cuộc điều tra của ICAO sẽ tìm hiểu liệu các quy tắc hàng không quốc tế có bị Belarus vi phạm hay không. Theo Bộ Giao thông Ireland, ngày 25-6 tới, ICAO sẽ báo cáo sơ bộ kết quả điều tra. Tuy nhiên, Tổ chức này cũng cho biết, họ không có vai trò hay thẩm quyền để trừng phạt một quốc gia. Tuy nhiên, kết quả điều tra của cơ quan này, nếu cho rằng Belarus có vi phạm, sẽ là một phần lý do để các nước phương Tây gia tăng thêm áp lực và trừng phạt.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng hoan nghênh động thái của ICAO. Trong khi, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng cho biết, cần một cuộc điều tra quốc tế minh bạch; kêu gọi các nước không chính trị hóa tình hình liên quan đến vụ việc.
Cùng ngày, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng tuyên bố đã mở cuộc điều tra riêng về vụ việc xảy ra với máy bay Ryanair ở Minsk. Trước đó, Tổng Công tố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Zbigniew Zebro cho biết Ba Lan đang điều tra vụ việc máy bay Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Minsk hôm 23-5 do có thông báo về việc đặt mìn trên máy bay.
Cấm bay
Trong diễn biến liên quan, Hãng hàng không quốc gia Belarus -Belavia thông báo đã buộc phải hủy các chuyến bay tới 8 nước, từ ngày 27-5 đến 30-10 do lệnh cấm bay của EU, trong đó có các chuyến bay tới vùng Kaliningrad thuộc Nga nằm ở eo biển Baltic. Cụ thể, hãng Belavia hủy các chuyến bay tới Vacsava, Milan, Rome, Amsterdam, Frankfurt, Berlin, Munich, Hanover, Vienna, Brussels, Barcelona và vùng Kaliningrad cho đến ngày 30-10. Trước đó, Belavia thông báo đã bị cấm bay tới Lithunia, Latvia, Pháp, Thụy Điển, Anh, Phần Lan, CH Czech và Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong hai ngày 24, 25-5 vừa qua, lãnh đạo 27 quốc gia EU đã nhất trí yêu cầu đóng cửa các sân bay của khối này với tất cả các máy bay của Belarus, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không Châu Âu tránh bay qua không phận Belarus.
Trong diễn biến liên quan, ít nhất hai hãng hàng không châu Âu đã bị chính quyền Nga từ chối cấp phép bay đến Moscow sau khi các hãng hàng không này đưa ra hành trình thay thế bỏ qua không phận Belarus. Hãng Austrian Airlines (Áo) đã thông báo hủy chuyến bay dự kiến từ Vienna đến Moscow hôm 27-5: "Việc thay đổi đường bay phải được sự chấp thuận của các nhà chức trách. Giới chức Nga không cấp phép cho chúng tôi. Kết quả là Austrian Airlines phải hủy chuyến bay hôm nay từ Vienna đến Moscow". Một ngày trước đó, hãng Air France (Pháp) cũng hủy chuyến bay đến và đi từ Moscow với lý do tương tự. Động thái của Nga, nhấn mạnh sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, diễn ra khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.
AN BÌNH