Vụ mùa “đắng”

Thứ tư, 25/10/2023 08:04
Sau đợt mưa kéo dài vừa qua, tranh thủ những lúc thời tiết tạnh ráo, người nông dân ở Quảng Nam phá bỏ các loại cây ăn quả, rau bị hư hỏng để trồng lại vụ mới. Bao nhiêu vốn đầu tư, công chăm sóc của họ trước đó đã trôi theo dòng nước. 
Nhiều loại rau của người dân tại làng rau Trà Quế bị hư do mưa lớn.
Ông Bảy cắt bỏ giàn dưa leo bị khô héo do ngập nước mưa.

Về vùng rau Bầu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc), tận mắt chứng kiến các loại cây ăn quả như: đu đủ, mướp, dưa leo, đậu tây, bí đao của người nông dân bị vàng, chết dần mà thương đứt ruột. Vụ này, người nông dân vùng rau Bầu Tròn trồng hơn 20 ha cây trồng lấy quả, nhưng đều bị hư hỏng do đợt mưa lớn kéo dài vừa qua.

Vợ chồng ông Phan Bảy (62 tuổi)- bà Trần Thị Thu (57 tuổi), trú thôn Phú Phước, xã Đại An đang phá bỏ giàn dưa leo đã bị héo vì ngập úng. Ông Bảy cho hay, vụ này, vợ chồng ông làm 1,5 sào dưa leo và 3 sào mướp. Dưa leo đã trồng được 40 ngày quả đang lớn, chỉ còn 5 ngày nữa là hái bán, nhưng không may gặp đợt mưa kéo dài gây ngập úng, bị thối rễ chết hết. Còn 3 sào mướp ông mới hái được 3 lứa bán được 2 triệu đồng. Do bị ngập nước lâu nên cũng bắt đầu vàng lá, chết dần. “Vợ chồng tôi đầu tư phân, giống hơn 10 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Dù chúng tôi đã cố gắng tháo nước cứu vườn rau nhưng đành bất lực vì mưa lớn liên tiếp nhiều ngày gây ngập trên diện trộng. Vụ này vợ chồng tôi thua lỗ nặng, bây giờ còn phải tốn thêm công phá bỏ, cày xới, xử lý đất trồng mới”- ông Bảy buồn bã nói.

Bà Hường hái những quả mướp trên giàn để phá bỏ trồng lại.

Chung cảnh ngộ, vườn đu đủ của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (53 tuổi, thôn Phú Phước) lá đã chuyển sang màu vàng, thân héo dần. Bà Vân tâm sự, tháng 11 năm ngoái, bà trồng 2 sào đu đủ, đến tháng 5 năm nay bắt đầu thu hoạch, bán được 7 triệu đồng. Bà đầu tư phân, giống cho vườn đu đủ hết 5 triệu đồng. Với chỉ một lần thu hoạch trên thì cả một năm qua, tiền công chăm sóc, thu hoạch của bà chỉ có 2 triệu đồng…

Nhiều loại rau của người dân tại làng rau Trà Quế bị hư do mưa lớn.

Vườn nhà bà Lê Thị Hường (53 tuổi) gần đó cũng trong tình cảnh tương tự. Lúc chúng tôi đến, bà đang cặm cụi hái những quả mướp nhỏ trên giàn để phá bỏ trồng lại mới. Bà Hường thẫn thờ cho hay, vụ này, bà trồng 2,5 sào mướp và 1,5 sào đậu tây, đầu tư hơn 5 triệu đồng phân, giống, chưa tính công chăm sóc. Bà chỉ mới hái mướp bán được gần 2 triệu đồng, còn đậu tây còn khoảng 1 tuần nữa thu hoạch thì gặp mưa nên bị hư hết. “Trồng các loại cây trồng này vào thời điểm trái vụ rất nhiều rủi ro, mưa vài ngày cây bị ngâm nước sẽ thối rễ chết dần. Làm trái vụ, nếu thời tiết thuận lợi thì bán được giá cao gấp đôi, do vậy người dân vẫn trồng nhiều. Tôi đã ươm hạt giống, dọn vườn, cày đất trồng vụ mới, mong thời tiết thuận lợi để lấy lại số tiền bị lỗ vụ này”- bà Hường tâm sự.

Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An) cũng xơ xác sau đợt mưa. Các loại rau răm, húng, quế, cải, hành ngò… bị hư gần như hoàn toàn. Người dân đang cặm cụi nhổ bỏ rau, cuốc đất trồng lại vụ mới. Vụ này, bà Nguyễn Thị Nhân (60 tuổi) trồng 2 sào rau húng, quế, diếp cá, cải mầm, hành. Bà đầu tư gần 10 triệu đồng tiền giống, phân vào vườn rau, nhưng đã hư hỏng hết. “Mưa lớn kéo dài, các loại rau này bị thối rễ, úng lá chết, riêng cải mầm bị dập nát, thối hạt không nảy mầm. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào vườn rau này, vì vậy tôi đang ủ giống rau, thuê người cuốc đất trồng mới”- bà Nhân tâm sự.

Cặm cụi cắt bỏ 1 sào rau răm bị úa vàng tại làng rau, bà Nguyễn Thị Trinh (60 tuổi) chia sẻ, nếu trời không mưa, khoảng 1 tuần vườn rau sẽ thu hoạch, bán hơn 4 triệu đồng. Nhưng mưa kéo dài làm lá bị vàng không thể bán được. Bây giờ bà phải cắt bỏ, chăm sóc lại để thu hoạch lứa sau…

Đợt mưa kéo dài vừa qua khiến người nông dân trồng rau, củ quả Quảng Nam coi như bị mất trắng. Vẫn biết thời điểm này, miền Trung đã bước vào mùa mưa bão, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận rủi ro, tiếp tục đầu tư trồng mới với mong muốn thuận trời, bán giá cao để gỡ vốn, kiếm thu nhập lo cho gia đình.

Thành Nhân