Vụ rơi máy bay Mi 171: Đón các anh về với đất mẹ

Thứ hai, 14/07/2014 14:30

(Cadn.com.vn) - Như chúng tôi đã thông tin, 7 giờ 53 ngày 7-7, trong lúc bay huấn luyện tại khu vực Sân bay Hòa Lạc, Hà Nội, máy bay quân sự Mi 171 số hiệu 01 đã gặp nạn và rơi xuống thôn 11, xã Thạch Hòa, H. Thạch Thất, Hà Nội. Thời điểm xảy ra tai nạn trên máy bay có 21 chiến sĩ, trong đó 18 chiến sĩ hy sinh, 3 chiến sĩ bị thương. Ngày 11-7, thi hài của Trung úy Nguyễn Công Hợi và Thiếu úy Nguyễn Đình Bình (2 trong số 18 chiến sĩ hy sinh) đã về đến đất mẹ Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sáng 11-7, lễ truy điệu 18 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay Mi 171 được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội). Đến 11 giờ cùng ngày, thi thể các liệt sĩ được đưa đi hỏa táng và đưa về quê nhà yên nghỉ.

Đúng 17 giờ 45, đoàn xe chở linh cữu Trung úy liệt sĩ Nguyễn Công Hợi (1983) về đến quê nhà tại xã Tam Hợp, H. Quỳ Hợp, Nghệ An để an táng. Hàng ngàn người dân trong huyện đã đứng kín hai bên đường để đón người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ.

Linh cữu Trung úy liệt sĩ Nguyễn Công Hợi.

Theo quy định, chiếc xe chở thi hài liệt sĩ Hợi sẽ chạy thẳng ra nghĩa trang xã để làm lễ truy điệu và an táng chứ không đưa vào nhà. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Khi chiếc xe rẽ vào ngõ nhà ông Nguyễn Sĩ Hiền (63 tuổi) và bà Đinh Thị Hoa (61 tuổi) bố mẹ chiến sĩ Hợi thì người thân trong gia đình và rất nhiều người ùa ra với mong muốn nhìn thấy thi hài của liệt sĩ Hợi lần cuối. Trong niềm xúc động vô hạn, bà Hoa đã khóc, ngất đi. Quá xúc động và đau đớn, chị Nguyễn Thị Châm (vợ liệt sĩ Hợi) đã khóc ngất trước linh cữu của chồng.

Ông Đào Mạnh Huyền, người thân của gia đình ông Hiền cho biết: "Từ hôm biết thông tin cháu Hợi mất, ông Hiền, bà Hoa và cô Châm chỉ suốt ngày khóc. Chiều 10-7, cả gia đình đã lên xe ra Hà Nội để đón thi hài cháu Hợi về". Thương nhất cháu Vân, con liệt sĩ mới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ.

Được biết, ông Hiền, bà Hoa quê gốc ở H. Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1963, theo lời kêu gọi của chính quyền, bố mẹ ông Hiền và người dân trong vùng lên xã Tam Hợp khai hoang lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1982, sau một năm cưới nhau, bà Hoa sinh hạ con trai đầu là anh Hợi. Sau đó, lần lượt 3 người con nữa ra đời. Dù hoàn cảnh gia đình vất vả nhưng ông bà vẫn cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học. Kết thúc 12 năm đèn sách, năm 2004, anh Hợi đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.

Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ, với những thành tích xuất sắc, anh được đơn vị chuyển sang sĩ quan chuyên nghiệp và tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc. Năm 2011, chiến sĩ Hợi được phong hàm thiếu úy. Năm 2012, anh Hợi và chị Nguyễn Thị Châm (quê Diễn Châu) nên duyên vợ chồng. Cưới nhau chưa trọn một tuần thì vợ chồng phải ra Hà Nội thuê trọ, chị Châm tạm thời mở cửa hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống tuy vất vả nhưng gia đình anh chị sống hạnh phúc và sinh hạ đứa con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh Vân. Lúc bố mất, cháu Vân mới chỉ tròn 6 tháng tuổi.

Hàng nghìn người dân vây kín đoàn xe đưa thi hài liệt sĩ Hợi về an nghỉ tại quê hương.

Chị Nguyễn Thị Nam, người thôn Tân Mỹ nghẹn ngào: "Thỉnh thoảng chú ấy mới về thăm quê. Mỗi lần về là đều có quà cho bố mẹ, trẻ em trong xóm. Từ hôm nghe tin chú Hợi hy sinh, cả thôn xóm ai cũng bàng hoàng thương xót và chờ đợi để đón thi hài chú ấy về quê".

Đến 19 giờ 10 ngày 11-7, di hài Trung úy Nguyễn Công Hợi được cán bộ, nhân dân, người thân đưa tiễn ra nghĩa trang, hòa vào đất mẹ yêu thương.

22 giờ ngày 11-7, đoàn xe chở linh cữu của Thiếu úy Nguyễn Đình Bình (1991) về thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, H. Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Mặc dù đã khuya nhưng người thân trong gia quyến và hàng ngàn người dân trong xã đã túc trực bên đường đón linh cữu người con của quê hương.

Tối 6-7, Bình gọi điện về nhà tâm sự với mẹ chuyện học tập, công việc đang đảm trách tại đơn vị và nằng nặc gặp cho bằng được em gái Nguyễn Thị Phương. "Hôm đó, trắng đêm tôi không hề chợp mắt và linh tính có chuyện gì đó sắp đến nhưng tôi không dám gọi điện vì sợ ảnh hưởng đến con lúc nó đang làm nhiệm vụ. Không ngờ, linh tính của người mẹ đã mách bảo tôi" -  bà Phạm Thị Nga, mẹ Thiếu úy Bình nghẹn ngào cho biết.

Chị Nguyễn Thị Châm khóc ngất bên thi hài chồng.

Được biết, bố Thiếu úy Bình là ông Nguyễn Đình Trọng (1968) hiện đang là quân nhân phục vụ tại Trung Đoàn không quân 925, Sư đoàn 372. Bình là con trai đầu, em gái là Nguyễn Thị Phượng (1998, hiện học lớp 10). Hình ảnh bố mang quân phục đã thôi thúc Bình quyết tâm trở thành quân nhân. Giờ đây, Bình đã ra đi mãi mãi khi chưa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang.

Sáng 12-7, linh cữu của Thiếu úy liệt sĩ Nguyễn Đình Bình đã được đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ H. Cẩm Xuyên để tổ chức an táng trong niềm xót thương vô hạn của người thân trong gia đình và bà con làng xóm.

D.H