Vụ tấn công đền thờ Hồi giáo Ai Cập: Mối lo IS vẫn còn đó

Thứ hai, 27/11/2017 17:28

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo ở Bắc Sinai, Ai Cập cho thấy,  nhóm cực đoan IS vẫn còn khả năng gieo rắc sự chết chóc dù đã bị mất gần hết lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Thân nhân những nạn nhân vụ tấn công đền thờ Hồi giáo al-Rawda lo lắng chờ ngoài bệnh viện. Ảnh: EPA

Tấn công liều lĩnh

Số người chết trong vụ đánh bom và xả súng bên trong đền thờ Hồi giáo al-Rawda ở thị trấn Bir al-Abed hôm 24-11 đã tăng lên 305, trong đó có 27 trẻ em. Ngoài ra còn có 128 người khác bị thương.

Theo tuyên bố của công tố viên của Ai Cập được phát trên Kênh tin tức Nile TV, từ 25-30 tay súng vũ trang tấn công vào nhà thờ. Những kẻ tấn công đến đền thờ trên 5 chiếc SUV và được trang bị súng máy tự động. Chúng đứng ngay trước lối vào nhà thờ. Các nhân chứng cho biết, vụ tấn công bắt đầu khi một thiết bị phát nổ trong tòa nhà kế bên đền thờ và các tay súng bắn vào những người cầu nguyện đang chạy trốn khỏi đền thờ. Một số kẻ tấn công đeo mặt nạ sau đó tiến vào nhà thờ Hồi giáo và bắn vào bên trong. Chúng có râu, tóc dài, mặc quân phục và mang theo súng máy hạng nặng. Ít nhất một trong số những tên này đã mang cờ IS. Theo các nhân chứng, những kẻ tấn công cũng lập các điểm "phục kích" nhằm vào các xe cứu thương vận chuyển người bị thương đến al-Arish. Hình ảnh từ bên trong nhà thờ Hồi giáo cho thấy xác người nằm la liệt.

Một bầu không khí tang tóc bao trùm nhiều con phố của Ai Cập sau vụ tấn công kinh hoàng trên. 2 ngày sau vụ tấn công, nhiều người dân vẫn không thôi ám ảnh về những gì đã xảy ra. Một người dân nói: "Thật là tội nghiệp cho bọn trẻ và gia đình của chúng. Sự công bằng và tôn giáo ở đâu?" "Chúng tôi cứ nghĩ mình đang được sống ở một nơi an toàn và đảm bảo an ninh. Giờ thì sao, đây có còn là một nơi an toàn và an ninh nữa không. Chúng tôi thực sự đau lòng, chẳng còn gì vui cả".

Đáp trả

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hôm 25-11 tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập hiện đại đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa vụ khủng bố mới nhất tại Sinai bằng "sức mạnh tối đa". Ông nói: "Chúng tôi sẽ phản ứng lại hành động này bằng bạo lực chống lại bọn khủng bố. Hành động khủng bố này sẽ củng cố quyết tâm, sự kiên định và ý chí chống lại chủ nghĩa khủng bố của chúng ta". Ông Sisi cũng ra lệnh cho các lực lượng vũ trang xây dựng một đài tưởng niệm những người thiệt mạng tại nhà thờ Hồi giáo.

Quân đội Ai Cập mở một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu khủng bố ở tỉnh Bắc Sinai để tiêu diệt phiến quân.  Bộ Quốc phòng Ai Cập công bố một đoạn video cho thấy, quân đội Ai Cập với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng đã nã đạn liên tiếp vào các mục tiêu đã định. Chiến đấu cơ của họ đã không kích trúng một số chiếc xe được sử dụng trong vụ tấn công đẫm máu đền thờ Hồi giáo, tiêu diệt toàn bộ người trên xe. Quân đội cũng nhắm mục tiêu một số tiền đồn có chứa vũ khí, đạn dược của bọn khủng bố.

Mối lo IS

Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tuy nhiên, cuộc tấn công này mang dấu ấn của IS, vốn duy trì chỗ đứng ở phía bắc bán đảo Sinai và truyền cảm hứng cho các nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương, bất chấp nỗ lực của lực lượng an ninh Ai Cập.

Theo tờ The Guardian, nghi phạm rõ ràng nhất chính Wilayat al-Sinai (Nhà nước Hồi giáo ở Sinai), một nhánh của IS ở địa phương. Nhóm được biết đến với vai trò bị nghi ngờ trong vụ một máy bay hành khách Nga rơi ở Sinai, khiến 224 người thiệt mạng năm 2015. Mục tiêu của vụ tấn công là manh mối chứng tỏ Wilayat al-Sinai có thể là thủ phạm. Các nạn nhân là người Hồi giáo Sufi, một nhánh của dòng Hồi giáo Sunni nhưng bị IS xem là "người bội giáo". IS từng tuyên bố sẽ loại bỏ người Sufi khỏi Sinai nói riêng và Ai Cập nói chung.

Những nỗ lực của chính phủ Ai Cập trong hơn 3 năm qua vẫn chưa trấn áp được cuộc nổi dậy của Wilayat al-Sinai - nhóm đã tăng cường tấn công binh sĩ, cảnh sát, nhà thờ ở khu vực thời gian gần đây. Wilayat al-Sinai, gồm khoảng 1.000 thành viên, là một trong số hơn 10 nhánh được IS lập ra khắp Trung Đông năm 2014 trong động thái bành trướng tại khu vực. Theo một số nhà phân tích, vụ tấn công liều lĩnh nêu trên chứng tỏ hiểm họa từ các nhánh của IS, trong việc trả thù cho những lãnh thổ bị mất ở Iraq và Syria. Ông Shadi Hamid, một chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng một vụ tấn công có thể nhằm chứng tỏ IS vẫn tồn tại và có khả năng gieo rắc sự chết chóc, bất chấp mất gần hết lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Tình hình an ninh bất ổn ở Sinai chắc chắn khiến Mỹ không khỏi đau đầu giữa lúc cuộc chiến chống IS đang đạt nhiều khả quan. Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hồi tháng rồi đánh giá những chi nhánh của IS tại khu vực vẫn còn là nỗi lo lớn, trong đó có Wilayat al-Sinai. Giờ đây, theo một số quan chức Mỹ, vụ tấn công mới nhất ở Sinai nêu bật một thách thức cực kỳ lớn bởi nhà chức trách Ai Cập dường như chưa thể kiềm chế được Wilayat al-Sinai hoặc không chịu thừa nhận mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này.

AN BÌNH