Vụ Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Sẽ báo cáo Bộ trưởng xem xét thu hồi giấy phép
Ngoài nhiều lần tích nước trái phép, hiện, thủy điện (TĐ) Thượng Nhật đóng tại xã Thượng Nhật (H.Nam Đông, TT-Huế) vẫn chưa hoàn thành chi trả đền bù giải phóng mặt bằng cho dân.
Đoàn công tác của Bộ Công thương kiểm tra tại TĐ Thượng Nhật. |
VI PHẠM CHẤT CHỒNG
Ngày 18-11, tại TP Huế, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm trưởng đoàn đã tiếp tục có buổi làm việc với các bên liên quan về việc kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình TĐ Thượng Nhật. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Sở Công Thương tỉnh, đại diện H. Nam Đông và đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện (CTCPĐTTĐ) miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư dự án TĐ Thượng Nhật). Sau khi kiểm tra hiện trường, nghiên cứu hồ sơ và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp kết luận, TĐ Thượng Nhật đã có những vi phạm về lĩnh vực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Cụ thể, đã có hành vi vi phạm hành chính: Không thực hiện quan trắc quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 Nghị định số 134/2013/ 2013/NĐ-CP; Vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện. Đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi nói trên. Ngoài ra, đối với vi phạm quy định về giấy phép hoạt động điện lực, Đoàn công tác Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với TĐ Thượng Nhật.
Trong khi đó, UBND H.Nam Đông cho biết, đến thời điểm hiện nay, TĐ Thượng Nhật vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Cụ thể, hộ ông Hồ Văn Sỹ có 1 thửa đất 2.677,2m2 bị ảnh hưởng, Cty cho rằng đó là diện tích đất ven sông suối, đất hoang hóa và đề xuất hỗ trợ hơn 5,3 triệu đồng, nhưng hộ gia đình ông Sỹ không thống nhất. CTCPĐTTĐ miền Trung Việt Nam cũng đã có cam kết chi trả sớm cho hộ gia đình ông Hồ Văn Bí hơn 52,1 triệu đồng, đến nay vẫn không trả như cam kết. Bên cạnh đó, có 4 hộ dân có diện tích phát sinh thêm nhưng phía chủ đầu tư vẫn chưa hợp đồng với đơn vị tư vấn để đo đạc diện tích này. Về đường dây, có 5 hộ chưa có phương án đền bù, 2 hộ dân nằm trong phạm vi GPMB đường dây và 3 hộ nằm ngoài phạm vi GPMB.
Đối với xây ngầm tràn khe Ka Đầu, chủ đầu tư hợp đồng với DNTN thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán kinh phí cho đơn vị thi công số tiền 140 triệu đồng. Đối với việc trả lại đường mòn vùng Cha Lai (khoảng 15km), do việc mở đường liên quan đến đất và tài sản trên đất của các hộ dân, phía Cty đã đề xuất với UBND xã chủ trì việc mở đường, sau khi hoàn thành Cty sẽ hỗ trợ lại phần kinh phí thực tế phục vụ cho việc mở đường. Đến nay UBND xã chưa triển khai. Theo Chủ tịch UBND H.Nam Đông Trần Quốc Phụng, chủ đầu tư chưa dọn dẹp lòng hồ nhưng đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở vai phải đập TĐ Thượng Nhật, núi ở khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục; chưa cắm cảnh báo ở hạ du đập.
CẦN XÂY DỰNG QUY CHẾ PHỐI HỢP VỚI ĐỊA PHƯƠNG
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư TĐ Thượng Nhật thực hiện một số nội dung, cụ thể: yêu cầu phải mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn, khắc phục tồn tại, thủ tục pháp lý liên quan về tích nước hồ chứa; thực hiện xử lý mỏm đá phía hạ lưu bờ phải để đảm bảo chế độ thủy lực phía hạ lưu tràn, nâng cao khả năng thoát lũ. Ngoài ra, tuyến đường vận hành, đặc biệt ngâm qua suối cần khắc phục để lưu thông được, về lâu dài cần đảm bảo thông suốt. Đồng thời, Đoàn công tác yêu cầu chuyển ngay vị trí đặt máy phát điện dự phòng từ nhà máy lên vị trí cao trình đỉnh đập nhằm đảm bảo công tác vận hành, phòng chống thiên tai. Thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để khảo sát đánh giá ổn định vai phải đập và có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Thực hiện quan trắc các hạng mục công trình đã lắp đặt cho đập, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa và hệ thống giám sát vận hành.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần phải thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TTHuế quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt. Phối hợp với chính quyền địa phương thống nhất vị trí lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa theo quy định. Trong thời gian tới, đề nghị chủ đầu tư TĐ Thượng Nhật cần xây dựng Quy chế phối hợp với địa phương trong công tác vận hành phát điện, điều tiết hồ chứa đặc biệt là công tác cảnh báo, thông báo trước cho cư dân và chính quyền địa phương trong công tác điều tiết lũ…
Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Bộ Công thương tại công trình TĐ Thượng Nhật chiều 17- 11, ông Lê Văn Khoa - Tổng Giám đốc CTCPĐTTĐ miền Trung Việt Nam thừa nhận, thời gian qua chủ đầu tư đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành. Công ty xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục. Phó Chủ tịch UBND H.Nam Đông Lê Thanh Hồ khẳng định, nhà máy TĐ Thượng Nhật nhiều lần không thực hiện theo quy định của tỉnh về việc mở hoàn toàn 5 cửa van trong phòng chống bão số 13. Ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, dù doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do nhưng thực tế cho thấy đã không tuân thủ theo chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan ban ngành. Ông Bảo nhấn mạnh: Công trình đã được chỉ đạo quyết liệt mà còn để xảy ra tình trạng như thế. Trong khi toàn bộ hệ thống chính trị đang gồng mình lên để phòng chống khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, thì chủ đầu tư lại không tuân thủ các chỉ đạo của các cơ quan ban ngành của tỉnh, của Bộ Công Thương. Việc tích nước có thể gây mất an toàn không chỉ cho công trình, tài sản của công ty mà còn gây thiệt hại lớn đến hạ du. Điều này không chấp nhận được.
HẢI LAN