Vụ tranh chấp tại Cty Nông dược Điện Bàn (2)

Thứ bảy, 03/10/2009 00:00

>>Vụ tranh chấp tại Cty Nông dược Điện Bàn

Kỳ cuối: Thủ đoạn chiếm đoạt của ông Nguyễn Hữu Thạnh

(Cadn.com.vn) - Khi biết được TAND các cấp đang thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp giữa các thành viên và Cty” (ông Trần Công Anh tham gia với tư cách nguyên đơn), ông Nguyễn Hữu Thạnh đã âm thầm thực hiện ý đồ nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Trần Công Anh.

Trước hết ông Thạnh cho thành lập hàng loạt Cty “sân sau” để tẩu tán tài sản. Cụ thể, ngày 1-4-2007, thành lập Cty TNHH Xuất nhập khẩu quốc tế SARA (CTSR) do bà Nguyễn Thị Xuân Lan (em ruột ông Thạnh) làm Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngày 1-4-2008, thành lập Cty TNHH Nhựa Triết Giang (CTTG) do bà Lê Thị Hoài Minh (vợ ông Thạnh) giữ chức Giám đốc có trụ sở đóng tại Cụm Công nghiệp Thương Tín với ngành nghề đăng ký chuyên sản xuất bao bì từ Plastic, mua bán vật tư nông nghiệp...

Ông Nguyễn Hữu Thạnh. 

Cũng trong ngày 1-4-2008, thành lập Cty CP tập đoàn Điện Bàn (Cty CPTĐĐB)  do ông Nguyễn Hữu Trại (bố ông Thạnh) giữ chức Giám đốc, có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, trụ sở chính được đặt ngay trụ sở của Cty NDĐB. Thành lập xong các Cty “sân sau”, ông Nguyễn Hữu Thạnh bắt đầu thực hiện hàng loạt các hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Anh.

Trước hết, ông Thạnh thành lập Ban thanh lý tài sản cố định gồm 2 thành viên (ông Thạnh và ông Lê Cao Lưu) để bán 22 chiếc ô-tô của Cty NDĐB cho CTSR 10 chiếc ô-tô và Cty CPTĐĐB 12 chiếc với giá rẻ nhưng không thể hiện việc thanh toán các giao dịch trên hồ sơ, chứng từ kế toán. Cụ thể, ngày 16-2-2008 bán 2 chiếc xe hiệu Hyundai BKS 54T-6373 và xe Toyota BKS 53M-4690 cho CTSR với giá 295.266.300 đồng; ngày 28-11-2008 bán cho Cty CPTĐĐB ô-tô hiệu Isuzu BKS 54S-7660 giá 92.400.000 đồng...

Ngoài ra, ông Thạnh còn chỉ đạo cho các chi nhánh TPHCM và Hà Nội chuyển tiền về tài khoản cá nhân của mình hoặc em ruột là bà Nguyễn Thị Xuân Lan với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, dưới danh nghĩa góp vốn, ông Thạnh đã cho chuyển gần 3,5 tỷ đồng từ Cty NDĐB sang các Cty “sân sau” của mình, như: CTTG, CTSR, Cty CPTĐĐB. Cụ thể, ngày 27-11-2008, chi nhánh TPHCM chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản số 8212629 của bà Lan tại Chi nhánh Ngân hàng Á Châu Đà Nẵng; ngày 15-1-2009, Chi nhánh Hà Nội chuyển 230 triệu đồng về tài khoản cá nhân ông Thạnh... và chuyển toàn bộ vật tư, nguyên liệu tồn kho trị giá hơn 37 tỷ đồng từ Cty NDĐB sang Cty CPTĐĐB. Bên cạnh đó, hơn 100 tên thương mại (nhãn mác thuốc - n.v) được đăng ký độc quyền có giá trị hơn 15 tỷ đồng của Cty NDĐB cũng bị phù phép, chuyển sang cho Cty CPTĐĐB và CTSR sử dụng trong giao dịch nhưng không quyết toán phí nhượng quyền.

Nguyễn Hữu Thạnh nghe đọc quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi trốn thuế. 

Trắng trợn hơn, ông Nguyễn Hữu Thạnh tổ chức dịch chuyển nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại KCN Lê Minh Xuân có giá trị hơn 10 tỷ đồng sang Cty CPTĐĐB. Ngày 3-12-2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên ông Trần Công Anh sở hữu 50% tổng số vốn của Cty NDĐB. Bản án được tuyên như vậy, song khi ông Anh đến cơ quan yêu cầu được làm việc với tư cách thành viên của Cty NDĐB đã bị ông Thạnh sai lực lượng bảo vệ đuổi ra ngoài, bất chấp sự can thiệp của Cơ quan Thi hành án tỉnh Quảng Nam.

Sau khi thực hiện xong hành vi chiếm đoạt toàn bộ tài sản của Cty NDĐB, đầu năm 2009, ông Nguyễn Hữu Thạnh đơn phương gửi đơn đến các cơ quan chức năng tại Quảng Nam xin tạm dừng mọi hoạt động của Cty NDĐB trong lúc việc sản xuất và kinh doanh đang diễn ra một cách bình thường và chuyển toàn bộ lao động đang làm việc cho Cty NDĐB sang làm việc cho Cty CPTĐĐB. Bức xúc trước những việc làm của ông Thạnh, nhiều người lao động làm đơn xin nghỉ việc, song không được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật Lao động.

Như vậy, sau hơn 15 năm kinh doanh, từ nguồn vốn ban đầu là 200 triệu đồng, Cty NDĐB đã nâng tổng số vốn của mình lên hơn 100 tỷ đồng và số vốn trên đã được pháp luật xác định đây là nguồn vốn chung của 2 ông Nguyễn Hữu Thạnh và Trần Công Anh. Tuy nhiên, ông Thạnh đã lợi dụng quyền hạn của mình, bằng những thủ đoạn gian dối đã chiếm đoạt toàn bộ thành quả của hai người. Như vậy, ông Trần Công Anh từ một người đang có quyền sở hữu 50% vốn tại Cty NDĐB đã trở thành trắng tay.

Tổ P.V Điều Tra