Vụ xã “giúp” nhà máy nhựa không phép mọc trong khu dân cư: “Do địa phương nóng vội để giữ chân nhà đầu tư”?
(Cadn.com.vn) - Theo kế hoạch, trong cuộc họp báo được tổ chức hôm nay (13-10), UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trao đổi, trả lời các thông tin, phản ánh liên quan đến vụ việc UBND xã Điện Trung đã qua mặt chính quyền thị xã Điện Bàn và ngành chức năng tỉnh để “bật đèn xanh” cho Nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại (viết tắt: nhà máy) của Cty Da Nang Plastic mọc lên trái phép trong khu dân cư.
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, dù chỉ mới được thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng nhưng Cty TNHH MTV Da Nang Plastic (Cty Da Nang Plastic) đã huy động công nhân, phương tiện thi công rầm rộ nhà máy tại thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung (TX Điện Bàn). Khi phát hiện vụ việc, chính quyền và ngành chức năng đã yêu cầu Cty này dừng ngay việc xây dựng nhưng doanh nghiệp trên đã phớt lờ lệnh này, tiếp tục hoàn thiện nhà máy với sự “giúp đỡ” của chính quyền xã Điện Trung.
Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung giải thích cho việc nhà máy mọc lên trong thời gian bị đình chỉ thi công là: “Địa phương nóng vội để giữ chân nhà đầu tư”. Ảnh: Công Khanh |
Chiều 12-10, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung, phân trần: “Nói chung, vì địa phương nóng vội với mục đích giữ chân nhà đầu tư. Chủ trương thì cũng đã được thông qua, có điều là chưa hoàn tất thủ tục. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về vụ việc này, cũng mong các anh chia sẻ”. Ông Sơn cũng giải thích thêm, việc này cũng phải nói rõ là chỉ đạo của ai, đó cũng là Nghị quyết của Đảng ủy, giải pháp của UBND và ý kiến của HĐND. Ông Sơn cũng nói thêm, dù xã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng cũng mong manh, thu nhập của người dân còn thấp nên địa phương bức xúc về phát triển kinh tế.
Theo thông tin mà chúng tôi vừa có được từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, vi trí hiện đang xây dựng nhà máy không thuộc khu, cụm công nghiệp và không có trong quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duyệt. Đáng nói hơn, vị trí công trình không nằm trong danh mục công trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa năm 2016 theo nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam năm 2015 cũng như kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của TX Điện Bàn đã duyệt. Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng khẳng định, theo công suất nhà máy tại báo cáo đầu tư sơ bộ, dự án thuộc loại hình phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ. Ngày 3-10, Sở Xây dựng đã có báo cáo sau khi cùng các cơ quan liên quan đi kiểm tra thực tế và kết luận: “Vị trí xây dựng nhà máy nằm kế cận khu dân cư; loại hình, công suất nhà máy thuộc trường hợp phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; việc sử dụng đất lúa không có trong nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của địa phương. Do đó, Sở Xây dựng không thực hiện thủ tục thỏa thuận địa điểm”.
Trong ngày 12-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 5017/UBND-KTN gửi các cơ quan liên quan và UBND thị xã Điện Bàn yêu cầu Cty TNHH MTV Da Nang Plastic dừng ngay việc thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Điện Trung để rà soát, thực hiện các thủ tục đầu tư theo đúng trình tự quy định tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 6-1-2016 của UBND tỉnh Quảng Nam. Công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký cũng giao UBND thị xã Điện Bàn chủ trì họp với Sở Xây dựng, Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh cùng các ngành liên quan để xem xét, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại các văn bản đã ban hành trước đó liên quan đến việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại nêu trên; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-10-2016.
Công Khanh