Vụ “xung đột” giá thuê mặt bằng chợ Siêu thị Đà Nẵng: Nguy cơ đóng cửa chợ, 500 tiểu thương bơ vơ

Thứ tư, 01/11/2023 11:00
Tiền thuê đất theo chu kỳ mới tăng cao trong khi việc tăng giá cho thuê mặt bằng kinh doanh chưa được phê duyệt, các chi phí vận hành gia tăng… khiến chợ Siêu thị Đà Nẵng có nguy cơ phải đóng cửa.
Nếu không giải quyết được “xung đột” giá thuê mặt bằng nguy cơ chợ Siêu thị Đà Nẵng sẽ đóng cửa từ ngày 1-12 tới.
Nếu không giải quyết được “xung đột” giá thuê mặt bằng nguy cơ chợ Siêu thị Đà Nẵng sẽ đóng cửa từ ngày 1-12 tới.

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh trong số báo ngày 30-10, chợ Siêu thị Đà Nẵng do doanh nghiệp đầu tư, khai thác, nhưng mức giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ phải do thành phố phê duyệt. Hiện nay mức giá thuê mặt bằng tại chợ là 360 ngàn đồng/m2/tháng đã cao gấp đôi so với chợ truyền thống (180 ngàn đồng/m2/tháng), song chủ đầu tư lại đề xuất phương án giá mới 681 ngàn đồng/m2/tháng mức giá tối đa, Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt ở mức 393 ngàn đồng/m2/tháng. Cả tiểu thương và chủ đầu tư đều cho rằng mức giá thuê này không hợp lý. Với tiểu thương thì mức giá như vậy quá cao trong khi chủ đầu tư cho rằng mức giá đó quá thấp, dẫn đến “xung đột” về giá thuê mặt bằng hai bên.

Theo ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng thì phương án giá thuê mặt bằng đã được công ty xây dựng từ năm 2018, qua nhiều lần điều chỉnh, hoàn thiện đến nay vẫn chưa được thành phố phê duyệt. Mức giá 393 ngàn đồng/m2/tháng mà Sở Tài chính thẩm định khiến công ty bàng hoàng, bất ngờ. Mức giá này thấp hơn 43% so với phương án giá công ty xây dựng, đặc biệt thấp hơn nhiều so với các chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách như ở các địa phương khác. Chẳng hạn ở Cà Mau giá là 500 ngàn đồng/m2/tháng, ở Bình Thuận là 649 ngàn đồng/m2/tháng… trong khi Đà Nẵng là thành phố phát triển sôi động, chỉ số tiêu dùng cao hơn hẳn. Với đơn giá 393 ngàn đồng/m2/tháng áp dụng từ ngày 1-1-2023 thì Công ty chỉ bù đắp được 52% tiền thuê đất. Thậm chí nếu thành phố phê duyệt mức giá 681 ngàn đồng/m2/tháng như công ty đề xuất thì cũng chỉ bù đắp được 80% tiền thuê đất.

Một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ vì giá thuê đất theo chu kỳ mới mà công ty phải trả đã tăng đột biến. Ông Hoàng cho biết, trong chu kỳ 2020-2024 tiền thuê đất doanh nghiệp phải trả đã tăng từ 582 triệu đồng/năm lên 2,12 tỷ đồng/năm, tức tăng 360%. Theo đó, từ năm 2020-2022 công ty bị truy thu thuế hơn 4,5 tỷ đồng và đã nhận được thông báo cưỡng chế nợ thuế.

Ông Lê Trí Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở tài chính thẩm định là 393 ngàn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh) với điều kiện thành phố hỗ trợ tiền thuê đất khoảng 1,1 tỷ đồng/năm như giai đoạn 2014 đến 2019 (cũng là hỗ trợ để giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh cho tiểu thương, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội). Trường hợp nếu không được hỗ trợ tiền thuê đất mà vẫn duy trì mức giá phê duyệt 393 ngàn đồng/m2/tháng thì Công ty không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động vì khả năng sẽ bị nợ quá hạn các khoản như bảo hiểm xã hội, bị cưỡng chế thuế… và dự kiến tạm ngừng hoạt động kể từ 1-12-2023.

HẢI QUỲNH