Vui buồn nghề cảnh sát khu vực

Thứ ba, 18/11/2008 00:00

Kỳ 1: Giữ trọn niềm tin

(Cadn.com.vn) - Cảnh sát khu vực (CSKV) là lực lượng cơ bản, chiến lược của ngành CA, trực tiếp công tác chiến đấu và góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm về TTATXH ở cơ sở. Hằng ngày, các anh phải tiếp xúc với nhiều công việc có tên và không tên, gần dân nhất, cùng ăn cùng ở với dân, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân để qua đó quản lý địa bàn, quản lý con người và giữ gìn ANTT ở cơ sở hiệu quả nhất. Với người CSKV trên địa bàn TP Đà Nẵng, đem lại sự bình yên cho nhân dân là động lực lớn nhất để họ vượt qua tất cả khó khăn... 

Ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm nhỏ ở 54/24-Đinh Tiên Hoàng, Đà Nẵng trông cũ kỹ, đơn sơ. Tiếp chúng tôi, thiếu tá Đỗ Bơi - CSKV được xem là kỳ cựu nhất trong lực lượng CSKV toàn thành phố (hiện công tác tại CAP Thạch Thang, Q. Hải Châu) cười xuề xòa như thanh minh: “Trước đây, mọi người thường nói với nhau rằng “nhất trưởng ty, nhì khu vực”, qua đó để “ám chỉ” những ai làm công việc của một CSKV sẽ là người có được thu nhập cao. Có thể câu nói đó sẽ đúng ở một số địa phương hoặc ở một thời điểm nào đó. Còn đối với lực lượng CSKV ở TP Đà Nẵng thì câu nói đó chẳng đúng chút nào”... Bên chén trà ấm cúng, chúng tôi được anh kể về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện của 33 năm nay anh luôn một lòng với công việc của người CSKV. Và qua đó phần nào hiểu được, với anh, công việc của CSKV thiêng liêng, cao quý lắm!

Sinh năm 1955, ở Cẩm Nam (Hội An), có 11 anh chị em thì hết 5 người mất khi còn nhỏ, anh thứ 6 hy sinh trong chiến tranh. Lên 12 tuổi, cậu bé Đỗ Bơi tham gia công tác giao liên cho Thị đội TX Hội An. Sau đó, vì có nhiều thành tích nên ngày 19-5-1970, anh được đơn vị cử ra Bắc học văn hóa theo diện học sinh miền Nam. Học xong chương trình 7/10 tại miền Bắc, đầu năm 1976 anh trở về và vào học ở Trường Sơ cấp CA tại Sơn Trà (Đà Nẵng), đến ngày 20-5-1976, anh nhận nhiệm vụ CSKV tại P. Thạch Thang, Q. 1 (Hải Châu hiện nay) cho đến bây giờ.

Thiếu tá Đỗ Bơi (CSKV P. Thạch Thang) - người 33 năm qua luôn gần dân,
“lấy dân làm gốc” để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Anh bảo, P. Thạch Thang hồi đó dân cư hầu hết là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, đời sống còn nhiều khó khăn. Thêm nữa là khi mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa có khả năng phát động phong trào, nhất là khi bắt tay vào làm công tác đăng ký hộ khẩu... nên anh gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua thời gian, với những nỗ lực, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tài liệu sẵn có, hằng ngày lăn lộn ở địa bàn mình quản lý nên anh từng bước nâng cao nghiệp vụ, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Anh cho rằng, nếu không được dân tin yêu, giúp đỡ thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Theo anh, một CSKV muốn làm tốt công tác trước hết phải có kế hoạch phát động phong trào ở từng tổ dân phố, tham mưu cho tổ dân phố quy định thời gian, địa điểm và CSKV phải trực tiếp vận động các hộ trong tổ đến địa điểm dự họp để phổ biến các quy định cần thực hiện. Tổ chức phát động phong trào trong các lực lượng nòng cốt như cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi; phải thường xuyên gặp gỡ thăm hỏi, vận động nhân dân thực hiện pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương... Trung tá Đỗ Bơi cho biết: Còn nhớ khi mới vào nghề, sức khỏe tốt nhưng anh và 2 đồng chí CSKV khác chỉ quản lý gần 300 hộ. Còn hiện nay theo quy định của Điều lệnh CSKV, trung bình mỗi CSKV quản lý từ 250-300 hộ, nhưng hiện nay hầu hết CSKV trên toàn TP phải quản lý hơn gấp 2-3 lần. Riêng địa bàn anh phụ trách có đến 10 tổ dân phố với 1.042 hộ và 4.654 nhân khẩu. Có một thực tế là hiện nay, CSKV phải làm những công việc không thuộc những quy định theo điều lệnh. Trực ban, trực tiếp dân, trực 113 ở tại CAP chiếm rất nhiều thời gian. Thêm nữa là phải tham gia thực hiện những công việc không thuộc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ như vận động thu thuế đất, thu quỹ, vận động làm cống rãnh, vệ sinh môi trường, thậm chí cả vận động sinh đẻ có kế hoạch cũng đến tay CSKV...

Trên đường cùng anh xuống địa bàn phụ trách, bắt gặp những nụ cười, những lời chào hỏi thân tình của người dân dành cho anh, qua đó chúng tôi cảm nhận được vì sao trong suốt thời gian dài mấy chục năm qua, nơi đây ít xảy ra những vụ phạm pháp nghiêm trọng. Gặp anh Trần Quang Tâm (cán bộ CA hưu), hiện là tổ phó tổ 20, P. Thạch Thang tâm sự, chúng tôi được hiểu thêm phần nào công việc của một CSKV “được dân tin, yêu” như trung tá Đỗ Bơi. “Tôi vừa là người dân, vừa có thể xem là người đồng hành cùng anh Bơi, tôi biết, về công việc anh ấy chưa bao giờ trễ nải, người dân ở đây xem anh như người trong gia đình. Nhà nào có hiếu - hỷ cũng mời anh có mặt cho bằng được. 1.042 hộ dân chứ có ít đâu. Từ chối khó lắm vì dân bảo là CSKV “xa rời quần chúng...”.

Chúng tôi đặt vấn đề với thiếu tá Đỗ Bơi là theo anh có nên thuyên chuyển địa bàn phụ trách của CSKV, anh thật lòng đưa ra nhận xét: “Mình gần 33 năm phụ trách một địa bàn, mọi ngõ ngách, con người mình nắm như lòng bàn tay, có chuyện gì xảy ra ở địa bàn mình đều nắm được. Nếu chuyển đi địa bàn khác thì ít nhất cũng phải mất 5 năm để làm quen. Xã hội luôn vận động, con người luôn thay đổi, nếu mình không nắm bắt được thì nhiệm vụ khó hoàn thành. Vì vậy, theo mình, nếu ở địa bàn CSKV quản lý tốt rồi thì không nên thuyên chuyển nữa”.

Doãn Hùng

(còn nữa)