Vui buồn những nẻo đường tác nghiệp

Chủ nhật, 12/07/2020 07:20

Ai cũng bảo “nghề làm báo có uy lắm, được xem là quyền lực thứ tư...”. Có thể đúng thế thật, nhưng đấy là cái nhìn qua lăng kính của những người bên ngoài. Còn với chúng tôi, nghề cầm bút cũng lắm chuyện vui - buồn.

Các nhà báo đang tác nghiệp.

Nhiều niềm vui...

Trong thời kỳ kinh tế đổi mới, việc thông tin kịp thời những nhân tố mới, điển hình tiên tiến nhằm biểu dương, nhân rộng những mô hình mang tính đột phá, tiêu biểu giúp đẩy mạnh phong trào sản xuất, phát triển kinh tế là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, phát hiện những sai phạm trong quản lý kinh tế... để Nhà nước chấn chỉnh kịp thời, xử lý những đối tượng vi phạm... cũng là vấn đề quan trọng, là nhiệm vụ chính trị của người làm báo hiện nay.

Để thực hiện tốt vai trò của mình, người làm báo phải tự trang bị một nhãn quan tinh tế, quan điểm đúng đắn, vì cái chung... để xâm nhập vào thực tế cuộc sống nhằm tìm ra những cái mới, nhân tố điển hình. Từ một việc tốt, một tấm lòng nhân ái... được thông tin kịp thời sẽ được nhân lên hàng ngàn việc tốt. Việc thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có tác dụng giáo dục, làm thay đổi nhân cách, lối sống của nhiều người theo chiều hướng tốt hơn. Cụ thể, những thông tin về một người biết vượt qua những mặc cảm của tội lỗi, hoàn lương trở thành công dân tốt cho xã hội được đăng tải sẽ có sức lan tỏa mạnh, giúp cho những người một thời lầm lỗi có đủ nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hoặc gương dũng cảm truy bắt tội phạm được tuyên dương sẽ giúp cho nhiều người mạnh dạn hơn khi đối đầu với cái ác...

Tuy nhiên, điều khó khăn nhưng cũng là niềm vui của những người làm báo hiện nay là phát hiện và đấu tranh với những hiện tượng xấu, tiêu cực của đời sống xã hội. Điển hình, để “phanh phui” những vụ phá rừng, những người làm báo phải bất chấp nguy hiểm trước những thủ đoạn của lâm tặc, của chủ rừng và cả những cơ quan chức năng... Việc nhiều lâm tặc, cán bộ Kiểm lâm tại Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai... bị pháp luật xử lý, góp phần trả lại màu xanh cho những cánh rừng là niềm vui không riêng gì của chúng tôi. Tương tự, việc đấu tranh với nạn cát tặc, đất tặc cũng gian nan chẳng kém. Để ghi nhận sự việc, người viết phải “dầm mưa, dãi nắng” trên bờ bãi dọc các con sông và không hiếm lần đối mặt với hiểm nguy. Thế nhưng, khó khăn nhất vẫn là việc phanh phui những vụ tiêu cực, hành vi tham nhũng của một số cán bộ có chức quyền. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng... Ngoài ra, người viết còn chịu nhiều áp lực khác từ những thế lực khác nhằm bảo vệ đồng nghiệp hoặc lợi ích nhóm...

Một niềm vui khác của những người làm báo là đồng hành cùng những nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân làm công tác thiện nguyện. Mỗi năm, miền Trung bước vào mùa bão lũ, cuộc sống người dân tại các địa phương gặp muôn vàn khó khăn thì chúng tôi lại có mặt. Dẫu mỗi suất quà chỉ có một thùng mì tôm, chai dầu ăn, tấm áo cũ... chẳng đáng là bao nhưng đã gói trọn tấm lòng của người làm báo là biết cảm thông, sẻ chia với những mảnh đời khốn khó.

P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cùng đoàn tổ chức cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại Quảng Bình.

Còn lắm nỗi buồn...

Đầu tiên là quá trình thương mại hóa đã và đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông đã làm xói mòn đạo đức báo chí. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ những người làm báo vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để tạo ra được những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh, giá hời. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn và chưa được kiểm chứng.

Nhiều người xem nghề làm báo là công cụ, phương tiện để kiếm tiền với nhiều “nghề tay trái”, như: xin đất, xin việc làm... Cá biệt, có trường hợp ngộ nhận hoặc lợi dụng những “quyền lực” của nghề làm báo để có hành vi tống tiền các doanh nghiệp hoặc hành xử vượt quá giới hạn cho phép. Cụ thể, một số người dẫu không thuộc biên chế của đơn vị nhưng được tòa soạn đăng một vài bài viết đã tự phong cho mình là... nhà báo. Hoặc có trường hợp là phóng viên của một tạp chí chuyên ngành nhưng lại tác nghiệp ở một lĩnh vực khác... Ngoài ra, những lỗi phổ biến hiện nay là lấy tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây tác động lớn hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều thông tin không được kiểm chứng đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Hy vọng, những người làm báo hiện nay cần tuân thủ, thực hiện các quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội để mỗi thông tin được đưa lên mặt báo đều đảm bảo chính xác, không ảnh hưởng xấu cá nhân, tập thể, cộng đồng...

MINH TRÍ

Các nhà báo đang tác nghiệp.