Vui hội Tết mùa đồng bào Bhnoong

Thứ ba, 15/01/2019 14:00

Khắp núi rừng vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) thời điểm này rộn vang tiếng cồng chiêng, tiếng già trẻ trai gái các thôn nóc đồng bào Bhnoong - Giẻ Triêng vui hội Tết mùa (Cha - piếc) sau một năm hăng say lao động. Tết truyền thống đồng bào Bhnoong Phước Sơn tổ chức để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết Kinh - Thượng.

Đồng bào Bhnoong làng Lao Đu (Phước Xuân - Phước Sơn) vào hội Cha-piếc.

Tết mùa hay Tết nương rẫy (Cha-piếc) của đồng bào Bhnoong thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hằng năm. Khi ấy, lúa trên rẫy đã thu hoạch xong được đưa về cất giữ trong nhà kho. Lễ hội Tết mùa mang một ý nghĩa rất linh thiêng, dâng tạ thần linh vì một mùa rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh và con cháu thành đạt. Cha-piếc năm nay gặp trời mưa nhưng người dân thôn Lao Đu, xã Phước Xuân (Phước Sơn) rất háo hức vui hội Tết mùa. Đàn ông thanh niên trong làng lên rừng bắt con thú, con chim, xuống sông suối bắt cá; phụ nữ thì chọn những củ sắn ngon nhất để chưng cất rượu cần, chọn gạo nếp, gạo baton để chuẩn bị gói bánh quoát (bánh lá đót). Công việc chuẩn bị xong, già làng đánh trống chiêng báo cho thần linh, cho bạn bè, bà con rằng làng đã bước vào dịp ăn Tết mùa...

 Ngay từ sáng sớm, dân làng Lao Đu trong trang phục thổ cẩm đẹp nhất, mang những món ăn truyền thống, các mặt hàng nông sản đến nhà làng để dâng cúng và trưng bày. Mâm cỗ Tết với những món mà đồng bào Bhnoong-Giẻ Triêng rất ưa thích là môn dốc nấu với thịt chuột, thịt sóc, ốc đá, cá chua, muối ớt lá ràng rây, rượu bắp, rượu cần... Sau khi dâng cúng thần linh, thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người được khỏe mạnh, dân làng Lao Đu quây quần bên bếp lửa ấm cúng vừa ăn Tết vừa say sưa hát những bài hát cộng đồng rồi, trò chuyện vui vẻ. Già làng A Hưu, thôn Lao Đu, xã Phước Xuân chia sẻ: "Theo truyền thống, Tết mùa của người Bhnoong diễn ra trong 10 ngày, nhưng ngày đầu tiên, ngày thứ 4 và ngày thứ 9 là người dân gói bánh và ăn to. Trong những ngày Tết, bà con trong làng cùng chúc tụng nhau từ nhà này sang nhà khác, cùng ăn Tết, uống rượu cần, ôn lại một năm lao động vất vả. Ý nghĩa của việc ăn Tết chung với nhau là để làm sao cho mùa sắp đến, mọi người được mạnh khỏe, lúa đầy kho, nhà nhà no ấm yên vui". Trong niềm vui Tết mùa của từng thôn bản, cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Phước Sơn càng vui hơn khi Cha-piếc của người Bhnoong - Giẻ Triêng được nâng lên tầm lễ hội cấp huyện. Đó là Lễ hội Tết mùa truyền thống người Bhnoong - Giẻ Triêng lần thứ I năm 2019 được tổ chức tại TT Khâm Đức từ tối 11 đến hết ngày 13-1 này. Hơn 1.200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn H. Phước Sơn tham gia lễ hội. Lễ hội với nhiều hoạt động chính như: trưng bày các sản phẩm, hàng nông sản đặc trưng, trình diễn nghề thủ công truyền thống, tái hiện nghi thức dựng cây nêu, biểu diễn cồng chiêng, liên hoan nghệ thuật quần chúng, hát dân ca đối đáp, trình diễn trang phục truyền thống, đẩy gậy, gói bánh quoát, tái hiện nghi thức Tết mùa và ẩm thực truyền thống của người Bhnong. Già làng Hồ Văn Điều - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, nguyên Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cho biết, bà con người Bhnoong - Giẻ Triêng luôn duy trì ăn Tết mùa với tinh thần đoàn kết trong họ hàng, trong thôn bởi nó thể hiện tính cộng đồng rất cao. Dù cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng không vì thế mà bà con quên đi những phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào mình, đặc biệt là ăn Tết mùa. "Tết mùa năm nay bà con rất vui vì đã được nâng lên thành lễ hội lớn của đồng bào Bhnoong - Giẻ Triêng cấp huyện. Cuộc sống của người dân khắp các thôn nóc đồng bào Bhnoong vùng cao Phước Sơn ngày càng ổn định và từng bước nâng cao. Lễ hội Tết mùa được duy trì và phát triển giúp cho thế hệ con cháu hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống để từ đó gìn giữ và phát huy trong tương lai" - già Điều nói.

Phát biểu khai mạc Lễ hội Tết mùa truyền thống người Bhnoong - Giẻ Triêng lần thứ I năm 2019, ông Hồ Văn Tân-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận và đánh giá cao ý tưởng, cách tổ chức lễ hội Tết mùa truyền thống Bhnoong-Giẻ Triêng của H. Phước Sơn, đồng thời cho rằng đây là một trong những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa vừa bảo tồn, khôi phục các nét đẹp truyền thống tộc người, vừa thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Phước Sơn. Đồng thời nhấn mạnh, thông qua lễ hội lần này cũng là dịp để Phước Sơn quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái, lịch sử đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn H. Phước Sơn ngày một đi lên theo đúng tinh thần Nghị quyết 05 về phát triển khu vực miền núi cao của tỉnh Quảng Nam.

Đồng bào Bhnoong chiếm trên 60% dân số của H. Phước Sơn, sống tập trung ở Phước Mỹ, Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Xuân... Người Bhnoong có nhiều phong tục tập quán độc đáo. Qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển của tộc người Bhnoong ở Phước Sơn, những nét đẹp truyền thống như ăn mùng năm, cúng lúa trăm, Tết lúa rẫy... đã và đang được lưu truyền trong cộng đồng làng. Song cũng đã có nhiều thay đổi phù hợp với tiến trình phát triển chung của các dân tộc anh em sống trên địa bàn huyện. Những năm qua cùng với ăn Tết rẫy, đồng bào Bhnoong ở Phước Sơn cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đón Tết Nguyên Đán cổ truyền dân tộc, góp phần làm cho tình đoàn kết Kinh - Thượng thêm phần thắt chặt hơn.             

THẠCH HÀ