Vững chí, bền gan ở tuyến đầu…

Thứ bảy, 15/08/2020 14:25

Những ngày qua, trên địa bàn Đà Nẵng thỉnh thoảng lại xuất hiện những cơn mưa bất chợt. Về mặt tích cực, cơn mưa đã phần nào làm dịu đi cái nắng nôi, oi bức, nhưng ngược lại, thời tiết thất thường như vậy cũng gây ra không ít khó khăn, đặc biệt rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm việc tại các chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ ra vào TP, các khu cách ly tại địa bàn dân cư… Nhưng vượt qua tất cả, các CBCS vẫn ngày ngày bám chốt, cần mẫn với công việc với mong muốn góp công sức vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh. 

Nữ Trung úy Trương Thảo Nguyên (đứng) hỗ trợ khai báo y tế cho các trường hợp di chuyển ra vào hầm Hải Vân.

Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp đến thăm tổ kiểm dịch tại tuyến đường dẫn lên đèo Hải Vân (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu). Khác với thời gian trước đó không lâu, là hình ảnh mồ hôi nhễ nhại, áo quần ướt sũng vì đứng giữa trời nắng nóng. Lần này áo quần cũng ướt, nhưng là bởi những cơn mưa bất chợt ập đến. Vừa cởi bỏ chiếc áo mưa đang còn sót lại những giọt nước bám vào, Thượng úy Võ Xuân Nguyên (1989, CAP Hòa Hiệp Bắc) cho biết, chỉ mới đây thôi trời còn trong xanh, thế mà lúc sau mây mù kéo đến, và chưa kịp định thần là cơn mưa xối xả. "Dù mưa không kéo dài nhưng cũng khiến cho quá trình làm nhiệm vụ tại đây gặp đôi chút khó khăn", Thượng úy Nguyên cười.

Đối với Thượng úy Nguyên, đã nhiều tuần nay anh cùng đồng đội và các lực lượng phối hợp bám trụ tại chốt, cũng vì thế mà anh chưa có dịp về thăm gia đình. Anh cho biết, kể từ ngày 25-7, khi Đà Nẵng công bố ca nhiễm dịch Covid-19, CBCS tại đơn vị cũng bắt đầu thực hiện nghiêm lệnh trực chiến 24/24. Ngoài làm nhiệm vụ tại các điểm chốt chặn kiểm dịch trên địa bàn, CBCS trong đơn vị, trong đó có anh còn phải tham gia lực lượng 8394 tuần tra, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Mặc dù nhà không xa lắm, lại rất nhớ ba, mẹ nhưng anh không thể về thăm. Bởi anh hiểu rằng, bản thân thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều người, trong đó có những trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh, chính vì vậy, anh ý thức được trách nhiệm của mình, hạn chế tiếp xúc với người khác, kể cả người thân. "Tôi biết ở thời điểm bây giờ, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Là một chiến sĩ CA, tôi nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tạm gác những tình cảm riêng tư sang một bên, mỗi chiến sĩ như chúng tôi tự hứa sẽ quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cơ quan giao phó, đến khi nào Đà Nẵng hết dịch, chúng tôi mới về", Thượng úy Nguyên bộc bạch.

Cũng như Thượng úy Nguyên, "bóng hồng" duy nhất tại chốt kiểm dịch trên đường dẫn vào hầm Hải Vân- Trung úy Trương Thảo Nguyên (1995, Đội CSGT Q. Liên Chiểu) đã nhiều ngày nay trực chiến nên cũng đành nén lại nỗi nhớ, mong muốn về thăm gia đình. So với các đồng nghiệp nam, một cán bộ nữ như Nguyên cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình làm nhiệm vụ. Tham gia chống dịch từ những ngày đầu dịch mới bùng phát, trải qua những ngày thời tiết nắng gắt hay mưa dầm nặng hạt, Thảo Nguyên vẫn căng mình chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi ca trực, Nguyên cần mẫn với công tác dừng các phương tiện di chuyển trên đường, trực tiếp kiểm tra bên trong từng chiếc xe tải lớn, nhỏ. Với Thảo Nguyên, thời tiết nắng gắt vẫn không khó khăn, vất vả bằng những lúc trời chuyển mưa, nhất là những cơn mưa bất chợt. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc tiếp xúc thường xuyên với nhiều người trong môi trường hơi đất và độ ẩm cao nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị phơi nhiễm.

 Thượng úy Lê Tuyết Nhung kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại khu vực cách ly y tế P. An Hải Đông.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, chúng tôi vẫn cảm nhận được ý thức, trách nhiệm của Nguyên cũng như những người cắm chốt tại đây. "Không chỉ riêng tôi mà tất cả anh em CBCS từ ngày đầu tham gia chống dịch đến nay ít nhiều đều chịu vất vả, nhưng trên hết, chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của lực lượng CA, ngày Đà Nẵng chiến thắng dịch bệnh sẽ không còn xa nữa", Trung úy Thảo Nguyên vui vẻ chia sẻ.

Là một trong số 40 CBCS các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP vừa tăng cường cho CAQ Sơn Trà, được phân công đảm nhận nhiệm vụ trực chốt cách ly y tế chợ An Hải Đông (P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà), Thượng úy Lê Tuyết Nhung, cán bộ Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị CATP Đà Nẵng đã nhanh chóng "nhập cuộc", hòa vào dòng chảy công việc cùng đồng đội. Vốn là phóng viên, biên tập viên Truyền hình An ninh Đà Nẵng, công việc quen với giấy tờ, bàn phím, máy quay…, nhưng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngay sau khi nhận được quyết định của Giám đốc CATP về tăng cường ở cơ sở, Nhung nhanh chóng thu xếp công việc tại đơn vị, chu toàn cho gia đình rồi lên đường.

Với Nhung, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, không ai có thể đứng ngoài cuộc. "Tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi CBCS CA phải chung tay để cùng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, cũng là đảm bảo sức khỏe cho chính người thân và gia đình của mình", Thượng úy Nhung nói và cho biết, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cô luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ CAND "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"...

Có thể khẳng định, với vai trò và trách nhiệm của mình, các CBCS CA từ thành phố đến cơ sở tại Đà Nẵng đã và đang quyết tâm bám chốt, bám địa bàn, bám dân… Họ chung tay cùng các lực lượng phối hợp tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ an toàn tại các chốt điểm, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra cộng đồng.

N.QUỐC - D.HÙNG

>>Chiến đấu với dịch bệnh đến cùng

>>"Chi viện" cho tuyến đầu chống dịch…

>>Đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể cho CBCS trực chốt