Vùng đất sinh ra 5 phi công chiến đấu

Thứ ba, 03/05/2016 09:58

(Cadn.com.vn) - Vùng cát Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam (Điện Nam nay tách làm 3 xã) của Tx Điện Bàn (Quảng Nam) có đến 5 sĩ quan lái máy bay tiêm kích và cường kích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mảnh đất của khoai và sắn ấy đã tôi luyện họ trở thành những phi công tài năng và quả cảm trên bầu trời miền Bắc.

Phi công Cù Duy Nhã (thứ hai phải sang) với đồng đội ở TP Hồ Chí Minh (2015). Ảnh: Hồng Vân

Người đầu tiên bắn hạ máy  bay Mỹ

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan ở thôn 6 Điện Nam (nay là Điện Nam Đông, Điện Bàn) được biết đến là phi công Việt Nam đầu tiên bắn hạ máy bay Mỹ. Vóc người không cao to nhưng ông vẫn được chọn vào đội hình lái máy bay. Nói về lý do được chọn, ông bảo: "Chắc người vùng cát mình chịu đựng gian khổ quen rồi, nên khi kiểm tra mọi thông số sức khỏe tớ đều vượt qua. Vả lại cấp trên còn xét lý lịch "3 đời củ chuối", rồi thành tích trong chiến đấu. Hồi đó chỉ mong được lái xe tăng là ghê gớm rồi nhưng không ngờ được lái máy bay".

Ngày 3-4-1965, đánh dấu sự kiện trong cuộc đời ông và của Không quân Việt Nam. Tại khu vực Hàm Rồng, Thanh Hóa, 10 giờ 9 phút, biên đội của ông gồm 2 tốp, tiến hành không chiến với các máy bay tiêm kích F-8E của Mỹ. Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay đối phương. Trên đường về, ông bắn bị thương một chiếc nữa. Ông còn nổi tiếng là người "giữ của" quyết không để mất mát tài sản quý giá của quân đội. Đó là lần do mải quần nhau với địch, chiếc máy bay MiG-17A đã gần hết nhiên liệu. Có lệnh nhảy dù, nhưng ông không chịu. Lần hạ cánh này được đánh giá là số ít trường hợp hạ cánh hy hữu trên thế giới. Sau này ông được cử đi học chỉ huy tại Học viện Không quân Gagarin. Về nước, ông tận tâm huấn luyện, truyền kinh nghiệm cho lớp phi công trẻ trưởng thành.

Mang giấy giới thiệu... đi hỏi vợ

Cùng thôn với Phạm Ngọc Lan, Thượng úy phi công Nguyễn Hữu Tào mồ côi mẹ khi mới lên 6 tuổi. Cha lấy vợ khác, Nguyễn Hữu Tào ở với ông ngoại. Ra Bắc, nhờ có sức khỏe, thông minh, ông được chọn đi học lái máy bay. Gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày ông hy sinh, vợ ông - bà Lê Thị Ngột (hiện ở tại 23-Lê Thánh Tông, Hà Nội) vẫn giữ nguyên vẹn kỷ niệm yêu thương về chồng. Năm 1959, khi đang học ở Trung Quốc, Nguyễn Hữu Tào được về nước nghỉ phép. Chàng học viên lên thăm người anh rể ở Phú Thọ và không quên mang theo giấy giới thiệu của cấp trên... cho phép lấy vợ. Tiêu chuẩn được ghi là lý lịch phải trong sạch, đoàn viên hay đảng viên càng tốt. Bà Ngột lúc này là giáo viên, thấy buồn cười cho cách tìm vợ đặc biệt này.

Nhưng khi nghe ông kể về tuổi thơ không may mắn của mình, về những người thân giờ lưu lạc chưa biết ở đâu, bà thấy đồng cảm và chấp thuận làm vợ ông. Ông vốn kiệm lời. Ngay cả thành tích ông bắn rơi chiếc F-4 của Mỹ, bà cũng chỉ nghe qua đồng đội của chồng. Ngày 6-11-1967, xảy ra trận không chiến quyết tử giữa biên đội MiG-17 Việt Nam với 28 máy bay F-105 và F-4 của Mỹ trên bầu trời Bắc Giang. Khi máy bay bị bắn rơi, ông cố lái chệch hướng về giữa hai quả núi, tránh cánh đồng có nhiều nông dân đang sản xuất. Một tháng sau, bà Ngột mới hay tin và chỉ biết hốt nắm đất nơi chồng hy sinh về thờ tự.

Một nghìn giờ trên bầu trời

Đại tá Hoàng Quốc Dũng (quê Điện Ngọc) là một trong 10 sinh viên được chọn từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đưa đi học lái máy bay MiG-21 ở Nga năm 1965. Chiến công bắn rơi máy bay F-4 của Mỹ vào ngày 16-4-1972 của ông là trận tiêm kích khá ngoạn mục. Hôm ấy, ông cùng đồng đội xuất phát từ sân bay Nội Bài vào Thanh Hóa với độ cao 6.000m thì phát hiện 2 chiếc F-4 từ biển bay vào, ngang qua bầu trời Thọ Xuân với độ cao 1.500m. Chỉ kịp nói với đồng đội: "Tôi chiếc bên phải, anh chiếc bên trái", rồi ông xoay máy bay, kéo gập ngược lại, cho hạ xuống độ cao bằng với máy bay địch. Giữ khoảng cách từ phía sau chừng 1.200m, ông chọn tầm ngắm và bắn. Chiếc máy bay F-4 của Mỹ trúng đạn, bốc cháy. Với hơn 1.000 giờ bay, Đại tá Hoàng Quốc Dũng là một trong những phi công chiến đấu có nhiều giờ bay nhất thời ấy.

Kinh nghiệm trong chiến đấu đã giúp ông giảng dạy sinh động trên cương vị Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viện Quốc phòng cho đến khi về hưu.

Ngang như  "Nhã cua"

Phi công, cựu chiến binh Cù Duy Nhã quê xã Điện Dương, hiện ở 574 đường 2-9, TP Đà Nẵng. Đi bộ đội rồi tập kết ra Bắc, không ngờ ông được chọn học lái máy bay chiến đấu ở Trung Quốc. Về nước tiếp tục được các thầy giáo Liên Xô hướng dẫn. Các thầy khen ông học nhanh, xử lý các tình huống chuẩn xác, thuần thục. Ông tham gia chiến dịch Nậm Thà (Lào) năm 1962 với nhiệm vụ tiếp tế lương thực, vũ khí qua chiến trường nước bạn và đưa thương binh về Việt Nam cứu chữa.

Suốt những năm chiến tranh, trong biên chế Trung đoàn 919, ông cùng đồng đội chở hàng hóa, vũ khí đến các biên giới với nước bạn để từ đó ô-tô vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Không trực tiếp hạ máy bay Mỹ trong thời kỳ chúng leo thang bắn phá miền Bắc, nhưng hạnh phúc của ông là góp phần bắn hạ pháo đài bay B52 của Mỹ. Lái máy bay vận tải quân sự, ông là người có thể bay được mọi thời tiết. Máy bay ông được trang bị đại liên hai bên sườn có thể chiến đấu khi gặp địch, đồng thời cải tiến trang bị vũ khí làm nhiệm vụ sẵn sàng cường kích (ném bom). Phi công Cù Duy Nhã là một trong những người tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất đầu tiên sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Được một số phi công Air Việt Nam thuộc chế độ Sài Gòn hướng dẫn, chỉ trong hai tuần, ông đã có thể bay chính và bay cứng nhất trong số các phi công lúc ấy. Sau này ông biên chế ở Cục Hàng không dân dụng thuộc Tổng cục Hàng không. Biệt danh "Nhã cua" để nói về tính ngang như cua của ông, thấy bất bằng là đấu tranh thẳng thắn dù có thể làm người khác "mất lòng". Điều này làm cho đời binh nghiệp của ông về cuối không ít lận đận.

"Cánh đại bàng" trong đêm

Cựu phi công tiêm kích Đặng Xây hiện ở tại tổ 24, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Có phải người Điện Nam hợp với bầu trời hay không mà lúc đó đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã được chọn đi lái máy bay. 3 năm miệt mài tiếp nhận tri thức ở nước Nga, Đặng Xây luôn là học viên xuất sắc, tốt nghiệp bằng đỏ. Khi còn là học viên, ông từng thử nghiệm bắn rơi máy bay không người lái ở trường bắn Acstrakhan.

Chiến công thầm lặng của Đặng Xây và những phi công bay đêm chỉ những ai trong ngành mới hiểu. Số phi công của đại đội 5 thuộc Trung đoàn 921 được huấn luyện bay đêm để tiêu diệt B52 thời ấy rất ít. Phải có thần kinh thép mới chịu được áp lực trong thời tiết phức tạp, liên tục thay đổi độ cao. Ông có những chuyến bay xuyên mây tài tình. Nhiều người vẫn còn nhắc chiến công của Đặng Xây đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm không có đèn chiếu. Chính nhờ thử nghiệm này đã giúp cho không quân tham gia 12 ngày đêm đánh B52 hoàn toàn chủ động.

Ông cho rằng, với máy bay M21 tầm hoạt động ngắn, tên lửa nhỏ, cự ly bắn gần, ra-đa chống nhiễu kém mà ta đã tìm cách tấn công B52 làm cho nó sợ lui về phía trong tạo điều kiện để phòng không tiêu diệt là thành công lớn nhất. Trong chiến dịch 12 ngày đêm bầu trời Hà Nội, Đặng Xây trực ở Thanh Hóa, án ngữ một vùng phía tây, từng làm máy bay địch "hụt hơi" khi cố tiêu diệt biên đội của ông mà không được. Nhớ về những ngày tháng lẫy lừng ấy, phi công Đặng Xây khẽ hát: "Miền Nam ơi, chắc tay lái trong tay, nhìn thẳng lũ cướp nước xông tới... Mẹ hiền ơi, Tổ quốc ơi, ta hiến dâng người cả trái tim này". Giọng ông thật ấm áp. 40 năm trở về với mặt đất mà ông vẫn nhớ từng lời bài hát "Biên đội ta xuất kích" của NSND Tường Vy khi một lần bà thăm biên đội của Phạm Ngọc Lan.

Các phi công chiến đấu quê Điện Bàn có dịp vẫn gặp nhau và luôn nhớ đến một thời kiêu hãnh trên những con chim sắt. Họ cũng không bao giờ quên vùng cát nghèo khó đã nâng cánh những người lính bay lên làm chủ bầu trời cao rộng và khiến kẻ thù khiếp sợ.

Hồng Vân