Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên phải vươn lên mạnh mẽ
Đây là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên (VKTTĐ MT-TN) diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 18-7. Thủ tướng tin, các địa phương trong vùng sẽ vươn lên mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 không thấp hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước, không để Trung ương, Chính phủ thất vọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Địa phương nào cần tiền, Chính phủ sẽ mang tới
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh 2 đầu đất nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh MT-TN cũng bị thiệt hại lớn về kinh tế. Xong khu vực có tiềm năng rất lớn, với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng tốt; lại nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh và có dải bờ biển đẹp, vì vậy sau khó khăn càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn, không để nền kinh tế tăng trưởng trì trệ. Các địa phương phải vực dậy các loại hình kinh tế, loại hình doanh nghiệp, không được để đứt gãy nền kinh tế.
Thủ tướng đặt câu hỏi: Chúng ta làm gì để đầu tư phát triển nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng. “Tôi dẫn chứng, tại TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa vừa qua tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư rất thành công, thu hút nhiều tỷ USD. Có biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho hay, các tỉnh MT-TN đã khó khăn, nhưng làm rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, vì vậy cần phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới. “Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương. Vì vậy các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém, từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của mỗi địa phương cũng như cả nước. Tôi lưu ý, địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động cứ thẳng thắn nói ra. Địa phương nào cần tiền để phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ mang tiền đến. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đầu tháng 8 tới đây phải trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn.
Thủ tướng nhắc nhở, không ai kêu nghèo kể khổ nữa, mà cần nhất hiện nay là các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các địa phương phải có một quyết tâm mới, ý chí mới, vì chỉ có ý chí mới có thể thành công. Thủ tướng mong các đại biểu, địa phương hiến kế, nhất là những chính sách đột phá, táo bạo có thể thực thi ngay, không để tình trạng kinh tế phát triển trì trệ. Riêng các Bộ, ngành, phải đưa ra các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho MT-TN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu các địa phương tham dự buổi làm việc. |
Đề xuất từ Đà Nẵng
Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, do dịch Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã chủ động các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; triển khai các công trình trọng điểm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các dự án phát triển kinh tế đêm. Tháng 6-2020, một số ngành, lĩnh vực đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khởi sắc, điển hình như: Doanh thu một số ngành dịch vụ tăng vượt trội, trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng 32,9%, doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 16,6%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 16,2%, dịch vụ tiêu dùng tăng 12,9%, bán lẻ hàng hóa tăng 9,4%... Trong khi đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6-2020 cũng tăng 14,3% so với tháng trước.
Nhằm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, đưa các công trình, dự án động lực, trọng tâm theo Nghị quyết số 43-NQ/TW vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Trung ương giai đoạn 2021-2025, như Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa, khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt và phát triển đô thị, nâng công suất Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, khơi thông sông Cổ Cò...
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành sớm tham mưu ban hành hướng dẫn việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, đồng thời, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW. Nói về việc Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các VKTTĐ, góp phần đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, trong đó giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT sớm nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
TP Đà Nẵng cũng cam kết với Thủ tướng Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, đồng thời phấn đấu đạt 100% giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Khuyến khích các địa phương dám nghĩ, dám làm
Với 102 kiến nghị các địa phương đưa ra tại buổi làm việc gồm nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách; công tác quy hoạch; các chương trình, dự án đầu tư; thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài..., Thủ tướng giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết từng nhóm kiến nghị của các địa phương, không để xảy ra chuyện “lời nói gió bay”.
Tại buổi làm việc, tất cả các địa phương khẳng định không địa phương nào muốn Chính phủ chuyển nguồn vốn sang địa phương khác, đồng thời cam kết đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân ít nhất 90% nguồn vốn đầu tư công, trong đó một số địa phương phấn đấu đến hết quý III-2020 tỷ lệ giải ngân 60-65%. Nêu rõ cam kết giải ngân 100% vốn ngân sách Nhà nước (khoảng 30.000 tỷ đồng) trong năm nay, lãnh đạo Bộ GTVT - một trong những bộ, ngành có số vốn cần giải ngân lớn nhất đề nghị các địa phương giúp đỡ khâu giải phóng mặt bằng để hoàn thành mục tiêu này. Cụ thể như tỉnh Thừa Thiên-Huế, giúp gỡ vướng mặt bằng đoạn Cam Lộ - La Sơn; TP Đà Nẵng hỗ trợ đoạn Hòa Liên – Túy Loan. Ngoài ra, các địa phương khác hỗ trợ khâu mặt bằng quốc lộ 19 nối Gia Lai – Bình Định, quốc lộ 24B nối Kon Tum với Quảng Ngãi, quốc lộ 25 nối Gia Lai với Phú Yên...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm của các địa phương trong VKTTĐ MT-TN đã cam kết đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể và đều thể hiện quyết tâm giải ngân 100% hoặc 90% trở lên trong năm 2020, cũng như giải ngân vốn ODA đạt ít nhất 80%. “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Chính phủ tin rằng lãnh đạo và người dân các địa phương trong VKTTĐ MT-TN sẽ vươn lên mạnh mẽ, không để Trung ương và Chính phủ thất vọng về sự tăng trưởng yếu kém. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng chương trình, lộ trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm để phục hồi tăng trưởng, không để tình trạng trì trệ tồn tại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích những cán bộ, những địa phương dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; mong vùng KTTĐ MT-TN vươn lên mạnh mẽ” - Thủ tướng mong muốn.
Thủ tướng giao nhiệm vụ: Mục tiêu năm 2020, khu vực MT-TN phải phấn đấu, không để mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn của cả nước. Làm được vậy, phải tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư thế giới. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung xử lý kiến nghị của địa phương, không được để tình trạng “đi thăm địa phương thì có, nhưng làm việc trực tiếp, xử lý tồn tại thì ít”. Với chính quyền địa phương, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và lo an sinh xã hội. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, hoặc triển khai chậm để điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách của VKTTĐ MT-TN; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới...
CÔNG HẠNH