Vững vàng nơi đầu sóng (Kỳ 1: Chiến thắng “nỗi cô đơn” và “viên đạn bọc đường”)

Thứ ba, 09/10/2018 17:00

Để con sóng biển bình yên vỗ bờ, tàu thuyền nối nhau đi về như niềm tin của đất liền dành cho biển cả, thực thi luật pháp trên biển, giữ từng tấc biển như một phần máu thịt Việt Nam, những con người ăn sóng nói gió sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng bản lĩnh sắt đá.

Tổ công tác BTL Vùng CSB 2 bắt quả tang tàu Pacific Ocean sang mạn dầu trái phép trên vùng biển Quảng Bình vào ngày 11-4-2018.

Bối cảnh mới, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống xuất hiện, nhất là buôn lậu,  gian lận thương mại trên biển hết sức phức tạp, tinh vi đang đặt ra những nhiệm vụ, thách thức, phức tạp cho lực lượng chức năng trên biển. Trong đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển (CSB) được xem là  những người luôn ở đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy trì thực thi luật pháp trên biển, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tĩnh thắng động,  ít địch nhiều

Tính đến nay, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng CSB 2 đang là đơn vị đấu tranh, khám phá vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển lớn nhất từ trước tới nay của lực lượng CSB cũng như các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Đó là sự kết tinh của nhiều bài học, nhiều vụ việc mà lực lượng đã đấu tranh trước đây, cũng là dấu mốc điển hình cho sự bản lĩnh, mưu trí, khôn khéo, kiên định để toàn lực lượng lấy đó làm minh chứng sinh động cho nhiệm vụ chính trị thường xuyên sau này. Theo Thượng tá Lê Phúc Tiến – Trưởng phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng CSB 2, số vụ buôn lậu vùng biển miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định không nhiều như khu vực phía Bắc và phía Nam, nhưng điều kiện tự nhiên như độ phức tạp của địa hình và thời tiết khắc nghiệt gây  khó khăn cho quá trình thi hành nhiệm vụ. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trong hơn 1 năm, đơn vị đã bắt giữ và xử lý 2 vụ buôn lậu liên quan đến tàu quốc tịch Singapore, thu 13,6 triệu lít dầu không có giấy tờ hợp pháp. “Tài sản bán đấu giá nộp ngân sách là 146 tỷ đồng. Đây là vụ việc lớn nhất, phức tạp nhất, điển hình về buôn lậu và gian lận thương mại do người nước ngoài vi phạm tại vùng biển Việt Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, BTL Vùng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba”, Thượng tá Tiến cho hay.

Theo Trung tá Hoàng Quốc Việt–Phó Trưởng phòng Trinh sát, BTL Vùng CSB 2, để có được chiến công mang đậm dấu ấn của CSB, toàn lực lượng phải ăn dầm nằm dề, ở trạng thái đấu trí căng thẳng cả trên biển lẫn trên bờ. “Lực lượng trinh sát vượt qua sóng gió, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, lương thực vơi cạn nhưng vẫn phải bám trụ hàng tháng trời. Ở trên bờ, Đảng ủy, BTL Vùng và các lực lượng liên quan luôn sẵn sàng cho mọi tình huống. Thành bại ở ngoài khơi mong manh hơn nhiều, thời cơ vàng cũng chỉ đến trong khoảnh khắc. Không những thế, các đối tượng buôn lậu quốc tế luôn có đủ thủ đoạn ngay cả khi bị bắt quả tang”, Trung tá Việt kể. Vụ buôn lậu gần 5 triệu lít dầu mới xảy ra vào tháng 4-2018 của tàu Pacific Ocean là thành quả 2 tháng trời bám trụ giữa biển để nắm bắt quy luật là vụ việc điển hình cho phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Trong vụ này, 4 trinh sát viên đeo bám liên tục trong 2 tháng với sự hỗ trợ của lực lượng vòng ngoài, sự chỉ đạo từ đất liền để bắt giữ 17 người trên tàu buôn lậu chở 5 triệu lít dầu khi đang ăn hàng ngay trên vùng biển Việt Nam, sát đường phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

22 năm đi biển thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Giang Nam–Thuyền trưởng, Hải đội 2 BĐBP Đà Nẵng là một trong những người có thâm niên trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu trên biển. Cho đến nay, chuyến đi biển kéo dài 2 tháng trời, bắt gần 40 tàu chở dầu dọc luồng biển miền Trung vào năm 2002 vẫn là một “mẻ lưới” lớn nhất của CBCS Hải đội 2. “Các tàu buôn lậu dầu cũng có cảnh giới giữa biển đồng thời bố trí một lực lượng khác “trinh sát” từ trên bờ. Không kiên trì bám trụ, không khéo léo vào những thời khắc quan trọng thì rất dễ “thối” án, công sức của tập thể cả tháng trời sẽ đổ biển nếu công tác tổ chức, phối hợp thiếu bài bản, thậm chí còn gây thiệt hại cho mình”, Thiếu tá Nam tâm sự. Thượng tá Nguyễn Văn Qua - Chính trị viên Hải đội 2 đánh giá, đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên biển thường là lấy tĩnh thắng động, dùng ít địch nhiều. Lực lượng làm nhiệm vụ nhiều lúc đối mặt với nguy hiểm do các đối tượng manh động, sẵn sàng chống trả để tháo chạy, phi tang chứng cứ, nếu không khôn khéo thì khó thành công. Có chuyên án, vừa phải cấp cứu cho chiến sĩ bị đối tượng gây thương tích, vừa khống chế, bắt quả tang hành vi nhưng lực lượng đã cùng lúc bắt 25 tàu buôn lậu với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngư dân trao đổi với BĐBP Hải đội 2 Đà Nẵng về những hành vi của tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền và có hành vi buôn lậu.

Bản lĩnh, tỉnh táo trước “viên đạn bọc đường”

Tháng 4-2018, “bộ tứ” gồm Đại úy Trần Xuân Hiệu, Thượng úy Lê Như Hùng, Thượng úy Trần Văn Đông và Thiếu úy Nguyễn Ngọc Tư, những người đã khuất phục kho dầu khổng lồ di động trên biển mang tên Pacific Ocean ngay khi vừa cập mạn đã được thuyền trưởng ra hiệu để “nói chuyện riêng”. Thượng úy Trần Văn Đông tâm sự: “Khi người ta có hành động đó thì mình càng có cơ sở để khẳng định họ làm ăn phi pháp. Khoác trên người bộ áo lính CSB, chúng tôi không chỉ là người thực thi pháp luật mà còn là hình ảnh của lực lượng, của đất nước. Không giữ được mình thì làm sao giữ được bình yên trên biển”. Và khi không thể lung lay ý chí của những người nơi thực địa, các chủ tàu tìm cách câu giờ để liên lạc với lực lượng “trinh sát” trên bờ để tìm cách tiếp cận cơ quan chỉ huy để “xin trình bày”. Trung tá Hoàng Quốc Việt tâm sự, chiến thắng được thời tiết trong điều kiện đơn tuyến trên biển đã khó, thắng được sự nôn nóng để chờ phát lệnh đánh án cũng khó, vượt qua được những tình huống nguy hiểm chực chờ trên những con tàu buôn lậu phi pháp trong điều kiện số ít thắng số đông cũng không đơn giản. Nhưng một bài học mà lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là chống buôn lậu, gian lận thương mại phải thuộc nằm lòng, đó là phải vượt qua sức cám dỗ của “viên đạn bọc đường”. Khi mọi thủ đoạn đã được sử dụng nhưng không thể chạy tội, các đối tượng buôn lậu sẽ dùng lợi ích vật chất để hòng mua chuộc lực lượng làm nhiệm vụ. “Một trong những yếu tố đảm bảo thành công mọi nhiệm vụ của BTL Vùng là phong trào “4 tốt, 4 không, 4 chống”. Trong đó, chống can thiệp, chống tiếp tay, chống bao che, chống làm ngơ là vũ khí chiến thắng trước mọi thủ đoạn mua chuộc của đối tượng-Trung tá Việt khẳng định.

 Nhắc đến thủ đoạn mua chuộc, CBCS Hải đội 2, BĐBP Đà Nẵng vẫn nhớ như in vụ án bắt giữ lô hàng điện tử của bộ đôi tàu vận tải có số hiệu của tỉnh Quảng Bình trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Theo lời kể của những người đã từng tham gia đánh án, sau khi chống trả quyết liệt nhưng bị khuất phục, chủ tàu buôn lậu đã “chơi bài ngửa” là dùng 200 triệu đồng để chạy án. Nhưng đối với những người lính đã bỏ lại phía sau những lo toan cá nhân để gắn cuộc sống mình với nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên biển, luôn có đủ bản lĩnh để không bị những cám dỗ vật chất làm sa ngã. “Ranh giới thành bại khi thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu trên biển là cực kỳ mong manh, không dành cho người thiếu bản lĩnh, sợ “nỗi cô đơn” trong hoàn cảnh tác chiến độc lập. Ngay cả khi nhiệm vụ sắp hoàn thành, chúng tôi còn phải vững vàng, kiên quyết trước nhiều tình huống mặt đối mặt, hiểm nguy cũng có mà cám dỗ cũng nhiều. Để chiến thắng mọi tác động bên ngoài, chúng tôi trước hết phải chiến thắng chính mình”, Thượng tá Nguyễn Văn Qua khẳng định.

Phóng sự: Công Khanh – Công Hạnh

Kỳ tới: Ra khơi trong giông bão