Vườn ươm doanh nghiệp: Hướng doanh nghiệp ra biển lớn
(Cadn.com.vn) - Việc phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng.
Do đó, Đà Nẵng đã và đang tích cực cho ra đời vườn ươm doanh nghiệp (VƯDN). Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Đà Nẵng (đơn vị chủ công trong việc xây dựng VƯDN).
TS Nguyễn Phú Thái |
P.V: Xin TS cho biết thực trạng khởi nghiệp của DN Đà Nẵng?
TS Nguyễn Phú Thái:
Khởi nghiệp đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, không chỉ từ các doanh nhân, sinh viên, người lao động... mà cả từ phía chính quyền các cấp.
Tại Đà Nẵng, những năm gần đây vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu nhận được sự quan tâm không chỉ của Chính quyền thành phố mà ngay từ các Hiệp hội DN, các tổ chức xã hội và bản thân các DN. Liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, hiện tại thành phố đã hình thành các trung tâm ươm tạo (Câu lạc bộ sáng tạo trẻ Đà Nẵng; Chương trình 100 hạt giống doanh nhân); các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (Câu lạc bộ nhà sáng tạo trẻ Đà Nẵng; Câu lạc bộ 9Start Lab; Quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh); các chương trình đào tạo tinh thần khởi nghiệp (Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng); và các dự án hỗ trợ khởi nghiệp (Không gian sáng tạo: Fablab Đà Nẵng; Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng: Câu lạc bộ 9Start Lab; Văn hóa khởi nghiệp: Agroup; các dự án xây dựng VƯDN...).
Mặc dù, các hoạt động khởi nghiệp, các tổ chức khởi nghiệp còn tương đối ít nhưng cũng đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực từ những hoạt động cụ thể đến ý thức của cộng đồng học sinh, sinh viên, người lao động, doanh nhân. Đà Nẵng cũng có những tiềm năng và những lợi thế nhất định để hình thành và phát triển thành một trong những cộng đồng khởi nghiệp sôi động nhất của cả nước.
P.V: TS có thể cho biết mục tiêu và mô hình tối ưu nào cho VƯDN Đà Nẵng?
TS Nguyễn Phú Thái: Nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp theo Đề án “Phát triển DN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung; tạo nền tảng để xây dựng thành phố sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó, DN được định hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng bền vững, nâng cao hỗ trợ năng lực cạnh tranh cho DN và đẩy mạnh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, nhanh chóng đưa các sáng kiến về công nghệ vào thực tiễn sản xuất, góp phần phát triển lĩnh vực công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Do đó, VƯDN giúp kết nối các DN khởi nghiệp với mạng lưới nguồn lực của quốc gia nhằm tăng cơ hội sống sót và tăng trưởng của các DN mới. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của giới trẻ thanh niên của thành phố, đặc biệt trong cộng đồng sinh viên, gắn nghiên cứu với thực tiễn và hỗ trợ thanh niên Đà Nẵng khởi nghiệp.
Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển vườn ươm khởi sự DN tại Đà Nẵng” ngày vừa được UBND thành phố tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất rằng không có mô hình tối ưu cho VƯDN Đà Nẵng, tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện và một số chuyên gia, quản lý VƯDN ở TPHCM cho rằng tại Đà Nẵng, trong thời điểm hiện tại chúng ta có thể chọn một trong hai phương án:
Thứ nhất: mô hình với hai giai đoạn với 2 hình thức pháp lý khác nhau: Giai đoạn 1: Trung tâm ươm tạo DN công nghệ Đà Nẵng - trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (giống như mô hình VƯDN thiết bị đóng gói thực phẩm ở Hà Nội); Giai đoạn 2: Công ty cổ phần ươm tạo DN công nghệ Đà Nẵng - với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong hoặc ngoài nước (theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn Nhà nước sau 3-5 năm hoạt động).
Thứ hai: tiến hành xã hội hóa VƯDN ngay từ đầu với đầu tư Nhà nước chiếm tỷ lệ cao (từ nguồn đầu tư của các Quỹ khởi nghiệp, hỗ trợ...).
Ngoài ra, mô hình này thực hiện liên kết rộng rãi với một mạng lưới các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực hoạt động liên quan để mở rộng nguồn lực giúp VƯDN hoạt động có hiệu quả hơn. Trước mắt, đối tác liên kết chính của VƯDN là các Trường Đại học Đà Nẵng.
P.V: Nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng phát triển theo định hướng dịch vụ du lịch, hơn nữa lĩnh vực này vừa ít vốn đầu tư, vừa dễ tốt nghiệp. Vậy tại sao chúng ta không ưu tiên chọn VƯDN trong lĩnh vực này?
T.S Nguyễn Phú Thái: Về lý thuyết và mong muốn thì thành phố có càng nhiều VƯDN, ươm tạo cho các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực càng tốt. Theo mô hình VƯDN do Viện đề xuất thì đối tượng khách hàng của VƯDN là tổ chức, cá nhân có ý tưởng công nghệ xuất sắc, và có nguyện vọng muốn thương mại hóa ý tưởng đó; có kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh, khả thi trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ nhất, có thể tận dụng nguồn lực to lớn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn thành phố từ VƯDN sẽ thực hiện liên kết rộng rãi với một mạng lưới các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực hoạt động công nghệ để mở rộng nguồn lực giúp VƯDN hoạt động có hiệu quả hơn. Thứ hai, mục tiêu ươm tạo là phải tạo ra các DN có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chủ lực và có khả năng xuất khẩu trong tương lai, DN tốt nghiệp tại vườn ươm được kỳ vọng phải đảm bảo một số tiêu chí như: Có khả năng huy động vốn điều lệ quy mô lớn; Sản phẩm công nghệ có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có tính phổ biến bên ngoài Đà Nẵng, định hướng xuất khẩu và khả năng phát triển bền vững.
Ngoài ra, chính quyền thành phố phải nhận những nhiệm vụ khó khăn về mình, các vườn ươm “vừa ít vốn đầu tư, vừa dễ tốt nghiệp” thì thành phố phải “nhường” cho các nhà đầu tư tư nhân, các tổ chức hiệp hội thực hiện để có thể cùng nhau hình thành và phát triển thành một trong những cộng đồng khởi nghiệp sôi động. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong trong tương lai thành phố không chỉ có 1 VƯDN này, mà còn nhiều vườn ươm khác như du lịch, dịch vụ, thương mại... Trước mắt, trong hoạt động của VƯDN xây dựng chắc chắn sẽ có các chức năng hỗ trợ khởi nghiệp cho tất cả các lĩnh vực khác, trong đó có du lịch, dịch vụ...
P.V: Xin chân thành cảm ơn TS.
Xuân Đương
(thực hiện)