Vướng mắc trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Đà Nẵng “gỡ khó” ra sao?

Thứ sáu, 14/11/2014 11:42

(Cadn.com.vn) - (Cadn.com.vn) - Gần đây, tại một số địa phương, tình trạng người nghiện ma túy (MT) “trôi nổi” ngoài cộng đồng đã gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo các cơ quan thực thi pháp luật, nổi lên là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan. Tại Đà Nẵng, những khó khăn, vướng mắc trên đã được địa phương “linh động” bằng nhiều cách làm hết sức hiệu quả, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ. Để rõ hơn về vấn đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Phòng CSĐTTPVMT CATP Đà Nẵng...

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa (giữa) nhận khen thưởng của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng
sau khi phá chuyên án ma túy lớn tại Đà Nẵng vào tháng 10-2014.

P.V: Tình hình người nghiện MT trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay như thế nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa: Gần đây, đặc biệt là năm 2014, tình hình tội phạm liên quan đến MT trong cả nước, trong đó có Đà Nẵng diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả về tính chất, quy mô, người nghiện... Đặc biệt, đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên gia tăng, phần nhiều sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH). Trước đây tại Đà Nẵng, mỗi năm cơ quan chức năng đưa vào trung tâm cai nghiện (TTCN) khoảng 600-700 đối tượng, nhưng từ khi Nghị định (NĐ) 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (gọi tắt là NĐ 221, có hiệu lực từ ngày 15-2-2014) thì rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là bế tắc. Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong cả nước hầu như chưa đưa đối tượng nào vào TTCN, nguyên nhân do NĐ 221 có hiệu lực nhưng chưa có thông tư, hướng dẫn thực hiện, khiến “vướng” rất nhiều khâu.

P.V: Cụ thể NĐ 221 “vướng” ở những điểm nào?

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa: Trước đây, khi phát hiện đối tượng nghiện, thử test dương tính với MT thì đưa ngay vào TTCN, hiện nay, theo NĐ 221, thời gian từ khi cơ quan CA lập hồ sơ đến khi đưa vào TTCN phải mất từ 30 đến 72 ngày, chưa kể một số trường hợp gặp trở ngại phải gửi hồ sơ ngược trở lại thì phải kéo dài hơn nữa. Trước đây, khi CA (hoặc BĐBP) thử test dương tính với MT thì đưa vào TTCN, nhưng NĐ 221 lại quy định giao cho ngành y tế thẩm định.

Trong khi đó, khi phía CA (hoặc BĐBP) đã thử test rồi, qua bên y tế cũng thử lại để xác định (tốn thêm que thử test với giá 750 ngàn đồng), lại mất thêm nhiều thời gian. Trong khi đó, quy định người thẩm định phải là y, bác sĩ ngoài chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thì còn phải có thêm chứng chỉ đã qua tập huấn về cai nghiện, tuy nhiên từ trước đến nay chưa có y, bác sĩ nào được tập huấn.

Đối tượng có hộ khẩu thì giao cho chủ tịch xã, phường ra quyết định đưa đi cai nghiện đã đành, giờ các đối tượng không có nơi cư trú ổn định cũng giao như thế thì khó khăn lắm. Nếu thực hiện theo NĐ 221, đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể tổ chức xã hội là tổ chức nào?, trong khi đó, cơ sở quản lý phải có bác sĩ, bảo vệ, phòng cách ly..., tốn kém rất nhiều kinh phí, và liệu các cơ sở như thế có đảm bảo an toàn, trong khi đối tượng nghiện thường rất manh động?...

Tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, nếu để người nghiện ngoài cộng đồng sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy, khó kiểm soát (trong ảnh: Phòng CSĐTTPVMT CATP bắt quả tang một vụ mua bán trái phép ma túy với số lượng lớn).

P.V: Vậy, theo Thượng tá, Đà Nẵng đã “gỡ khó” ra sao?

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa: Trước thực trạng đó, với quyết tâm bảo vệ thành phố bình yên, tạo môi trường sống an toàn, bên cạnh việc kiến nghị cơ quan trung ương sớm ban hành các thông tư hướng dẫn, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về công tác MT, Đà Nẵng đã bàn cách tháo gỡ khó khăn. Sau khi xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Đà Nẵng đã ra một quy chế về việc thực thi công tác cai nghiện sát, đúng với tình hình thực tế nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí, con người...

Theo đó, khi CA lập hồ sơ đề nghị cai nghiện, sẽ mời ngay cán bộ y tế cùng tham gia chứng kiến, thử test; khi có kết quả dương tính với MT, mời đối tượng, hoặc người thân đến đọc hồ sơ, rồi chuyển hồ sơ qua phòng Tư pháp quận/huyện, phòng này sẽ lập một hội đồng gồm CA, Y tế, Tư pháp, LĐ-TB&XH... cùng họp thẩm định. Khi có đầy đủ kết quả, chuyển hồ sơ qua Tòa án quận/huyện để xét xử, đưa ra mức xử phạt hành chính và thời gian cai nghiện. Sau đó, chủ tịch phường/xã nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú, và nơi phát hiện đối với đối tượng nghiện mà không có nơi cư trú ổn định sẽ ra quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Với cách làm này, thời gian từ khi lập hồ sơ đối tượng đến khi chuyển đến tòa án chỉ mất chưa đến 7 ngày. Khi hồ sơ đến tòa các quận huyện, đã có hệ thống thẩm phán đầy đủ, cơ quan này sẽ sớm đưa ra xét xử trong vòng vài ngày chứ không để ách tắc, kéo dài.

Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Y tế đồng loạt triển khai tập huấn, cấp chứng chỉ trong công tác cai nghiện cho tất cả y, bác sĩ cơ sở. CATP Đà Nẵng cũng mở lớp bồi dưỡng cho hơn 200 CBCS CAP phường, xã về những văn bản hành chính. Chủ tịch UBND TP cũng đã ra quyết định giao cho Đoàn Thanh niên phối hợp với Cựu Chiến binh lập Cơ sở quản lý đối tượng đang trong quá trình ra quyết định cai nghiện bắt buộc gần với TTCN tại thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, Hòa Vang) cho toàn thành phố nên rất thuận lợi trong việc di chuyển đối tượng khi có quyết định cai nghiện bắt buộc, và đỡ kinh phí xây dựng cơ sở tại các quận/huyện, vừa dễ quản lý đối tượng, sinh hoạt tập thể, mang tính cộng đồng, giáo dục cao. Tại đây có đầy đủ phòng ốc, chăm sóc y tế, bảo vệ và có chính quyền địa phương, CA sở tại hỗ trợ nên rất yên tâm...

P.V: Có dư luận cho rằng, Đà Nẵng đã “xé rào”, “vượt rào” NĐ 211, quan điểm của Thượng tá như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa: Tôi khẳng định Đà Nẵng không “vượt rào”, “xé rào” như một số báo đề cập, mà Đà Nẵng đã làm đúng luật, đúng quy trình nhưng với cách làm sáng tạo, linh động đã huy động được sức mạnh tập thể, tiết giảm thời gian, con người, kinh phí... Tuy vậy, là địa phương đầu tiên mở đường “khai thông những bế tắc”, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để có được ngày hôm nay là một quá trình, sự đồng thuận rất lớn từ các cấp, ngành liên quan cũng như quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố. Hiện một số địa phương trong nước cũng đang học hỏi, rút kinh nghiệm từ cách làm của Đà Nẵng.

P.V: Thực tế còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi liên quan đến các quy định tại NĐ 221, đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì?

Thượng tá Nguyễn Văn Hoa: Với đối tượng có nơi cư trú ổn định giao cho gia đình quản lý, trong thời gian các cơ quan chức năng lập hồ sơ, y tế xác định dương tính với MT, mời đối tượng và gia đình lên đọc lại hồ sơ và sau đó đến công đoạn tòa chuẩn bị xét xử, tuy nhiên khi tòa án đưa ra xét xử, đối tượng lại vắng mặt thì xử ai? Quy định này rất khó thực thi. Chưa kể, khi đối tượng cố tình bỏ trốn, CA và cơ quan chức năng lại mất công sức đi tìm, tốn thêm công sức, kinh phí, lực lượng... Nên chăng, điều này cần thực hiện như trường hợp đối tượng không có nơi cư trú ổn định, hiệu quả sẽ cao.

Một vướng mắc nữa khi thực hiện NĐ 221 chúng tôi thấy cần phải gỡ, đó là, đối với đối tượng không có nơi cư trú, khi ra quyết định bắt buộc cai nghiện nhưng lại giao cho chủ tịch phường/xã. Nên chăng, quyết định này giao cho trưởng phòng Cảnh sát MT hoặc trưởng CA quận/huyện thì hợp lý hơn vì vừa đúng chuyên môn, ngành CA lại có nhiều biện pháp để quản lý đối tượng nghiện. Còn giao cho chủ tịch xã/phường ký quyết định cũng chưa ổn vì địa phương không đủ phương tiện, con người để thực thi...

 P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Doãn Hùng
(thực hiện)