Vướng mắc trong xét xử các vụ án ma túy: Trọng thô hay tinh?
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, công tác quản lý, xử lý nhằm hạn chế người nghiện ma túy gặp nhiều khó khắn, bất cập. Đặc biệt, trong quá trình xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy vẫn còn nhiều trường hợp kết tội bị cáo chỉ thông qua kết quả xác định trọng lượng của các chất nghi là ma túy (tạm gọi là ma túy thô) mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy (ma túy tinh) trong các chất thu được.
Việc này, đã áp dụng sai quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên ngành, dẫn đến hậu quả có thể xét xử bị oan sai. Tại Công văn 234/TANDTC-HS ngày 17-9-2014 (CV234) của TAND Tối cao đã nhằm nhắc lại quy định Thông tư liên tịch số 17 (năm 2007): “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Công văn 234 nhắc lại và nêu rõ phải giám định hàm lượng trong tất cả trường hợp, tất cả các loại thu giữ nghi là ma túy”.
Thế nhưng, để thực hiện theo Thông tư 17, trong thực tế xét xử của tòa án các cấp cũng gặp không ít khó khăn, dù luật quy định rõ: TA sẽ tiến hành xét xử nếu cơ quan điều tra hoàn thành việc giám định hàm lượng, trong trường hợp khác tòa án sẽ trả hồ sơ để bổ sung. Qua thực hiện Thông tư 17 trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số vướng mắc, như: trường hợp thu giữ được nhiều bánh heroin nhưng cơ quan Công an chỉ giám định một bánh thì có được không? Trường hợp đối với án truy xét thì xác định hàm lượng như thế nào? Đối với các vụ án về ma túy trước đây không giám định hàm lượng nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị thì xử lý thế nào, có phải hủy án sơ thẩm không....
Lực lượng chức năng bắt giữ một đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng cho biết: “Cái khó khăn lớn nhất là hiện nay cả nước chỉ có một nơi có một số mẫu chuẩn để thực hiện việc giám định đó là Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an. Chính vì vậy rất mất thời gian, công sức, tiền của. Ra Hà Nội cũng phải chờ chứ không phải có kết quả liền bởi cả nước đều tập trung về đây. Mặt khác, phần lớn là những vụ ma túy bắt được tại Đà Nẵng với số lượng nhỏ, lẻ (tép) nên quá trình giám định cũng rất mất thời gian, có khi hết mẫu vật. Tuy nhiên, theo tôi một khi xác định được hàm lượng chất ma túy thì sẽ không có tình trạng án oan sai. Cụ thể, một đối tượng khi bị bắt với một trọng lượng khá lớn, tuy nhiên ở trong đó còn có rất nhiều tạp chất khác ngoài ma túy. Nếu không xác định rạch ròi, bị cáo đó có thể đối mặt với mức án nặng và ngược lại... Vì thế, việc xác định hàm lượng chất ma túy là cần thiết để định tội, định khung hình phạt một cách chính xác”.
Để nhắc nhở đối với hệ thống tòa án thực hiện đúng tinh thần CV234, trong Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của TAND TP Đà Nẵng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh: “Thông tư số 17 về việc bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo khi xét xử các vụ án ma túy là hoàn toàn cần thiết và khoa học. Công văn 234 của TAND Tối cao chỉ nhắc lại cần thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư 17, không có hướng dẫn gì thêm”. Để khắc phục những vướng mắc trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án về ma túy, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, TAND Tối cao sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ y tế và VKSND Tối cao nghiên cứu ban hành thông tư liên ngành cho phù hợp hơn.
Có thể nói, việc quy định giám định hàm lượng ma túy không phải là việc dễ thực hiện nhất là đối với lực lượng CA, tuy nhiên để TA ra một bản án không bị oan sai, xử tội phạm khách quan, chính xác thì khó đến mấy cũng đòi hỏi các cơ quan này phải làm. Bởi đây cũng chính là những vấn đề thiết yếu đặt ra, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo quyền con người.
Trang Trần