Vượt qua áp lực, tháo gỡ dần những vướng mắc để phát triển

Thứ sáu, 22/01/2021 09:47

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN- MT TP Đà Nẵng cho rằng với sự chia sẻ, động viên của lãnh đạo TP, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ ngành, cán bộ - công chức của Sở đã dần lấy lại sự tự tin, năng động, dám nghĩ, biết làm để chủ động tham mưu, thực thi nhiệm vụ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các sai phạm về đất đai trước đây, đặc biệt là Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn ông Hùng về vấn đề này.

Ông Tô Văn Hùng

P.V:  Khó khăn trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến kết luận sai phạm về đất đai trước đây của Đà Nẵng nằm ở chỗ nào thưa ông?

Ông Tô Văn Hùng: Kết luận 2852 chỉ rõ những sai phạm về đất đai của TP có từ năm 2012 nhưng về phía TP thì mãi đến năm 2016 mới triển khai thực hiện các nội dung, bắt tay giải quyết sau thời gian dài báo cáo giải trình. Phải nói thật là những sai phạm được nêu ra, bắt buộc phải từng bước xử lý đã để lại cho các sở ngành một hệ lụy rất lớn. Riêng Sở TN- MT thì mất rất nhiều thời gian cho việc này, là một trong những lý do ách tắc quá trình triển khai các dự án trên địa bàn TP. Ách tắc ở đây không phải là do cơ quan quản lý Nhà nước đặt ra mà do mình phải thực hiện kết luận đã được công bố. Song song với việc giải quyết các dự án, vấn đề liên quan thì phải rà soát các trường hợp tương tự để tháo gỡ, tránh mất thời gian sau này.

Tuy nhiên, xử lý câu chuyện này cũng là một quá trình lâu dài và hết sức nan giải. Và gần như đa số các nhà đầu tư liên quan lại không muốn làm theo hướng này. Ví dụ một khu đất trước đây tôi bán cho họ 10 đồng, qua rà soát thấy trước đây tính toán không đúng, từ nghĩa vụ tài chính cho đến mục đích sử dụng đất nên theo quy định phải yêu cầu họ nộp thêm 10 đồng nữa. Họ không muốn là đúng thôi! Thành ra xử lý dùng dà dùng dằng từ năm nay qua năm khác. Doanh nghiệp họ muốn được giao đất để triển khai dự án những cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa biết xử lý như thế nào. Muốn giải quyết thiệt nhanh để họ đầu tư nhanh nhưng cứ bắt tay vào là thấy vướng.

P.V:  Trong những năm qua, chính lãnh đạo TP cũng đề cập đến chuyện cán bộ không dám mạnh dạn, thiếu năng động trong việc tham mưu, thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Tô Văn Hùng: Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2019,  Sở TN- MT TP Đà Nẵng liên tục tiếp, làm việc với 13 đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra. Làm việc với nhiều cơ quan, nhiều nội dung như vậy thì không những chiếm phần lớn thời gian của công chức mà còn gây cho anh em một cảm giác tâm lý hết sức hoang mang, cả phần lo sợ.

Trong một thời gian dài, TP có cách làm góp phần tạo tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng để lại nhiều hệ lụy, vướng vào pháp lý, nó thể hiện ở những bản án như chúng ta đã thấy. Anh em tham mưu ít nhiều cũng có liên quan trong đó. Họ được mời lên để hỏi, phối hợp làm việc, một thời gian dài rất nặng nề, mất ăn mất ngủ, không còn tâm trí đâu mà giải quyết, tham mưu công việc. Thậm chí tới mức có người được bổ nhiệm lên vị trí trưởng phòng nhưng không dám nhận, ngay sau đó viết đơn xin nghỉ. Mình muốn tăng cường lực lượng từ các nơi khác về để cùng gánh vác thêm công việc nhưng họ không dám về. Là Giám đốc Sở, tôi cũng nói thẳng với anh em là hết sức chia sẻ, và mọi người phải thống nhất cùng chia sẻ rủi ro nếu có.

P.V:  Chia sẻ rủi ro thế nào, thưa ông?

Ông Tô Văn Hùng: Dĩ nhiên với những gì đã xảy ra thì không ai muốn nó sẽ tái diễn sau này, chúng ta đều muốn mọi vướng mắc được giải quyết nhanh để tạo tiền đề phát triển. Nhưng phải tính toán hết mọi khả năng xảy ra để nâng cao trách nhiệm từng cá nhân cũng như cả tập thể.

Thời gian qua tâm lý dè dặt, ngại tham mưu, sợ sai phần nào đã được giải quyết theo hướng rất tích cực. Điều này chính lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cũng ghi nhận và đánh giá cao. Ở góc độ là lãnh đạo của một đơn vị, đầu tiên mình phải hiểu và chia sẻ với cán bộ của mình. Bản thân lãnh đạo Sở phải vào cuộc để cùng nhau giảm những áp lực, rủi ro chứ không phải áp đặt cách ý nghĩ của mình rồi buộc anh em phải làm theo chỉ đạo. Ông Giám đốc không bao giờ có thể tự soạn ra một văn bản hay một báo cáo mà phải luôn luôn từ cơ quan tham mưu, ông chuyên viên đến lãnh đạo phòng, lãnh đạo chi cục. Giám đốc có quyết liệt đến mấy cũng không thể bắt anh em rằng ông phải làm theo ý của tôi. Vì anh em cũng còn có gia đình, còn bao nhiêu tương lai phía trước mình. Mình không thể nói ông làm đi tôi chịu trách nhiệm. Nói như thế cũng không ai tin. Cho nên cách làm của chúng tôi là trong Ban Giám đốc phải nhất quán quan điểm là tất cả những vấn đề mà anh em tham mưu đều có nguy cơ xảy ra rủi ro trong tương lai, và rủi ro đó phải được chia sẻ, ít nhất là trong nội bộ Sở. Trong những tờ trình tham mưu thì Giám đốc hay Phó Giám đốc cho phép chuyên viên nêu rõ quan điểm của mình. Vấn đề này theo tôi phải như thế này. Sau đó sẽ được đưa ra các cuộc họp, trao đổi, mổ xẻ dưới góc độ chuyên môn với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Mọi người đưa ra 2, 3 phương án và cuối cùng thống phất phương án phù hợp nhất với quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó phân tích, mổ xẻ, ra luôn biên bản và tất cả các thành viên có liên quan ký vào từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên. Hồ sơ mình lưu lại mang lại niềm tin cho anh em, mọi thứ công khai, minh bạch. Cách đó mang lại hiệu quả. Nhiều dự án đã được giải quyết, sắp tới nhiều dự án cũng sẽ được tháo gỡ bằng cách đó.

Đặc biệt quan trọng nhất trong câu chuyện này là chúng tôi đang rất tự tin ở sự chia sẻ của các cấp lãnh đạo. Trong tất cả những phát biểu của lãnh đạo đều rất đồng thuận, thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Quan trọng nữa là các tài liệu, thông tin được công khai, minh bạch chứ không phải như lâu nay chúng ta xem đó là tài liệu mật. Anh cứ ôm trong người mình anh biết, mình anh làm thì làm sao mà nhanh được. Các ngành cũng phải vào cuộc như Tài chính, Đâu tư, Xây dựng, Tư pháp.

Hiện nay về cơ bản là chúng tôi đã tổng rà soát tất cả những vướng mắc của các dự án trước đây, chia thành những nhóm vấn đề để giải quyết. Đây cũng là một kỳ công.  Vì mình cũng phải biết những dự án tương tự còn lại theo như yêu cầu của thanh tra Chính phủ là bao nhiêu dự án, rơi vào những tình huống nào, từ tình huống đó mình chủ động đề xuất một hai phương án, nêu ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Sở báo cáo lên Ủy ban, Ủy ban báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban Cán sự Đảng báo cáo Thường trực Thành ủy và Thường trực HĐND. Cái này phải rất khoa học, rất chặt chẽ chứ không rất rối. Mỗi nhóm lấy ra một dự án điển hình, khi thấy ổn thì các dự án khác sẽ được giải quyết tương tự.

Ngoài Kết luận 2852 còn có các kết luận thanh tra khác, và cả những bản án, lãnh đạo TP cũng đã thống nhất chủ trương cho thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý. Cùng với đó là cho Sở bổ sung thêm một Phó Giám đốc tập trung cho việc này. Hiện nay phần lớn các nhà đầu tư, doanh nghiệp bắt đầu hiểu và chia sẻ, đồng thuận, đã có những buổi nói chuyện, trao đổi đi đến thống nhất.

P.V:  Ông có thể nêu những ví dụ cụ thể về việc ngành TN-MT đã tham mưu TP, phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ dần các vướng mắc sau những thay đổi tích cực về tâm lý cũng hướng tiếp cận đối với trong Kết luận 2852?

Ông Tô Văn Hùng: Với sự thay đổi tích cực về tâm lý cán bộ, công chức, cùng với đó là sự phối hợp tạo điều kiện của các cơ quan T.Ư, Thành ủy, HĐND, UBND TP các tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai dần được giải quyết. Hiện tại đã tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thời hạn lâu dài. Một số dự án đã được giải quyết dứt điểm như vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành, Dự án khu đô thị sinh thái Nam Ô, dự án làng thể thao Tuyên Sơn, Mega asset. Hiện đang trong quá trình báo cáo đề xuất Bộ TN-MT tháo gỡ đối với dự án Dragon City và dự án Nam Việt Á, bước đầu tháo gỡ đối với các dự án Cocobay, Hà Nội Non Nước, The Namkhang, Nam Phát, Solie Ánh Dương, Sao Đỏ, AnphaNan, Centracoast…

Theo kết quả khảo sát của VCCI thì thời gian gần đây chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Đà Nẵng là một trong những chỉ số có nhiều tiến bộ so với các chỉ số khác.

Song song với công việc khó khăn nay, năm 2020 chúng tôi dù có dịch hay không dịch cũng có 30.000 văn bản phải xử lý. Sở Nội vụ thống kê rằng thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban thì Sở TN-MT bình quân là 1.800 nhiệm vụ văn bản trên/ cán bộ/ năm. Trong khi đó Sở đứng thứ hai khoảng trên 900 nhiệm vụ thôi, Sở ít nhất chỉ có hơn 50 công việc.

Nói điều này để thấy công việc hiện tại của ngành TN-MT là rất nhiều. Chính doanh nghiệp gặp khó giờ họ cũng đã hiểu và hợp tác tốt hơn. Chúng tôi cũng mong được hiểu và chia sẻ để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

P.V:  Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Công Khanh (thực hiện)