Vượt suối dữ, băng rừng tìm học sinh

Thứ năm, 05/09/2019 10:40

Cơn mưa rừng nặng hạt khiến dòng suối trở nên hung dữ, thế nhưng biết những đứa trẻ đang ở trong căn nhà đầm sâu trong bìa rừng, những giáo viên lại khoác áo mưa lên đường. Chuyện băng rừng "bắt" học trò không còn là chuyện lạ nơi đây khi việc học của các em vẫn còn nhiều trắc trở. Và niềm mong ước đến lớp đến trường đã được những thầy, cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa này tiếp sức. Những ước mơ biết đến con chữ, thay đổi cuộc sống đang dần được viết nên những câu chuyện đẹp nơi đây.

Thầy Nguyễn Việt Quốc cùng các giáo viên tìm được 6 nam sinh tại nhà đầm.

Băng rừng, vượt suối

"Tin báo" về việc một nhóm nam sinh đang ở trên nhà đầm (nhà rẫy) sâu trong bìa rừng, những thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Krong (H. Kbang, Gia Lai) lại nai nịt chuẩn bị lên đường. Có những đêm cả đi cả về hơn 40km băng rừng, lội suối, đánh vật với những con đường lầy trơn trượt. Suốt 1 tuần này, đêm nào những thầy giáo của trường cũng phải đi tìm học sinh của mình. Bởi sau 3 tháng nghỉ hè, những đứa trẻ vẫn mải mê vui chơi và cả những đứa trẻ đã phải lên nương, lên rẫy phụ bố mẹ. Ở tuổi cấp II này, các em đã trở thành những lao động trong gia đình. Thế nên, nhiều phụ huynh không muốn con em đến lớp, đến trường bởi thiếu đi một công lao động. Cùng với đó, những em bắt đầu vào lớp 6 vẫn còn bỡ ngỡ với môi trường mới, sự tự ti vẫn chưa vơi đi trong các em. Thế nên, ngoài công việc tìm các em về trường, những giáo viên nơi đây phải làm thêm công tác vận động tư tưởng cho học sinh lẫn phụ huynh.

Gần nửa đêm, mưa càng lúc càng nặng hạt, thầy Nguyễn Việt Quốc - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Krong dặn dò tôi chuẩn bị áo mưa cẩn thận để lên đường. Cùng với những thầy giáo khác, chiếc xe máy chở chúng tôi ngược vào làng Tung, làng Gút. "Anh em đi xe máy được một đoạn thôi, chút nữa anh chịu khó đi bộ, lội suối đấy! Cả 10 đêm liên tiếp, giáo viên trong trường phải đi tìm các em thế này. Gần năm học rồi nhưng các em vẫn còn lười đến trường lắm!", tiếng thầy Quốc át tiếng mưa, gió lạnh đang rít lên. Chiếc áo mưa cũng mất tác dụng dưới trời mưa, gió vần vũ, người tôi bắt đầu lạnh vì đêm giữa núi rừng. Đến bên con dốc trơn trượt, chúng tôi đành bỏ xe máy lại bắt đầu băng qua những đoạn đường rừng để đến căn nhà đầm đang có những nam sinh chưa chịu đến trường.

Con suối vắt ngang qua rừng mùa này nước cuồn cuộn vì mưa lớn. Bấm từng ngón chân trên đá trơn trượt, chúng tôi bám vào nhau vượt suối. Dù chỉ cao ngang thắt lưng nhưng nước chảy xiết khiến nhiều lần tôi chực ngã. Chỉ khoảng 10m nhưng gần 15 phút sau chúng tôi mới vượt qua con suối hung dữ. Tiếp tục băng qua 3km đường mòn trong rừng, những giáo viên cũng đến khu vực nhà đầm. Ghé bên tai tôi, thầy giáo Đinh Hải thì thầm: "Im lặng thôi anh nhé! Nghe tiếng thầy cái là các em chạy trốn, không chịu về trường đâu!"... Trong căn nhà đầm, 6 nam sinh ôm nhau ngủ say sưa mặc từng cơn gió lạnh thốc vào. Lay nhẹ, những cậu học trò mở mắt, thấy giáo viên, cả 6 cười bẽn lẽn khi vẫn chưa chịu về trường. Biết đã đến lúc phải đến lớp, cả 6 cu cậu đứng dậy vui vẻ đến lớp. Hỏi ra mới biết, dù đã phải đến lúc đi học nhưng bố, mẹ vẫn muốn giữ các em ở nhà để phụ giúp công việc nương rẫy.

Khoác cho những học sinh chiếc áo mưa đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi ngược lại con đường cũ. Thế nhưng, dòng nước qua con suối lại chảy xiết hơn khi nước thượng nguồn đổ về ngày càng nhiều. Để đảm bảo an toàn, phương án nhanh chóng được đưa ra, một giáo viên cõng 1 em học sinh cùng một giáo viên khác đi cùng để dò đường và trợ giúp. Cứ thế, những giáo viên lần lượt đưa các em học sinh qua bờ an toàn. Trở về trường đã quá nửa đêm, những học sinh được thay quần áo mới và lót dạ bằng tô mỳ tôm nóng hổi mà các thầy pha cho. Nhìn lũ trẻ vui vẻ, cười đùa ấm áp mới biết niềm vui được đến lớp, đến trường của các em như thế nào.

Thay đổi nhận thức, viết tiếp những ước mơ

Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Việt Quốc cho biết, dù mô hình bán trú nhưng với địa hình rộng và khó khăn, nên nhà trường tổ chức như nội trú. Bởi có như thế, các em ở các làng mới yên tâm ở lại học hành. Dù thầy, cô giáo phải vất vả thêm nhiều khi lo từng giấc ngủ, bữa ăn đến việc chăm sóc bản thân cho các em. Những em lớp 6 vẫn còn bỡ ngỡ với môi trường mới, giáo viên trở thành người cha, người mẹ động viên cho các em yên tâm học hành, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ làng của các em. "Với địa bàn là xã vùng sâu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn khiến việc học của các em còn nhiều trắc trở. Trong tổng số học sinh của nhà trường thì đến 92% là con em người Ba Na, đây cũng là những em có hoàn cảnh khó khăn và việc học cũng ít được phụ huynh chú trọng. Thế nên, từ đầu năm học, ngoài việc tìm các em thì nhà trường còn vận động nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh để đưa con em tới trường", thầy Quốc cho biết thêm.

Điều vui mừng nhất mà chúng tôi nhận thấy là sự dạn dĩ của các em, trò chuyện với người lạ mà không còn chút ngại ngùng. Còn nhớ nhiều năm về trước, dù có hỏi gì thì các em cũng chỉ im lặng hoặc cười rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. "Không chỉ được học, nhà trường còn hướng dẫn cho các em từ việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn, chốn ở cùng nhiều kỹ năng sống khác nhằm giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống. Khi đó, các em mới mạnh dạn để tiếp xúc, để nói lên những tâm tư của mình và điều quan trọng là các em đủ tự tin để thực hiện những ước mơ của mình", thầy Quốc chia sẻ.

Ngồi trò chuyện với tôi, em Đinh Thị Chăng (học sinh lớp 9) đã tự tin hơn hẳn. "Em học ở đây vui lắm, được đọc nhiều sách, được biết thêm nhiều kỹ năng sống. Em sẽ cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống và được ra ngoài huyện học như chị của em", Chăng nói về ước nguyện của mình khi mong muốn sẽ trở thành học sinh cấp III trường dân tộc nội trú của tỉnh Gia Lai.

Là xã căn cứ của tỉnh Gia Lai trong 2 cuộc kháng chiến, nhưng đến nay Krong vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Trong suốt nhiều năm, cả xã không có học sinh theo học đến bậc Trung học phổ thông. Trong năm học mới này, Krong có 15 em theo học THPT tại Trường Dân tộc Nội trú, 4 em theo học trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật của tỉnh Gia Lai. Đó cũng là sự kiện "hot" của ngành giáo dục H. Kbang khi một xã vùng đặc biệt khó khăn lại có kết quả cao như vậy. Và với những thầy cô giáo nơi đây, đó là những quả ngọt sau nhiều năm miệt mài bám trường gieo chữ tại vùng đất đại ngàn này.

MINH TÂN