WHO lên tiếng trấn an về biến thể Omicron

Thứ sáu, 03/12/2021 14:20

Biến thể Omicron gây bệnh từ nhẹ đến nặng nhưng chủ yếu bị nhẹ và vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Những ca nhiễm Omicron đầu tiên được công bố ở Nam Phi. Ảnh: Getty

Các ca nhiễm Omicron triệu chứng nhẹ, vaccine vẫn hiệu quả

Sky News ngày 1-12 dẫn nguồn tin WHO khẳng định, những dữ liệu ban đầu cho thấy phần lớn ca nhiễm liên quan đến biến thể Omicron là những ca nhiễm nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng. WHO còn cho biết không có bằng chứng cho thấy mức độ hiệu quả của vaccine suy giảm trước Omicron. Dù vậy, một vài đột biến của Omicron cho thấy biến thể này tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm nhanh hơn. WHO khẳng định, hơn 40 đột biến đã được phát hiện trong biến thể Omicron và ở thời điểm hiện tại, giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ về biến thể này.

WHO cũng đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định quốc tế nhằm ngăn chặn những đại dịch trong tương lai. Bất bình đẳng vaccine đến giờ vẫn là một trong những vấn đề gây lo ngại nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới. Chuyên gia dịch tễ người Anh Neil Ferguson nói rằng mức độ nguy hiểm của Omicron có thể được xác định vào cuối tháng này. "Chúng ta thấy rằng biến thể Alpha nguy hiểm hơn so với biến thể trước đó. Biến thể Delta lại nguy hiểm hơn biến thể Alpha. Do đó, xu hướng mà chúng ta được thấy là biến thể sau nguy hiểm hơn biến thể trước" - ông Ferguson giải thích.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của WHO khẳng định đây vẫn là "những ngày đầu" để đánh giá xem liệu chủng virus mới - hiện đã có mặt ở 23 quốc gia trên toàn thế giới - có khả năng lây lan cao hơn, gây ra bệnh nặng hơn hay làm cho vaccine kém hiệu quả hơn hay không. "Các nhà khoa học sẽ công bố thông tin sơ bộ về cách thức biến thể Omicron lây lan trong vài ngày tới" - Tiến sĩ Van Kerkhove phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 1-12 từ Geneva. Nhà khoa học trưởng của WHO, tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết: "Chúng tôi biết vaccine có tác dụng bảo vệ, nhưng vẫn cần tìm hiểu xem liệu biến thể Omicron có kháng vaccine ở một mức độ nào đó hay không. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng dù thế nào vaccine vẫn sẽ bảo vệ chống lại mắc bệnh nặng, giống như tác dụng của chúng đối với các biến thể khác".

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Nhóm cố vấn về các mối đe dọa liên quan đến virus đường hô hấp mới và mới nổi (NERVTAG) của chính phủ Anh cảnh báo Omicron có thể gây ra làn sóng lây nhiễm tồi tệ hơn so với trước đây. Dù vậy, theo Daily Mail, đánh giá của WHO là một tín hiệu cho thấy tác động của Omicron có thể không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu.

Nhật điều chỉnh lệnh cấm nhập cảnh vì biến thể Omicron

Ngày 2-12, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết cơ quan chức năng đã rút lại yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng nhận đặt chỗ cho tất cả các chuyến bay được lên lịch trình trong tháng này, đồng thời nhấn mạnh các hãng phải đáp ứng nhu cầu đặt vé máy bay về nước của công dân Nhật Bản.

Trước đó, ngày 1-12, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã đột ngột yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm dừng nhận đặt chỗ trên các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản cho đến cuối tháng 12 do lo ngại biến thể Omicron của virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19. Ông Matsuno cho biết quyết định này có thể khiến nhiều khách hàng hoang mang. Vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã yêu cầu bộ trên xem xét lại quyết định và phải lưu tâm đến việc hồi hương công dân Nhật Bản.

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù Omicron bắt đầu lây lan nhanh, nhưng phần lớn ca bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ và hiện tại các phòng thí nghiệm ở Mỹ đã có thể phát hiện Omicron qua xét nghiệm PCR.

Botswana ngày 1-12 cho biết 85% ca nhiễm liên quan đến Omicron tại quốc gia này đến giờ là những ca không biểu hiện triệu chứng. Trong khi đó, các bác sĩ Nam Phi khẳng định bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đang biểu hiện các triệu chứng nhẹ hơn so với những biến thể trước đây, như Delta. Tuần trước, số ca nhập viện cũng đã tăng ở tỉnh Gauteng - Nam Phi, nơi Omicron đang lây lan nhanh chóng, song cần lưu ý rằng tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ tại đây chỉ mới đạt 25%. Viện quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) ngày 1-12 cho biết, dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron chỉ né một phần miễn dịch và ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu quả của vaccine COVID-19. "Dữ liệu về các đột biến và bức tranh dịch tễ ban đầu cho thấy, Omicron có thể né một số miễn dịch của con người (khiến con người nhiễm bệnh), nhưng mức độ bảo vệ của vaccine nhằm hạn chế nguy cơ bệnh nặng và tử vong không bị ảnh hưởng nhiều", báo cáo của NICD cho hay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Omicron có thể né một phần miễn dịch ở người đã tiêm chủng và những người từng mắc Covid-19 dẫn đến các ca nhiễm đột phá, nhưng vấn đề quan trọng là họ đã có miễn dịch để tránh nguy cơ bệnh nặng và tử vong kể cả khi xuất hiện biến chủng mới.

Vấn đề ở đây chỉ là không phải nơi nào trên thế giới cũng có độ phủ vaccine đủ để ngăn chặn làn sóng COVID-19.

KHẢ ANH