Xã biến dự án trồng rừng thành... "vườn nhà"
(Cadn.com.vn) - Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (DATRPHVC) của tỉnh TT-Huế được thực hiện theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó xã Phong Hiền (H. Phong Điền, TT-Huế) là một địa phương được chọn triển khai dự án (DA) từ năm 2000- 2006 với tổng nguồn vốn hơn 2,3 tỷ đồng. Mục tiêu của DA là phủ xanh đất trống đồi trọc, chắn gió, chắn cát và quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân vùng DA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DA, hàng loạt cán bộ chủ chốt của xã Phong Hiền đã lợi dụng quyền hạn ký khống; cấp đất rừng cho người thân gây thất thoát tiền của của Nhà nước.
Nhiều cánh RPHVC của xã Phong Hiền trở thành "vườn nhà" của một số cán bộ chủ chốt xã Phong Hiền trước đây. |
Chỉ đạo ký khống
Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân về khuất tất trong quá trình thực hiện DATRPHVC, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy TT-Huế đã vào cuộc xác minh. Theo tố cáo của người dân, tình trạng RPHVC liên tiếp cháy tại xã Phong Hiền với diện tích gần 100ha là do sự phá hoại của một số đối tượng. Ngoài ra, có 35 ha rừng phòng hộ bị khai thác trái phép. Theo UBKT, thời điểm triển khai dự án, ông Trần Văn Vĩnh, nguyên Chủ tịch UBND xã (hiện là cán bộ Hội Nông dân H. Phong Điền) lợi dụng quyền, giao cán bộ địa chính dẫn cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh tiến hành đo đạc lập thiết kế dự án. Sau đó, BQLDA hợp đồng với ông Hoàng Bằng (Giám đốc Cty CP 1-5) triển khai trồng rừng. Để hoàn thành hồ sơ và các thủ tục thanh quyết toán thực hiện DA, ông Vĩnh đã chỉ đạo một số cán bộ xã và Cty CP 1-5 tự ý lập khống danh sách các hộ, cá nhân tham gia dự án, gồm cả nhận khoán trồng và chăm sóc bảo vệ. Có 41 trường hợp ghi khống tên hoặc không đúng đối tượng được cấp với diện tích hơn 221ha. Trong đó, có 24 trường hợp là cán bộ xã; số còn lại là cán bộ huyện và một số đối tượng trong dự án và ngoài dự án; có người đến từ địa bàn khác...
Điều đáng nói, chỉ có một người, nhưng trong danh sách cố tình ghi họ tên, chữ lót, năm sinh, địa chỉ khác nhau để thành nhiều người. Có trường hợp một hộ nhưng tách ra nhiều khẩu; nhiều cá nhân có tên trong danh sách trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nhiều năm liên tục. Ví như chỉ với cái tên Trịnh Hữu Phước (cán bộ xã), nhưng được nhân bản thành 4 hộ, hay hộ ông Hoàng Bằng được "nhân bản" thành nhiều tên để được nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng vùng cát xã Phong Hiền. Cùng với Hoàng Bằng, vợ của ông là Phạm Thị Chi, em ruột là Hoàng Nho cũng được "hưởng lợi" từ dự án này...
Theo UBKT Tỉnh ủy, việc triển khai DA đã không thực hiện đầy đủ mục tiêu, nguyên tắc và quy trình, thủ tục của DA như: không công khai, minh bạch về chủ trương trồng rừng của UBND tỉnh; trong lúc thực hiện không đưa ra bàn bạc trước chính quyền nhân dân, để nhiều cán bộ và người ngoài địa bàn tham gia DA (theo quy định là ưu tiên cho người trong vùng DA); tự ý lập hồ sơ để thanh quyết toán với BQLDA của tỉnh (một người ghi thành nhiều người, nhiều địa chỉ khác nhau để hợp đồng nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng.
Thông báo kết luận UBKT Tỉnh ủy TT-Huế về những sai phạm của xã Phong Hiền trong việc thực hiện DATRPHVC. |
Cấp rừng dự án cho vợ, con
Quá trình kiểm tra của UBKT Tỉnh ủy TT-Huế cho thấy, không chỉ ông Vĩnh sai phạm nghiêm trọng mà một số cán bộ chủ chốt của UBND xã Phong Hiền làm sai nguyên tắc, trình tự thủ tục trong tổ chức thực hiện DATRPHVC tại địa phương như các ông: Trương Bình Phương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã); Trịnh Hữu Phước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã (nay là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã) và Hoàng Văn Thủy, nguyên cán bộ địa chính xã (nay Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã).
Kết luận ngày 15-10-2014 của UBKT Tỉnh ủy cho biết, ông Hoàng Văn Thủy đã thực hiện sai quy trình thủ tục của DA trên địa bàn xã. Trong đó, ông Thủy đã bàn bạc, lập khống hồ sơ nhận khoán trồng và chăm sóc bảo vệ RPHVC để thanh, quyết toán với BQLDA tỉnh sai quy định. Ông Thủy còn "phù phép" ghi tên vợ là Phan Thị Lanh, con trai Hoàng Ngọc Thành trong hồ sơ nhận khoán trồng 42,5 ha và chăm sóc bảo vệ 26,7 ha rừng. Trung bình, mỗi héc-ta được DA chi trả hơn 2,9 triệu đồng.
Tương tự, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trương Bình Phương đã "hô biến" hơn 20 ha đất của DATRPHVC để cấp cho vợ là Hồ Thị Mộng Điệp. Ngoài ra, trong danh sách còn tên "khống" Hồ Thị Điệp, đây là tên "rút gọn" của vợ ông Phương ghi thêm vào để trục lợi từ DA. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch UBND xã Trần Văn Vĩnh cũng đã đưa tên vợ Nguyễn Thị Loan nhận khoán trồng hơn 20 ha nhằm "moi" tiền của DA.
Ngoài việc quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với các cán bộ sai phạm, Tỉnh ủy TT-Huế chỉ đạo UBND H. Phong Điền rà soát, thu hồi diện tích giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ không đúng quy định hoặc chưa giao khoán để có phương án chuyển giao cho người dân có nhu cầu. Ông Trương Diên Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, huyện đang tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích 710ha của DA (trong đó có diện tích cấp đúng và diện tích cấp sai), sau đó bàn giao cho xã để lên phương án, thông báo công khai rộng rãi cho những hộ dân trên địa bàn xã có nhu cầu nhận khoán theo đúng quy định.
H.Lan