Xã Hòa Bắc rất cần những điểm bán xăng dầu theo giá nhà nước quản lý

Thứ ba, 05/03/2024 12:21
Còn nhớ cách đây gần một năm, ngày 5-4-2023, khi về làm việc với Đảng bộ và chính quyền xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên  Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã  nêu một vấn đề mà ít ai để ý tới: Hòa Bắc là địa bàn chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội, trải dài hàng chục km, hàng nghìn dân cư, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có điểm bán xăng dầu công cộng.
Du khách lên với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc phải chịu chi phí đẩy lên cao vì giá xăng lên tới hơn 30 nghìn đồng 1 lít.
Du khách lên với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc phải chịu chi phí đẩy lên cao vì giá xăng lên tới hơn 30 nghìn đồng 1 lít.

Bí thư Thành ủy đề nghị các ngành chức năng, chính quyền lưu tâm, để phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của Hòa Bắc. Đến nay, đã gần một năm trôi qua, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, trong năm 2023, UBND xã đã liên hệ với nhiều doanh nghiệp để có thể mở các điểm bán xăng dầu trên địa bàn xã, nhưng các doanh nghiệp đều từ chối hoặc không có câu trả lời rõ ràng vì nhiều lý do, liên quan đến địa điểm mở nơi bán xăng dầu, hoặc kinh doanh có lời lãi hay không. Địa phương cũng tính tới việc, vậy chính địa phương tự mở các điểm bán xăng dầu, nhưng như vậy có đúng với nguyên tắc quản lý tài chính theo quy định của nhà nước hay không, nguồn kinh phí nào để làm việc đó?

Xã Hòa Bắc được thành lập năm 1981, tổng diện tích là hơn 243,34 km2, dân số hơn 4.300 người, là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hòa Vang, cách trung tâm huyện hơn 24 km và cách trung tâm TP Đà Nẵng hơn 20 km. Vị trí địa lý tạo cho xã có nhiều điều kiện khó khăn cũng như thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, dân cư, tiếp thu những khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Là một xã có khả năng phát triển về chăn nuôi, nếu chủ động nguồn nước tưới thì trong tương lai gần sẽ là một vành đai rau xanh, sạch cung cấp cho thành phố. Địa hình và môi trường của xã là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái với nhiều sông suối tự nhiên, ghềnh thác đẹp ở 2 nhánh Sông Nam và Sông Bắc thuộc đầu nguồn sông Cu Đê. Những năm qua, xã đã bước đầu xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại các thôn đồng bào Cơ Tu tại Tà Lang, Giàn Bí và nhiều địa điểm trên địa bàn xã…

Toàn xã có 7 thôn bố trí dọc ven sông Cu Đê và có 2 thôn người đồng bào dân tộc người Cơ Tu đang sinh sống, giáp ranh với huyện Đông Giang, Quảng Nam và Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Trên địa bàn xã, có tuyến cao tốc nối từ Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng đến La Sơn, Thừa Thiên - Huế. Tuyến đường ĐT601 nối từ Hòa Sơn, Hòa Vang đến các địa phương huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế. Là địa bàn rất chiến lược, không những thế, Hòa Bắc lại là khu vực vành đai bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn như Bà Nà, vùng giáp ranh khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã… Nói tóm lại, Hòa Bắc có vị trí vô cùng quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước cho thành phố, cứu nạn, cứu hộ trong mưa bão, phòng chống cháy rừng… Tuy nhiên, từ ngày giải phóng đến nay, thương mại dịch vụ Hòa Bắc rất ít được quan tâm, đơn cử như đến hiện tại vẫn không có điểm bán xăng dầu công cộng là một minh chứng.

Ông Đinh Văn Như-Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, đồng thời hiện nay là chủ một mô hình du lịch sinh thái cộng đồng người Cơ Tu ngay tại địa phương cũng cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, trong những năm qua, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương phát triển rất có hiệu quả. Nhưng có lẽ cũng phải bàn tới vấn đề, du khách lên nhiều, tức là các phương tiện lên nhiều cần phải có điểm cung cấp xăng dầu, tuy vậy trên địa bàn trải dài mấy chục km xã Hòa Bắc không có lấy một điểm bán xăng dầu công cộng, người dân, du khách phải mua 1 lít xăng hơn 30 nghìn đồng, 1 lít dầu diezel hơn 25 nghìn đồng, tức là gấp nhiều lần giá Nhà nước quy định, đây là một vấn đề gây khó khăn cho việc phát triển du lịch. Không chỉ thế, xăng dầu đắt đỏ, còn khó khăn, đẩy giá thành lên cao từ các công việc như vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, khai thác rừng trồng, chăn nuôi và nhiều dịch vụ khác phát triển kinh tế, xã hội địa phương, phục vụ đời sống người dân hàng ngày…

Rõ ràng từ thực tế, với một địa bàn chiến lược, quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ rừng, quản lý bảo vệ rừng, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy rừng, phát triển du lịch…một vấn đề tưởng nhỏ là cần có những điểm bán xăng dầu công cộng là rất cần thiết. Rất mong chính quyền, ngành chức năng thành phố, huyện Hòa Vang sớm lưu tâm.

Hồng Thanh