Xã hội hóa các dự án văn hóa: Vì sao mắc kẹt?

Thứ sáu, 23/12/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Một số công trình, dự án liên quan tới văn hóa ở Đà Nẵng được TP kêu gọi đầu tư với nhiều ưu đãi song nhà đầu tư vẫn không mặn mà. Thực tế ấy đang đẩy nhiều công trình văn hóa vào thế bị động, chưa biết xử lý thế nào.

Nghiên cứu rồi lại nghiên cứu

Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có từ hơn 6 năm trước, được kỳ vọng tạo điểm nhấn văn hóa, du lịch quy mô lớn cho TP nhưng công tác xúc tiến đầu tư xây dựng rất chậm. Tương lai có thể chậm nữa khi mà TP dừng bố trí vốn xây dựng cơ bản đồng thời tiến hành chủ trương xã hội hóa. Theo ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng, năm 2015 TP đã bố trí vốn đền bù giải tỏa cho dự án 15 tỷ đồng, năm 2016 là 20 tỷ đồng. Năm tới, TP dừng bố trí vốn, chờ kêu gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Tuy vậy, ông Sơn cũng nhìn nhận, đây là dự án lớn, diện tích hơn 117 ha, bao gồm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dùng chung, khu dân cư, công viên, cây xanh... với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng nên việc kêu gọi đầu tư rất khó khăn. Giám đốc Sở VH–TT TP Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng cho biết, TP đang rốt ráo kêu gọi nhà đầu tư cho dự án. Đích thân Bí thư Thành ủy đã vào TPHCM, kêu gọi chủ đầu tư khu Suối Tiên ra nghiên cứu. Họ đã ra nghiên cứu, sau đó bảo để nghiên cứu tiếp, bây giờ vẫn chưa có động thái gì. “Quy hoạch hết rồi, quan trọng là tìm nhà đầu tư, mà nhà đầu tư thì bao giờ cũng phải tính có lợi mới làm. Mà đầu tư công viên văn hóa ở Đà Nẵng thì khả năng thu lời của họ bị hạn chế, chưa kể vốn đầu tư lớn, bên trong công viên nhiều hạng mục”- ông Hùng nói.

Thời gian đến, để gỡ vướng mắc này, ông Trần Văn Sơn cho biết sẽ chia nhỏ các hạng mục, chọn lọc các hạng mục khả thi để tập trung kêu gọi đầu tư trước. Theo đó, tùy hạng mục đầu tư và hợp đồng được ký kết, nhà đầu tư sẽ khai thác các dịch vụ do mình làm chủ đầu tư, sẽ được TP hoàn trả chi phí đầu tư bằng quỹ đất...

Do cấn nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn nên phần trước rạp Lê Độ
sẽ bị phá bỏ buộc phải xây mới rạp nhưng kêu gọi nhà đầu tư rất khó khăn.

Đến rồi lại đi...

Một dự án văn hóa khác ở Đà Nẵng cũng đang mắc kẹt đó là rạp chiếu phim Lê Độ trên đường Trần Phú- Q.Hải Châu. Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, thời kỳ bao cấp, Đà Nẵng có 8 rạp chiếu phim, bây giờ chuyển sang cơ chế thị trường, do bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn nên còn duy nhất rạp Lê Độ. Vừa rồi TP triển khai nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, rạp Lê Độ bị cấn, phải đập bỏ phía trước đi. Trong khi đó, phía trước vừa là nơi để xe của khách, vừa là mặt tiền của rạp, đập bỏ rồi, bên trong không hoạt động được. Vì thế, rạp Lê Độ nhất thiết phải được xây lại. “Chúng tôi cũng tích cực kêu gọi đầu tư, cụ thể là Viettravel, họ cũng ra ra vào vào mấy lần nhưng giờ vẫn chưa tới đâu”- ông Hùng nói. Theo nhìn nhận của ông Hùng, việc đầu tư cho các công trình kinh tế thì dễ thu lợi nhuận, chứ đầu tư cho văn hóa khó hơn. Vì vậy, để thu hút được nhà đầu tư làm rạp Lê Độ thì xung quanh rạp phải cho họ làm kinh tế. Chẳng hạn họ có thể xây một tòa nhà nhiều tầng, ở trên làm rạp chiếu phim, ở dưới bán thời trang, cà-phê... Nếu làm phương án đó, tin rằng nhà đầu tư sẽ tham gia, còn bảo họ làm mỗi cái rạp Lê Độ, không “ông” nào dám đầu tư cả.

Lý do các nhà đầu tư “ngại” rót tiền vào các dự án văn hóa ở Đà Nẵng được ông Hùng lý giải do đời sống văn hóa Đà Nẵng đang trong quá trình phát triển nên có cái khó nhất định. Cụ thể, TP dân số ít, sức mua kém, nhu cầu hưởng thụ văn hóa không nhiều. Đơn cử đêm diễn của Trường Giang, Trấn Thành, Khánh Ly ở nơi khác họ sẵn sàng bán 8 triệu đồng một cặp vé, về Đà Nẵng bán tối đa chỉ có 3 triệu đồng một cặp. Có những danh ca như Thanh Tuyền vừa rồi về Đà Nẵng bán được có 200 vé. Ông Hùng thở dài nói: “Cho nên không có thì mình đòi hỏi, mà có thì thế đó”. Ông Hùng chốt lại, muốn kéo được nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thì đời sống văn hóa ở TP phải phát triển, hưởng thụ văn hóa phải sôi động. Nhà đầu tư họ hào hứng đầu tư dự án văn hóa ở TPHCM vì ở đó dân đông, là trung tâm giải trí có nhiều nghệ sĩ tài danh, có thiết chế văn hóa mạnh. Cả ba cái đó, Đà Nẵng đều khó khăn.

Tuy hiện tại khó khăn là vậy, song người đứng đầu ngành văn hóa Đà Nẵng tin rằng trong tương lai gần sẽ sáng hơn. Cụ thể, kinh tế TP phát triển, dân số đông lên, nhiều thiết chế văn hóa lớn sẽ được triển khai như Nhà hát lớn TP, Trung tâm văn hóa TP, phim trường điện ảnh, rạp xiếc quốc gia...

Hải Hậu