Xã hội hóa khôi phục đình làng
Đình làng La Bông (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) được khôi phục từ nguồn kinh phí xã hội hóa. |
Những năm gần đây, nhiều ngôi đình tại các làng quê xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã được khôi phục sau thời gian dài hoang phế. Đây là nét đẹp trong ứng xử văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần tốt đẹp của dân tộc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Cuối năm 2019, dân làng thôn La Bông tổ chức lễ khánh hạ đình làng sau gần 50 năm khắc khoải chờ mong. Đình mới được xây dựng trên cánh đồng rộng nhờ tấm lòng tự nguyện hiến đất và kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương và những người con xa quê. Theo ông Nguyễn Trường- Trưởng thôn La Bông, Trưởng ban vận động xây dựng đình làng, qua 3 năm vận động, dân làng đã chung sức khôi phục ngôi đình (giai đoạn 1) với nguồn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. Ngôi đình khang trang, tôn nghiêm này sẽ mãi mãi là nơi linh khí triệu bồi, hội tụ lòng người. Nơi đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho nhân dân, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho những thế hệ con cháu mai sau về tấm lòng yêu nước, hiếu học của bao lớp người đi trước. Công tác vận động kinh phí xây đình không hề đơn giản, song bằng tinh thần gắn bó với quê hương, nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cũng tự nguyện đóng góp.
Với gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, năm 2016, đình làng Lệ Sơn khởi công xây dựng, đáp ứng sự mong đợi của người dân các thôn Lệ Sơn Nam, Lệ Sơn Bắc, Lệ Sơn 2 và Nam Sơn. Trước đó, đình làng An Trạch cũng được khánh thành với kinh phí xây dựng 2,5 tỷ đồng trong niềm hân hoan của bao thế hệ dân làng. Ông Nguyễn Đính- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn chia sẻ: "Có bề dày lịch sử hơn 500 năm, đình làng An Trạch đã trải qua bao biến cố lịch sử, ghi đậm dấu ấn văn hóa, cách mạng xuyên suốt tiến trình hình thành và phát triển của vùng quê yêu nước và hiếu học này. Năm 1945, hàng trăm người dân tập hợp, rồi nổi trống mõ đi tham gia giành chính quyền cùng với nhân dân các vùng lân cận. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, đình làng là nơi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên, mở lớp bình dân học vụ... Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng tiếp tục là nơi gắn liền với những chiến công, sự kiện lịch sử trong công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước".
Đối với người dân nông thôn, đình làng luôn giữ vị trí vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là một địa điểm tâm linh mà đình làng còn gắn bó với cuộc sống thường nhật và là hình ảnh đi sâu vào tâm thức mỗi con người. Việc trùng tu, sửa chữa, xây mới các ngôi đình đã bị thiên tai, chiến tranh tàn phá luôn được người dân đồng thuận nhằm giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử của tiền nhân để lại, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, việc tôn tạo, khôi phục đình làng xuất phát từ nhu cầu đời sống của nhân dân và cũng chính họ tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Cụ Lê Liệu (thôn Lệ Sơn Nam) phấn khởi trải lòng: "Ngắm nhìn mái đình cong vút uy nghi, xung quanh là đồng lúa trù phú, mọi người con trong làng ở địa phương hay xa quê về đều có chung một cảm nhận tình người - tình quê hương thật vô cùng ấm áp sâu lắng. Qua đó, mỗi tộc họ, gia đình trong làng cùng hướng đến xây dựng NTM với một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; gây được ý thức đoàn tụ, mở rộng tình yêu thương huyết mạch và ăn ở cho phải đạo làm người".
Có thể thấy, mục đích cuối cùng của xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân. Làm thế nào vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng NTM hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ở làng quê hiện đang được các thôn trên địa bàn xã quan tâm. "Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy và chính quyền địa phương còn coi trọng tiêu chí xây dựng văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống ở các làng quê mãi trường tồn với thời gian", Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn khẳng định.
VY HẬU