Xa rồi dòng sông tuổi thơ!

Thứ năm, 10/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: "Nhớ về Hà Nội", "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Trở về dòng sông tuổi thơ"... đã qua đời tại nhà riêng (TPHCM) lúc 12 giờ 45 ngày 9-1 ở tuổi 81 sau một cơn  trọng bệnh...

"Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình...", mỗi khi nghe những câu hát trong ca khúc "Trở về dòng sông tuổi thơ" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhiều người bồi hồi, xúc động bởi lời ca giản dị mà sâu lắng, chất chứa kỷ niệm. Lời hát xao xuyến, đánh thức tình yêu quê hương và tuổi thơ của bao thế hệ. Ca khúc đã nói thay tiếng lòng của bao người: "Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình /Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ /Con sông tôi tắm mát /Con sông tôi đã hát /Con sông cho tôi gặp một tình yêu nước non quê nhà".

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1-10-1931 ở xã Mỹ Hiệp, H. Chợ Mới - An Giang, tham gia cách mạng từ năm 1945, sau đó ông rời miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc. Đây là khởi điểm cho cảm hứng sáng tạo của người nhạc sĩ Nam Bộ, để dâng tặng cho đời những khúc ca nồng nàn tình yêu quê hương, xứ sở.

 

Năm 1957, Hoàng Hiệp cho ra đời bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương", sáng tác chung với nhạc sĩ Đằng Giao, được xem là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp. Lúc ấy Hoàng Hiệp mới là sinh viên năm đầu của Trường Âm nhạc Việt Nam, xúc động mạnh mẽ trước mối chung tình của một người chiến sĩ nhớ thương vợ con đã hy sinh bên con sông Bến Hải, ông đã sáng tác những lời ca da diết: "Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/ Nhắn ai xin nhớ câu nguyền/ Qua cơn bão tố vững bền lòng son". Bao nhiêu thế hệ người lính đã vì câu hát ấy mà thêm can đảm khi đối diện với kẻ thù. Sau năm 1975, trở về quê hương, ông viết để gửi gắm tâm tình của những người con miền Nam hướng về phía Bắc: "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội..." . Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hoàng Hiệp trải dài khắp các miền đất nước, hàng trăm ca khúc của ông đã đi vào lòng người nghe nhạc, với nhiều cung bậc tình yêu. Hoàng Hiệp có tài chắp cánh cho những câu thơ. Ca khúc của ông phổ thơ của rất nhiều người. Mỗi ca khúc của ông mang âm hưởng dân ca, trữ tình, trải đều cho 3 miền đất nước với các dấu ấn đậm nét: Miền Trung có bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Lá đỏ"; miền Nam thân yêu của ông có bài "Trở về dòng sông tuổi thơ", "Con đường có lá me bay". Và miền Bắc có bài "Nhớ về Hà Nội". 

Nhạc của Hoàng Hiệp như con người ông, hiền hòa, nặng tình, ca khúc nào cũng có một chiều sâu đời sống, cảm xúc, suy tư và trải nghiệm.

Vĩnh biệt Hoàng Hiệp, sẽ nhớ mãi một người con của miền Nam, đã đem cuộc đời và tình yêu của đời mình dồn hết trong một chuyến phiêu du từ Nam ra Bắc. Và cuối cùng, ông đã trở về vĩnh cửu với hành trang đầy nặng những sáng tác của nỗi niềm, của thân phận, của tình yêu.

Ông đã sống, đã yêu và cống hiến suốt một đời cho âm nhạc, có những đứa con tinh thần được khán thính giả nhớ và yêu quý là niềm hạnh phúc lớn. Mỗi người nghe nhạc, sẽ luôn giữ được cho mình những khoảnh khắc thanh xuân như những nốt nhạc không bao giờ có tuổi, như dòng sông tuổi thơ vẫn trẻ mãi  trong lòng mỗi người: "...hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già".

K.N