Xác định nguyên nhân 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Thứ ba, 21/11/2017 07:59

Liên quan đến vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết: Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đẻ non yếu suy hô hấp.

Bé Vi Thị Phượng (địa chỉ bản Bó Mồng, thôn Tô Múa, H. Vân Hồ, Sơn La), được sinh bằng phương pháp mổ đẻ ở tuần thứ 34. Sau khi sinh, trẻ bị suy hô hấp, đã điều trị tại Đơn nguyên sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh từ ngày 13-11-2017. Bệnh viện đã cho trẻ nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh. Sau đó, trẻ diễn biến suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn từ 22 giờ ngày 19-11. Bệnh viện đã cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả, trẻ tử vong hồi 2 giờ, ngày 20-11.

Bé Vũ Hải Đăng (địa chỉ xã Nam Hải, H. Nam Trực, tỉnh Nam Định) được mổ đẻ ở tuần thứ 34. Sau khi sinh, trẻ suy hô hấp, đã điều trị tại Đơn nguyên sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh từ ngày 12-11-2017. Bệnh viện đã xử trí bằng nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh. Trẻ diễn biến suy hô hấp nặng hơn từ 22 giờ ngày 19-11, đã cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả, trẻ tử vong hồi 5 giờ 55 phút ngày 20-11.

Bé Vũ Đình Cò (địa chỉ  thôn Nam Viên, xã Lạc Vệ, H. Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sinh non ở tuần thứ 32 vào ngày 13-11-2017. Sau khi sinh, trẻ suy hô hấp, đã điều trị tại Đơn nguyên sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Bệnh viện đã xử trí bằng cách cho trẻ nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh. Trẻ diễn biến nặng từ hồi 5 giờ 30 phút ngày 20-11 do suy hô hấp, suy tuần hoàn, đã cấp cứu tích cực không có kết quả, trẻ tử vong hồi 8 giờ 30 phút cùng ngày.

Bé Nguyễn Hà Vi (địa chỉ thôn Sơn, P. Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) được mổ đẻ ở tuần thứ 35 do suy hô hấp, suy dinh dưỡng bào thai. Sau sinh, trẻ bị suy hô hấp và được điều trị tại Đơn nguyên sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh từ ngày 16-11-2017. Bệnh viện đã cho trẻ nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ăn sữa qua sonde dạ dày, kháng sinh. Trẻ diễn biến nặng từ 3 giờ ngày 20-11 do suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn. Mặc dù bệnh viện đã cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả. Trẻ tử vong hồi 9 giờ 30 phút ngày 20-11.

Ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh đã mời chuyên gia, bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chuyên môn trong khám, điều trị và phân tích nguyên nhân vụ việc. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh thực hiện phân loại bệnh nhân, chuyển 9 trẻ sơ sinh có tình trạng nặng đang điều trị tại Đơn nguyên sơ sinh của bệnh viện tới Bệnh viện Nhi Trung ương (5 cháu) và Bệnh viện Bạch Mai (4 cháu).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có mặt tại bệnh viện, trực tiếp chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tiếp tục nắm bắt tình hình bệnh nhân, phân loại bệnh nhân, có thái độ chăm sóc tốt. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình khám, cấp cứu người bệnh đã tử vong; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc; thăm hỏi gia đình có bệnh nhân tử vong.

* Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắc Nông cho biết đã ký biên bản xác định nguyên nhân tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Thúy (1982, trú xã Đắc Sắc, H. Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) tại Bệnh viện Đa khoa H. Đắc Mil. Theo đó, Đoàn thẩm định của Sở Y tế Đắc Nông thống nhất với chẩn đoán nguyên nhân tử vong của sản phụ do thuyên tắc ối. Thuyên tắc ối là hiện tượng nước ối và tế bào thai nhi tràn vào mạch máu trong quá trình chuyển dạ, gây tắc mạch máu. Đây là tai biến sản khoa rất nguy hiểm, xảy ra đột ngột, không thể tiên lượng trước, tỉ lệ tử vong rất cao.

Trước đó, sáng 27-10-2017, sản phụ Nguyễn Thị Thúy chuyển dạ và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đắc Mil chờ sinh. Sau khi đưa vào bệnh viện, các bác sĩ đã khám và tiến hành một số xét nghiệm, kết quả cho thấy những dấu hiệu sản khoa không có gì bất thường. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ nên được đưa vào phòng sinh. Sau hai cơn rặn, sản phụ có dấu hiệu tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

B.T – TTXVN