Xâm hại tình dục ở trẻ em-SOS (Kỳ cuối: Khó phát hiện, khó xử lý nhưng có chuyển biến)
Những năm gần nay, nhận thức của xã hội liên quan thực trạng nhức nhối về xâm hại tình dục trẻ em ở Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý đối với loại tội phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV số 2 làm việc với TP Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em vào tháng 10-2019. Ảnh: P.T |
Bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội Từ thiện & Bảo vệ quyền trẻ em TP (TT&BVQTETP) cho biết, số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn TP Đà Nẵng không nhiều, không phức tạp như ở một số tỉnh thành khác, nhưng để phát hiện và xử lý thì không hề đơn giản. "Có vụ việc khi phát hiện thì thời gian xảy ra đã lâu nên không có chứng cứ chứng minh... Làm thế nào để những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em khi được phát hiện sẽ được xử lý nghiêm theo đúng pháp luật? Đây là điều mà những người làm công tác bảo vệ quyền trẻ em chúng tôi day dứt, trăn trở nhất"- bà Lê Thị Tám trăn trở bày tỏ.
Phân tích về số vụ việc phát hiện và xử lý trong năm 2019 tăng hơn 8 vụ so với năm 2018, chuyên viên tâm lý Nguyễn Văn Tú cho rằng, liên quan đến vấn đề này thì khó có sự so sánh chính xác. Anh lấy ví dụ như trường hợp bé gái bị tình nhân của mẹ xâm hại tình dục từ năm 2014, để lại hậu quả năm 2018 nhưng mãi đến đầu năm 2019 mới được phát hiện. Vì thế, theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Văn Tú, việc ngày càng phát hiện ra nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại là tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy vấn đề liên quan đến trẻ em bị xâm hại tình dục đã được xã hội và các cấp quan tâm, đặc biệt là nhận thức xã hội đối với vấn đề này đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đồng quan điểm này, bà Lê Thị Tám cho rằng, dù còn nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý, nhưng so với trước đây, vấn đề về xâm hại tình dục trẻ ở Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến. Và điều làm nên sự chuyển biến này là nhờ vào việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền đến tận HS và phụ huynh HS. Trong đó, vai trò đóng góp của Hội TT&BVQTE TP là không nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em&bình đẳng giới Sở LĐTB&XH TP - thời gian qua, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, công tác bảo vệ trẻ em nói chung được cả hệ thống chính trị, xã hội trên địa bàn TP quan tâm, vào cuộc. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân nhận thức chưa cao về vấn nạn này. Trong suy nghĩ của không ít người, xâm hại tình dục ở trẻ em luôn là vấn đề nhạy cảm. Vì thế, số liệu thống kê chỉ thể hiện một phần của thực trạng mà thôi.
Cũng theo bà Hà, hiện Đà Nẵng đang quan tâm và quan ngại về tình trạng xâm hại tình dục trên môi trường mạng. "Vụ việc liên quan đến một cô bé mới 15 tuổi nhận lời đóng phim người lớn cho nhóm đối tượng người Trung Quốc xảy ra tại Q.Sơn Trà được lực lượng CATP làm rõ năm 2019 vừa qua là một trong những dạng xâm hại tình dục thông qua môi trường mạng. Chính vì khó nhận biết nên người dân không biết để tố cáo. Vì vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn thực trạng xâm hại tình dục trẻ em, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là truyền thông cho HS nhận biết các phương thức, thủ đoạn và hành vi của loại tội phạm này, giúp các em chủ động phòng ngừa là chính. Công tác này đang được Sở cùng các cấp, Hội ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông"- bà Hà chia sẻ thêm.
Còn nhớ, vào đầu tháng 10-2019, tại buổi làm việc với TP Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, bà Lê Thị Nga - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV số 2 - đánh giá cao những kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác triển khai phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga vẫn cho rằng, Đà Nẵng cần phải quan tâm, cần chú ý những nhóm trẻ có nguy cơ cao về xâm hại, cụ thể là trẻ có bố mẹ ly hôn (trên 600 trẻ), trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có khả năng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Được biết, tính đến tháng 6-2019, toàn TP có 2.829 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,19 % dân số trẻ em. Có khoảng hơn 12.300 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Vì vậy, theo bà Nga, các cơ quan chức năng cần có giải pháp tập trung, phù hợp và phải quản lý được số nhóm trẻ này... Cũng theo bà Nga, mặc dù trong 5 năm (từ 2015 đến tháng 6-2019), số vụ xâm hại trẻ em trên địa TP Đà Nẵng thấp hơn so với cả nước (64 vụ, giảm 50 vụ, 54 đối tượng so với giai đoạn 2011 - 2015), nhưng không vì thế mà được chủ quan. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông đến tận trẻ em và PHHS.
P.THỦY
>> Xâm hại tình dục ở trẻ em-SOS (Kỳ 1: Những nốt lặng... chết người!)
Sáng 1-6, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề: "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em", nhằm vận động các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng tham gia tích cực hơn nữa vào việc bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động Hè tại địa phương; tổ chức cho trẻ em một mùa Hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột... Nhiều thông điệp, khẩu hiệu truyền thông được đưa ra như: "Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động"; "Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng"; "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau"; "Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em"; "An toàn cho con, hạnh phúc cho cha mẹ"; "Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em"...
|