Xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, giúp phục hồi bền vững
Đánh giá về tình hình Biển Đông và khu vực, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi bất ngờ, cục diện Biển Đông tương đối tĩnh lặng nhưng chỉ mang tính tạm thời. Theo các học giả, tình hình an ninh khu vực và Biển Đông thể hiện ở hai cấp độ, một mặt liên quan giữa các nước ven Biển Đông mặt khác liên quan đến cạnh trạnh giữa các nước lớn. Biển Đông cũng chịu tác động bởi nhiều nhân tố như bối cảnh địa chính trị trên thế giới và khu vực, các tính toán của cường quốc và cạnh tranh các nước lớn; những thay đổi địa chính trị trên thế giới và một số khu vực và tình trạng quan hệ các nước lớn kéo theo sự thay đổi về nhận thức, chính sách các cách thức xử lý mối quan hệ với nước lớn từ phía các nước và tổ chức như ASEAN, EU.
Hội thảo có phiên riêng kỷ niệm 40 năm ký kết Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông. Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là một bản Hiến pháp của Đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biến đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS. Tuy nhiên, các học giả cho rằng các thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế. Đánh giá về giá trị của Tuyên bố DOC, nhiều học giả khẳng định DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.
Các đại biểu cũng thảo luận về những phát triển gần đây tại Biển Đông; những thách thức mới với an ninh biển; đảm bảo an ninh và hòa bình trên biển; sử dụng các nguồn tài nguyên, đối phó biến đổi khí hậu; hợp tác triển khai phát triển kinh tế biển xanh…
Qua 2 ngày Hội thảo, 8 phiên thảo luận, 1 phiên dẫn đề, gần 40 bài tham luận và hơn 160 ý kiến bình luận, câu hỏi trao đổi tại hội thảo đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển và nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, Bà Phạm Lan Dung - quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, bên cạnh các thách thức, chúng ta vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng và đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, cộng đồng khu vực và quốc tế cần tiếp tục cam kết với luật pháp quốc tế và việc đảm bảo thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào các kênh hợp tác đa phương, linh hoạt, sáng tạo trong các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực và không gian khác nhau để xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, giúp các quốc gia tập trung phục hồi bền vững.
HẢI QUỲNH