Xây dựng Cảng Tiên Sa “Văn minh - An toàn - Văn hóa”

Thứ sáu, 10/04/2015 11:31

(Cadn.com.vn) - Cảng Tiên Sa (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong 3 cảng biển lớn của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây. Đặc biệt là từ sau khi cảng Sông Hàn chuyển đổi công năng sử dụng thành cảng du lịch vào năm 2014 thì hầu như tất cả các tàu vận tải biển, tàu khách khi đến Đà Nẵng đều cập cảng Tiên Sa. Lượng tàu, hàng hóa, khách du lịch đến cảng nhiều cũng đồng nghĩa với việc tăng về phương tiện, con người và các dịch vụ phục vụ cho các hoạt động của Cảng.

Cán bộ Trạm BPCK Cảng Tiên Sa tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm. 

Tiềm ẩn nhiều phức tạp

Hàng ngày, có hàng trăm xe tải ra, vào cảng để nhận hàng, có lúc  dồn ứ phải xếp hàng dài cả cây số dọc tuyến đường Yết Kiêu. Đi kèm với các hoạt động nhộn nhịp của cảng thì phía bên ngoài cổng cảng Tiên Sa, các hàng quán ăn uống, giải khát, có cả các dịch vụ nhạy cảm như: gội đầu, cắt tóc, massage hai bên đường vì thế cũng mọc lên rất nhiều, chủ yếu để phục vụ cho cánh thủy thủ tàu biển và các lái xe tải trong lúc đậu đỗ chờ nhận hàng, giao hàng. Lượng phương tiện nhiều, người ra vào nhiều đã kéo theo nhiều phức tạp về TTXH ở khu vực phía ngoài cổng cảng Tiên Sa.

Trao đổi về tình hình này, thượng tá Trần Công Tám, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng (PBCK) Tiên Sa cho biết: Mặc dù có quy định về giờ các hàng quán đóng cửa nhưng cũng khó áp dụng ở khu vực này vì tàu  ra vào cảng không có giờ giấc nhất định, có khi vào lúc nửa đêm, mờ sáng nên các hàng quán cũng thức theo để phục vụ. Nhiều người buôn bán ở đây chủ yếu kiếm sống nhờ vào các hoạt động dịch vụ phục vụ các tàu, xe, nên có cấm họ cũng khó, chỉ có cách là làm sao đưa các hoạt động đi vào nền nếp, ngăn ngừa, chấn chỉnh các sai phạm từ lúc mới phát sinh.

Ở khu vực cảng, lực lượng CAP Thọ Quang đã từng bắt quả tang bà Hoàng Thị Kim Phượng (1972, trú Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam), chủ quán nhậu kiêm cắt tóc, gội đầu, massage Ruby tổ chức hoạt động mại dâm vào ngày 26-1-2015. Tuy hoạt động rôm rả với nhiều loại dịch vụ thuộc dạng nhạy cảm nhưng bà Phượng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.

Bên ngoài vỏ bọc kinh doanh, còn bên trong hoạt động chủ yếu của quán là tổ chức môi giới mại dâm phục vụ cho khách là thủy thủ các tàu cập Cảng Tiên Sa, lái xe container, vận tải hàng hóa ra vào cảng. Cơ quan CA đã xử lý đối với chủ quán và 2 gái bán dâm, 2 khách mua dâm tại quán. Bên cạnh đó, một số vi phạm ở các hàng quán ở khu vực này tuy mức độ không lớn nhưng cũng đáng quan ngại như: cho khách đánh bài ai thua phải trả tiền cơm, trả tiền nước; lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo khách, tranh cãi đánh nhau, kinh doanh sai mục đích...

Khu vực phía ngoài cổng Cảng Tiên Sa luôn tấp nập xe ra vào nhận hàng.

Tập trung giải quyết trật tự

Nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa các vi phạm không để phát triển thành điểm nóng, đảm bảo ANTT ở khu vực cửa khẩu cảng Tiên Sa, ngoài các lực lượng chức năng như CAP Thọ Quang, lực lượng bảo vệ Cảng, các đơn vị quân đội và Trạm KSBP Tiên Sa thì sự hợp tác của những người dân, những hộ buôn bán, kinh doanh ở khu vực này là rất cần thiết. Ngày 4-4-2015, Trạm BPCK Cảng Tiên Sa đã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho khoảng 50 chủ hộ kinh doanh, buôn bán và đội xe thồ tự quản ở khu vực này và tổ chức cho các hộ ký cam kết không vi phạm.

Là người trực tiếp tuyên truyền,  đại úy Trần Văn Tuynh, Chính trị viên Trạm BPCK Cảng Tiên Sa đã chọn lựa, chắt lọc những nội dung phù hợp để phổ biến cho bà con, trong đó tập trung tuyên truyền Nghị định 169/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới Quốc gia và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện “Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Theo đại úy Trần Văn Tuynh, nội dung của các văn bản pháp luật này rất dài, phạm vi điều chỉnh rộng, vì thế để bà con dễ nhớ, dễ thực hiện, anh đã chọn những nội dung thiết thực, có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, làm ăn của bà con như: mức phạt đối với việc cư trú, đi lại không đúng quy định ở khu vực biên giới; mức phạt đối với các vi phạm về quản lý, bảo vệ công trình trong khu vực biên giới; các hành vi vi phạm TTCC, các  quy định về đảm bảo khu vực yên tĩnh chung; giữ vệ sinh chung; về đăng ký, quản lý cư trú; về quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân...

Bên cạnh việc tuyên truyền các nội dung văn bản pháp luật, đại úy Trần Văn Tuynh còn kết hợp chỉ ra các vi phạm còn tồn tại như: Một số hàng quán còn đổ rác bừa bãi, xả nước bẩn gây mất vệ sinh chung; có hộ đưa nhân viên hoặc người nhà đến tạm trú nhưng không đăng ký, khai báo tạm trú; vẫn còn tình trạng hàng quán cho khách (chủ yếu là lái xe trong lúc chờ lấy hàng, giao hàng, công nhân) tranh thủ giờ nghỉ trưa để  đánh bạc dưới nhiều hình thức như: số đề, tá lả, cá cược bằng tiền... mặc dù tính chất không lớn, số tiền không nhiều nhưng pháp luật đã có quy định cấm, đề nghị các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc.

Tại buổi tuyên truyền, các chủ hộ kinh doanh cũng phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến ủng hộ việc thực hiện nếp sống văn minh ở khu vực cửa khẩu cảng, đồng thời chỉ ra những tồn tại như: Còn tình trạng bỏ rác vào thùng gây ô nhiễm, nhất là ở các khu vực công cộng và đề nghị các hộ khác cùng tham gia khắc phục để giữ vệ sinh chung ở khu vực cửa khẩu cảng. Dự và phát biểu tại buổi tuyên truyền, trung tá Hoàng Hữu Hà, Phó Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng (đơn vị chủ quản của Trạm BPCK cảng Tiên Sa) hoan nghênh những ý kiến đóng góp và đề nghị bà con tiếp tục có những phản ánh tình hình liên quan, kể cả về tác phong, thái độ làm việc của CBCS Trạm BPCK Cảng để  góp phần giữ vững ANCT-TTATXH ở khu vực cửa khẩu Cảng.

K.Thanh