Xây dựng chính quyền điện tử: Dưới góc nhìn của chuyên gia
Mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng đã nhận giải thưởng WeGo vào năm 2014. Cuối tháng 8-2019, Đà Nẵng cũng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố thông minh 2019 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO 2019 - Bangkok (Thái Lan). Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh 2019 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 23-10, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin đã có những góc nhìn khác nhau về mấu chốt để xây dựng chính quyền điện tử.
Các chuyên gia đầu ngành CNTT thảo luận những mấu chốt để xây dựng thành phố thông minh tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh 2019. |
Theo ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng phải bắt đầu từ chính sách qua đó tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân, Công nghệ tiên tiến từ đó lựa chọn cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng để có kết quả tốt nhất. Việc xây dựng chính quyền điện tử sẽ tạo ra rất nhiều cơ sở dữ liệu và phải đảm bảo theo yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Điều đầu tiên là chức năng cơ quan Nhà nước làm thế nào để thu thập, tạo ra những dữ liệu phù hợp, an toàn. Tạm gác các yếu tố về kỹ thuật sang một bên, hiện nay ngành TTTT đã tạo ra 80 cơ sở dữ liệu khác nhau.
Đơn cử như cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, người dân chỉ cần truy cập thông tin thì sẽ biết được cơ sở kinh doanh đó có được cấp an toàn thực phẩm hay không, từ đó đưa ra những quyết định sử dụng dịch vụ. Cơ sở về giao thông vận tải thì khi thuê một chiếc xe buýt thì cũng dễ dàng kiểm tra xe này có hoạt động chui hay không, được mua năm bao nhiêu, công tác thực hiện kiểm định thế nào. Hay khi người dân quyết định mua một lô đất thì truy cứu thông tin dễ dàng về giá đất, thuế... “Vì vậy, với 80 nguồn dữ liệu khác nhau, chúng tôi phải có sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đảm bảo nguồn dữ liệu chính xác và kịp thời để phục vụ cho người dân”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Ngô Diên Hy - Tổng giám đốc Công ty công nghệ VNPT cho biết, cần phải được ban hành sớm nghị định viễn thông, chia sẻ dữ liệu ở cấp Chính phủ. Khó khăn thực sự khi triển khai là một cơ sở dữ liệu mở. Hiện tại một số cơ sở dữ liệu vẫn là tập trung.
Vấn đề nảy sinh là làm sao để chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa trung ương- địa phương- người dân. Nhiều cơ sở vật chất, công nghệ thông tin tại địa phương chưa được đầu tư đúng mức hoặc nhiều chủng loại, không đồng bộ, chuẩn hóa khác nhau do xuất phát từ nhiều nhà cung cấp. Đó vẫn là bài toán về công nghệ nhưng vẫn giải quyết được. “Vì vậy theo tôi, điều then chốt là nghị định viễn thông, chia sẻ dữ liệu cần phải được ban hành sớm ở cấp Chính phủ để từ đó tạo điều kiện cho dữ liệu được chia sẻ ở khối công được thuận lợi hơn”, ông Hy chia sẻ.
Ông Wee Ken Jin - Giám đốc khối chính phủ và Doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ Maddox lại đánh giá cao việc hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong đảm bảo vấn đề về an ninh mạng. Phân loại thông tin, dữ liệu có tính quan trọng nhạy cảm, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp từ đó cho phép truy cập theo loại (công khai hay riêng tư). Những dữ liệu chung, công khai thì xây dựng một cổng dữ liệu cho mọi người truy cập như thuế, thủ tục hành chính. Đồng thời xác định người dùng đúng thông qua người dùng (ID) với mật khẩu riêng. Từ đó, nếu lộ ra thông tin thì có thể dễ dàng truy ngược lại nguồn tin đã xuất phát từ người dùng nào.
Bên cạnh đó, dữ liệu thông qua kho lưu trữ sẽ được theo dõi thành một văn bản, báo cáo cụ thể từ đó dự báo và biết được ai truy cập dữ liệu này và thống kê lượng truy cập từ đó giảm rủi ro đối với văn bản, đặc biệt là văn bản mang tính chất mật hay riêng tư. Vì vậy, việc hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân về An ninh mạng, Công nghệ có thể khiến tài nguyên dữ liệu không còn của riêng Nhà nước nữa. Chính vì vậy, sự hợp tác của các bên khác nhau đòi hỏi phải có tiêu chuẩn về hợp tác chặt chẽ, thống nhất về tính bảo mật giữa Nhà nước với tư nhân. “Theo tôi, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở con người, thích nghi với dữ liệu lớn, phổ biến đào tạo con người chúng ta để sử dụng dữ liệu tốt nhất”, ông Jin phân tích.
Mấu chốt để phát triển TP thông minh phải bắt nguồn từ sự đồng thuận của người dân và chính quyền. |
Ông Steven Furst - Giám đốc Tư vấn chiến lược, kiến trúc sư về chuyển đổi số, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT cho rằng cần phải xây dựng được hệ thống tư nhân đến Nhà nước một cách đồng bộ. Từ đó, có cách phân tích dữ liệu, lưu trữ dữ liệu một cách cụ thể, đảm bảo phục vụ nhu cầu cung cấp đến nơi cần. Bên cạnh đó, cấp độ quản lý Nhà nước phải đồng hành, hợp tác nhiều cấp địa phương. “Theo tôi, việc hướng đến TP thông minh là quá trình lưu trữ dữ liệu, chuyển hóa hệ thống dữ liệu lớn an toàn nhất giữa các kênh nhà nước- Doanh nghiệp. Việc lưu trữ dữ liệu phục vụ nhu cầu người cung cấp và tư cách thành viên để đóng góp vào nguồn dữ liệu đó từ nhiều ngành khác nhau”, ông Furst nhấn mạnh.
Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, cũng là yêu cầu trong phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt là nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng tại Nghị quyết 43 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó mục tiêu đến năm 2030 phải “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử tạo niềm tin, là nền tảng để thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh. Đà Nẵng đã xác định mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng, và 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng để triển khai xây dựng thành phố thông minh.
LÊ ANH TUẤN